Phòng tránh những cú đánh của Thiên Lôi

Thứ Bảy, 26/05/2012, 13:30
Vừa chớm mùa dông bão, sét đánh đã gây nổ mìn tại mỏ đá thuộc xã Lại Xuân (Thủy Nguyên – Hải Phòng) làm 6 người chết, 4 người bị thương. Hằng năm, những vụ sét đánh kinh hoàng đã gây ra tổn thất không nhỏ về tính mạng con người và tài sản. Để hiểu rõ những quy tắc phòng chống sét mùa dông bão, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Xuân Anh – Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu.
>>6 người chết trong vụ nổ liên hoàn trên núi đá

PV: Là nhà khoa học chuyên nghiên cứu về sét, theo ông, hiện tượng dông sét ở Việt Nam có ở mức nguy hiểm không?

TS Nguyễn Xuân Anh: Dông sét ở Việt Nam có yếu tố bất thường. Đặc biệt, trong mấy năm gần đây, hoạt đông dông sét ngày càng mạnh. Trên thế giới có 3 tâm dông sét: châu Á, châu Phi, châu Mỹ. Việt Nam nằm ở tâm dông sét ở châu Á nên cường độ dông sét mạnh. Trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2 triệu lần sét đánh xuống đất. Mùa dông sét thường kéo dài, từ tháng 4 đến tháng 10, đặc biệt cao điểm vào tháng 7. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nên nguy cơ sét cũng cao hơn.

PV: Về mặt khoa học, có thể cảnh báo được thời điểm, vị trí sét đánh?

TS Nguyễn Xuân Anh: Vì sét mang tính chất ngẫu nhiên, bất ngờ nên rất khó dự đoán chính xác thời điểm, vị trí sét đánh, ngay cả ở những nước có nền khoa học rất phát triển. Trong mỗi cơn dông thường kéo dài 4 giờ, có thể có 10.000 cú phóng điện, trong đó có 1.000-2.000 cú phóng điện xuống đất. Không có vị trí nào an toàn tuyệt đối, tuy nhiên vẫn có những quy tắc phòng chống sét an toàn, đơn giản, tiết kiệm. Cách đơn giản nhất là mỗi gia đình nên làm hệ thống cột thu lôi.

PV: Qua nghiên cứu, các nhà khoa học có đưa ra bản đồ các khu vực thường xuyên bị sét đánh ở Việt Nam?

TS Nguyễn Xuân Anh: Việc phân bố dông sét ở Việt Nam không đồng đều. Những khu vực xuất hiện nhiều dông sét là Cổ Dũng (Hải Dương), Sơn Lộc (Hà Tĩnh), Yên Thành (Nghệ An), Phú Thụy (Hà Nội), đồng bằng sông Cửu Long…

PV: Xưa nay, mọi người đều nghĩ rằng, những khu vực tập trung nhiều khoáng sản thường bị sét đánh hoặc sử dụng điện thoại di động trong lúc mưa dông có thể thu sét. Là nhà khoa học, ông nghĩ sao?

TS Nguyễn Xuân Anh: Chưa có nghiên cứu nào cho thấy mối liên hệ giữa nơi có nhiều khoáng sản với khu vực có nhiều dông sét. Các khu vực tập trung nhiều dông sét chủ yếu là do có yếu tố đặc biệt về địa hình, thời tiết. Thực tế ở Việt Nam, những khu vực có mỏ sắt, quặng lại rất ít bị sét đánh. Sóng điện thoại di động không đủ để hút sét. Tuy nhiên, điện thoại cố định lại có xác suất rủi ro bởi có thể bị hiệu ứng sét lan truyền qua hệ thống dây dẫn. Bởi vậy, trong điều kiện mưa dông, không nên sử dụng điện thoại cố định. Điện thoại di động có thể sử dụng bình thường.

PV: Viện Vật lý địa cầu hiện đang thử nghiệm hệ thống cảnh báo sét sớm qua tin nhắn tại Quảng Nam. Là người trực tiếp tham gia dự án, ông có thể cho biết hiệu quả của công tác thử nghiệm đạt tới đâu?

TS Nguyễn Xuân Anh: Hệ thống cảnh báo sét sớm qua tin nhắn được thí điểm tại thị xã Tam Kỳ, Hội An, Thăng Bình, Đại Lộc. Tại các vị trí trên, Viện lắp đặt các trạm quan trắc để theo dõi diễn biến thời tiết. Danh sách số điện thoại của người đăng kí nhận cảnh báo sét được cập nhật vào hệ thống. Khi phát hiện dấu hiệu thời tiết nguy hiểm, có thể xuất hiện dông sét ở khu vực nào, hệ thống sẽ tự động gửi tin nhắn tới tất cả các số thuê bao đăng kí. Việc cảnh báo có thể thực hiện trước 30 phút.

PV: Xin cảm ơn ông!

Một số quy tắc an toàn phòng chống sét do Viện Vật lý địa cầu đưa ra:

Khi trời sắp xảy ra dông, biện pháp tránh sét tốt nhất là nên về nhà. Chỗ an toàn để tránh sét là toà nhà, hay công sở có lắp đặt hệ thống chống sét. Khi ở trong nhà thì nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết. Nên rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có dông.

Với các đường dây điện thoại hay dây điện, vì nối với lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền. Bởi vậy nên tránh xa các dây điện, vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là 1m. Vô tuyến nối với dây anten để ngoài trời cũng rất cần rút ra khi có dông. Trong trường hợp không kịp chạy tìm nơi ẩn náu an toàn, tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, máy, hàng rào sắt...Người ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ sao cho phần tiếp xúc của người với mặt đất là ít nhất. Người đứng ở tư thế nhón chân, không được nằm xuống đất. Đứng xa các vật cao, ra ngay khỏi những nơi chứa nước như bãi biển, ao, hồ, mương. Nếu ở trong rừng thì tìm những nơi cây thấp hơn và thưa để tránh.

Không đứng thành nhóm người gần nhau. Nếu như cảm thấy tóc bị dựng lên thì điều đó có nghĩa là có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào. Khi đó phải lập tức cúi ngồi xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất. Đối với các vật có bề mặt kim loại như xe buýt, tàu hoả, ôtô... không được nhoài người ra ngoài và không chạm đến vỏ bọc. Sau khi nghe thấy tiếng sét 30 phút thì có thể trở lại làm việc bình thường.

Khánh Vy (thực hiện)
.
.
.