Nước bọt thằn lằn Gila monster: Niềm hy vọng cho những bệnh nhân tiểu đường loại 2

Chủ Nhật, 02/12/2007, 08:13
Qua hàng loạt khảo sát phức tạp, Amylin và Lilly phát hiện trong nước bọt của thằn lằn Gila có một chất gọi là exendin-4, có khả năng kích thích cơ thể tiết ra isulin khi lượng đường trong máu tăng cao. Chất này tương tự như chất nội tiết glucagon-like-peptide-1 có trong ống tiêu hóa của người, nhưng tác dụng lại kéo dài hơn.

Vài nét về bệnh tiểu đường

Được phát hiện từ cách đây hơn 2 nghìn năm trước, các lương y Trung Quốc gọi nó là bệnh “tiêu khát”, còn trong y văn của Hypocrate - người được coi như ông tổ của y học phương Tây, cũng đã thấy ghi chép tỉ mỉ về bệnh này.

Đến đầu thế kỷ XX, người ta biết rằng tiểu đường có nguyên nhân từ tuyến tụy. Khi thức ăn là tinh bột (bánh mì, cơm, phở, bún, khoai, ngô, sắn...) đi vào cơ thể, thì chúng sẽ biến thành đường và đó là chưa kể lượng mỡ trong người, qua một quá trình chuyển hóa phức tạp, cũng sẽ biến thành đường. Lúc đó, tuyến tụy sẽ tiết ra một chất nội tiết, gọi là isulin để cân bằng chúng, số còn thừa được đưa vào dự trữ trong các mô, cơ.

Tuy nhiên, nếu chất nội tiết isulin trong tụy không tiết ra - hoặc có tiết nhưng vì một lý do nào đó, nó bị giảm tác động thì sẽ dẫn đến rối loạn chuyển hóa carbohydrat (tinh bột). Hậu quả là lượng đường trong máu luôn ở mức cao (trên 1,2gram/lít khi đói, và trên 1,8gram/lít - thậm chí có thể đến 3gram/lít lúc ăn no).

Qua quá trình lọc ở thận, lượng đường này thoát ra ngoài theo nước tiểu và dĩ nhiên các tổ chức trong cơ thể thiếu hẳn chất nuôi dưỡng cần thiết, dẫn đến các biến chứng như mù mắt, cao huyết áp, suy thận, lao phổi, hoại tử chân, tay...

Bệnh tiểu đường lại chia làm 2 loại (type), đó là tiểu đường loại 1 và tiểu đường loại 2. Loại 1 do tuyến tụy hoàn toàn không tiết ra isulin còn loại 2 là lượng isulin trong tuyến tụy tiết ra ít, hoặc cơ thể kém dung nạp isulin.

Phần lớn những người bị tiểu đường loại 1 là những người trẻ, dưới 30 tuổi với những triệu chứng ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhanh chóng. Bệnh tiến triển rất nhanh và nếu không phát hiện, điều trị kịp thời thì người bệnh rất dễ hôn mê rồi tử vong do nhiễm ceton huyết.

Riêng tiểu đường loại 2, mà hiện nay chiếm đến 90% bệnh nhân, thì thường gặp ở người trên 40 tuổi, béo phì, ít vận động, chế độ ăn uống thiếu chất xơ nhưng thừa đạm.

Bên cạnh đó, còn có cả yếu tố di truyền từ cha mẹ sang con cái, hoặc từ ông bà xuống cháu. Bệnh diễn tiến rất âm thầm và chỉ tình cờ phát hiện khi phải mổ xẻ, hoặc tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim hay các vết thương lở loét kéo dài.

Tại Việt Nam, theo một khảo sát, tỉ lệ người mắc bệnh tiểu đường ở 4 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Huế và TP HCM là từ 4 đến 5%.

Thằn lằn Gila và thuốc Byetta

Thuốc Byetta.

Trước khi các nhà khoa học Mỹ tìm ra thuốc Byetta, thì việc điều trị bệnh tiểu đường loại 2 vẫn là isulin tiêm dưới da, hoặc uống các loại thuốc có tác dụng giúp cân bằng lượng đường trong cơ thể như Diamicron, Glucobay, Glucophage...

Điều phiền toái là bên cạnh chế độ ăn uống kiêng khem (giảm bánh kẹo, cơm mì bún phở, khoai củ, nước ngọt, một số loại trái cây...), người bệnh phải tiêm hoặc uống những loại thuốc này gần như mỗi ngày cho đến suốt cuộc đời.

