Phục hồi môi trường và đa dạng sinh học đảo Bạch Long Vỹ

Thứ Ba, 07/06/2016, 08:25
Bạch Long Vỹ là một huyện đảo thuộc thành phố Hải Phòng, nằm trên hòn đảo cùng tên với diện tích khoảng 2,5km² khi có thủy triều lên và khoảng 4km² khi thủy triều xuống. Với vị trí địa chính trị có tầm quan trọng chiến lược, đảo Bạch Long Vĩ được xác định là một trong những đảo tiền tiêu trên Vịnh Bắc Bộ.


Trong những năm gần đây, việc phát triển kinh tế biển đã góp phần nâng cao thu nhập cho ngư dân. Nhưng việc khai thác các nguồn lợi biển quá mức đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và suy giảm nhiều loài sinh cảnh biển, gây tác động đến nguồn sinh kế của cộng đồng ngư dân tại đây.

Theo đánh giá của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Khu hệ sinh vật khu vực quanh đảo Bạch Long Vĩ phát triển tương đối phong phú, dựa trên sự tồn tại của hệ sinh thái rạn san hô được đánh giá là một trong những vùng rạn san hô tốt nhất ở vùng biển phía Bắc Việt Nam. Các rạn san hô quanh đảo bạch Long Vỹ cung cấp nơi sinh cư và nơi kiếm ăn cho các loài động, thực vật biển, là điều kiện duy trì và phát triển nguồn lợi sinh vật biển cho đảo Bạch Long Vĩ nói riêng và khu vực Vịnh Bắc Bộ nói chung.

Với vai trò, vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển, đảo Bạch Long Vĩ được đánh giá là một trong những vùng biển ở Việt Nam có mức độ đa dạng sinh học cao, hệ sinh thái rạn san hô phong phú và nhiều loài động thực vật quý hiếm.

Bạch Long Vỹ là hòn đảo tiền tiêu trong Vịnh Bắc Bộ. Ảnh: An Khang.

Tuy đảo Bạch Long Vĩ rất nhỏ nhưng lại có nhiều tiềm năng lớn. Đó là chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo tồn biển và phát triển nuôi trồng hải sản, tương lai không xa là phát triển du lịch, dịch vụ dầu khí, hàng hải, cứu hộ, cứu nạn...

Tuy vậy, sau 16 năm xây dựng và phát triển huyện đảo đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, ảnh hưởng lớn đến môi trường và bảo tồn biển khu vực huyện đảo này. Về chế biến, hiện chỉ có một xưởng sản xuất bột cá công suất 80 tấn/ngày nhưng đã gây bức xúc lớn trên địa bàn do hôi thối, rác bẩn và nước thải. Trung bình mỗi năm có từ 300-1.000 tàu thuyền vào neo đậu trong âu cảng và khu vực ven bờ gây ô nhiễm nặng cho khu vực.

Do chưa quản lý tốt và chưa có cơ chế đủ mạnh, nêu hầu hết các tàu, thuyền thường xả rác và nước thải, dầu thải trực tiếp xuống lòng âu và ven bờ đảo. Tình trạng dùng chất nổ khai thác thủy sản chưa được ngăn chặn triệt để, khu bảo vệ nguồn lợi 6m nước thường xuyên có nhiều lao động dùng thiết bị lặn khai thác bào ngư vào ban đêm. Hiện tượng tàu thu mua của địa phương khác đến khai thác san hô đen vẫn diễn ra, nếu không có biện pháp quản lý tốt sẽ gây hại cho các rạn san hô quanh đảo.

Thạc sĩ Trần Thị Thúy Nga, Trường Cao đẳng Kinh tế và Thương mại cho rằng: Sóng bão là một trong những tai biến môi trường có tính rủi ro cao nhất đối với khu vực đảo Bạch Long Vĩ, do nằm xa đất liền và thường là điểm đầu tiên chịu tác động của bão khi chúng di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ. Chính vì vậy, việc trồng lại rừng trên đảo là một trong những ưu tiên cần làm để chống xói lở đất. Giải pháp đầu tiên là trồng các cây thân gỗ, cây lâu năm để phủ xanh diện tích đồi trọc.

Các nguồn thải do các hoạt động phát triển trên đảo và hoạt động của tàu, thuyền đánh cá, các rủi ro về sự cố tràn dầu, khai thác quá mức... cũng cần sớm được quản lý thông qua việc nâng cao quản lý chuyên ngành.

Đi đôi với việc tăng cường công tác nghiên cứu khoa học trong phạm vi Khu bảo tồn biển của đảo Bạch Long Vĩ, nhằm phát hiện ra các bãi giống, bãi đẻ của các loài hải sản từ đó có thể đề ra các biện pháp quản lý hữu hiệu hơn, cần ưu tiên triển khai các nghiên cứu mang tính hỗ trợ kỹ thuật như hoàn thiện, hoặc xây dựng các quy trình công nghệ phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản các loài quý hiếm, các loài có giá trị kinh tế cao như bào ngư, tôm hùm, hải sâm...; nghiên cứu các biện pháp phục hồi các hệ sinh thái đặc trưng như san hô, nhằm phục vụ công tác bảo tồn; từng bước xây dựng các mô hình phát triển du lịch sinh thái ít gây hại tới môi trường, thông qua việc sớm quy hoạch các hoạt động du lịch và tuyến, điểm du lịch biển phù hợp.

UBND thành phố Hải Phòng nên xúc tiến việc tham gia các mạng lưới, tổ chức quốc tế về bảo tồn tự nhiên nhằm quảng bá hình ảnh của đảo Bạch Long Vĩ ra thế giới, để thu hút khách du lịch, trao đổi học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin tư liệu, học tập và đào tạo cán bộ nhằm nâng cao nghiệp vụ và năng lực quản lý.

Mặt khác, tìm cơ hội và thu hút các dự án đầu tư vào bảo vệ tự nhiên, phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư bảo vệ, phát triển các giá trị của đảo; hỗ trợ cộng đồng phát triển kinh tế, chuyển đổi ngành nghề hoặc phát triển ngành nghề mới đảm bảo cuộc sống, giảm sức ép tới môi trường và khả năng tổn hại tới khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ.

PV
.
.
.