Những ca cấp cứu dị vật hi hữu tại các Bệnh viện Nhi

Thứ Hai, 17/10/2011, 13:59
Ngày 15/10, bác sĩ Nguyễn Hữu Thụy Vy, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh cho biết, các bác sĩ Khoa Hô hấp cùng với Khoa Tai - Mũi - Họng bệnh viện này vừa phối hợp cấp cứu thành công cho bé V.N.T.L. (15 tháng tuổi, ngụ tại Hóc Môn) do hóc xương lươn rất nguy hiểm.

Điều đáng nói là khi nhập viện bé chỉ có tình trạng khàn tiếng và khó thở cấp tính rất dễ chẩn đoán lầm. Bệnh Nhi đã được chuyển từ Khoa Hô hấp sang Khoa Tai - Mũi - Họng do các bác sĩ muốn kiểm tra đường tiêu hóa. Kết quả khi chụp X-quang và thực hiện nội soi phế quản các bác sĩ khoa này đã gắp được một mảnh xương với nhiều sắc nhọn nằm trong khí quản. Ghi nhận từ bác sĩ Thụy Vy, chưa đầy 1 tháng qua bệnh viện này đã tiếp nhận liên tiếp 4 trường hợp trẻ bị hóc dị vật rất nguy hiểm nhập viện chủ yếu ở Khoa Tiêu hóa, Hô hấp.

Trước đó, Khoa Tiêu hóa bệnh viện này cũng tiếp nhận bé N.C.T. (8 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) trong tình trạng đau bụng, nôn ói. Bé đã được xử trí theo tình trạng bệnh nhưng không cải thiện. Trước nhập viện bà mẹ còn cho biết bé đau bụng dữ dội kèm ói mửa ra dịch màu xanh rồi chuyển sang màu nâu sậm. Khi tiến hành mổ thám sát cho bệnh nhi này, các bác sĩ chỉ nghĩ bé bị đau bụng do bã thức ăn. Tuy nhiên khi mổ một khối phồng ngay tại đoạn ruột non bệnh nhi đã gây sự chú ý cho ê kíp. Rạch dao mới phát hiện  bên trong có tới 3 hạt vải khô trong đó còn nguyên một hạt cả vỏ gây tắc hoàn toàn ruột của bệnh nhi.

Theo bác sĩ Thụy Vy - Bệnh viện Nhi đồng 2: Các bậc cha mẹ nên cẩn thận khi cho trẻ ăn các loại thức ăn có xương nhỏ, hoặc các loại hạt hay hoa quả có hạt nhỏ như: hạt dưa, hạt bí, sabochê… vì có thể làm cho bé bị ho sặc khi ăn và các hạt này sẽ rơi vào trong đường thở gây tắc nghẽn đường thở, viêm phổi hoặc áp xe phổi, trường hợp nặng có thể đưa đến tử vong

Huyền Nga
.
.
.