Nhưng từ năm 1990,  Tiến sĩ John Eng thuộc Trung tâm Y tế cựu chiến binh Hoa Kỳ (Veterans Affairs Medical Center), trong quá trình tìm kiếm những chất nội tiết mới, đã phát hiện ra loại thằn lằn có tên Gila Monster, là động vật ăn thịt, sống trong vùng sa mạc bang Arizona, Mỹ và Mexico, một năm chỉ cần ăn 4 lần mà vẫn... khỏe.

Điều đó chứng tỏ rằng  khả năng trao đổi chất - trong đó dĩ nhiên là có chất đường, của loại bò sát này rất hoàn thiện. Sau đó, ông chuyển giao công trình nghiên cứu về con Gila cho hai công ty dược phẩm là Amylin Pharmaceutical và Eli Lilli - là đại gia trong lĩnh vực sản xuất thuốc trị bệnh tiểu đường.

Qua hàng loạt khảo sát phức tạp, Amylin và Lilly phát hiện trong nước bọt của thằn lằn Gila có một chất gọi là exendin-4, có khả năng kích thích cơ thể tiết ra isulin khi lượng đường trong máu tăng cao. Chất này tương tự như chất nội tiết glucagon-like-peptide-1 có trong ống tiêu hóa của người, nhưng tác dụng lại kéo dài hơn.

Trong suốt 13 năm, từ năm 1992 đến 2005, được sự đồng ý của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), Amylin và Lilly tiến hành thí nghiệm thuốc Byetta trên những bệnh nhân tiểu đường tình nguyện.

Kết quả thật đáng kinh ngạc: Chỉ một mũi tiêm 1 giờ trước khi ăn, Byetta có thể điều chỉnh lượng đường trong máu và làm giảm sự tăng cân - là yếu tố làm tăng nguy cơ các biến chứng của bệnh tiểu đường trong suốt... 30 tuần lễ (?!).

Sau đó, nó được chính thức tung ra thị trường Mỹ vào tháng 4/2005 dưới dạng thuốc tiêm với hai loại, hàm lượng 5 và 10 microgram.

Tháng 3/2007, Cơ quan Quản lý dược phẩm Australia cho phép sử dụng Byetta và tháng 10 cùng năm, Ấn Độ cũng đưa Byetta vào điều trị. Cơ chế của Byetta là mô phỏng những hoạt động của chất nội tiết incretin, làm chậm sự di chuyển của thức ăn từ dạ dày xuống ruột non, đồng thời làm giảm nhu động ruột, dẫn đến giảm hấp thu chất đường.

Bên cạnh đó, Byetta kích thích tuyến tụy gia tăng sản xuất lượng isulin cần thiết cho việc kiểm soát đường huyết.

Giám đốc Viện Tiểu đường quốc tế Melbourn, Australia là Giáo sư Paul Zimmet, đồng thời cũng là Giám đốc Trung tâm phối hợp chống bệnh tiểu đường và Viện Nghiên cứu bệnh tiểu đường - trực thuộc Tổ chức Y tế thế giới nhận định: “Tại Hoa Kỳ, suốt 18 tháng qua, thuốc Byetta đã chứng minh công dụng tuyệt vời của nó bởi lẽ đa số bệnh nhân tiểu đường hiện đều sử dụng các loại thuốc đã có mặt từ hơn 50 năm. Trong bối cảnh như vậy, liệu pháp Byetta là niềm phấn khích lớn cho người bệnh”.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, nếu phối hợp giữa Byetta và các thuốc tiểu đường như Metformin và Sulfonylurea, thì kết quả càng khả quan hơn.

Tại Việt Nam, một số bệnh nhân bị tiểu đường - thông qua người thân ở nước ngoài mua giúp, đã thử điều trị bằng Byetta, và đã có kết quả tốt. Bác sĩ K., nhà ở quận 3, mắc bệnh tiểu đường đã 15 năm cho biết: “Sau khi tiêm 2 tháng, tôi giảm được 3 cân. Đường huyết gần như ổn định hoàn toàn”.

Ông M., nhà ở đường Phạm Văn Chí, quận 6, nói: “Ngoài việc giảm cân, những hiện tượng như ngứa, mệt mỏi hầu như biến mất. Mắt nhìn rõ hơn. Bên cạnh đó, nếu trước đây da thịt bị trầy xước cả tháng mới lành thì bây giờ, vài ngày là ổn định...”.

Và như thế, Byetta có thể là niềm hy vọng mới cho những ai chẳng may mắc bệnh tiểu đường...

Vũ Cao
.
.
.