Nhiều bà mẹ “nói không” với tiêm phòng

Thứ Tư, 12/02/2014, 11:40
Chỉ vì quá lo lắng sau sự cố của vaccin tiêm phòng, nhiều bà mẹ đã không đưa con đi tiêm chủng khiến con bị nhiễm bệnh sởi phải nhập viện, trong đó, nhiều cháu đã bị biến chứng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho dịch sởi lần này bùng phát và lan nhanh.

Ở Khoa Nhi tổng hợp của Bệnh viện (BV) Xanh Pôn, bệnh nhân mắc sởi khá đông. Thạc sĩ, BS Nguyễn Văn Thường, Phó trưởng Khoa chỉ một đứa trẻ còn đỏ hỏn, cho biết: “Đây là bé Nguyễn Hải Đăng, bệnh nhi nhỏ tuổi nhất, vừa tròn 50 ngày tuổi nhưng điều trị tại Khoa được 8 ngày. Cháu mắc bệnh sởi và bị biến chứng viêm phổi, lại lây cho cả mẹ nên các BS đang phải điều trị cho hai mẹ con. Giường bên cạnh là của cháu Bùi Khánh Lâm, 5 tuổi. Theo bố cháu, anh Trần Huy Hoàng, cháu Lâm mắc sởi cũng là do mỗi lần định cho con đi tiêm phòng thì cháu lại bị ốm vặt nên gia đình bỏ qua rồi quên luôn, trong đó có cả mũi tiêm sởi.

Cùng chung lý do chưa tiêm phòng sởi là cháu bé Nguyễn Đình Quốc Tuấn, 15 tháng tuổi, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Mẹ cháu, chị Lê Thị Thu Dung cho hay, cứ định cho con đi tiêm phòng theo lịch thì nó lại lăn ra ốm, mà chưa kịp tiêm bổ sung thì bé đã nhiễm bệnh sởi và phải nhập viện trong tình trạng viêm phổi cấp cứu.

Theo BS Thường, từ ngày 15/12/2013 đến nay, Khoa đã có tới 110 ca sốt phát ban nghi sởi. Trong hơn 60 ca được xét nghiệm thì có hơn 40% dương tính. Bệnh nhi ít tuổi nhất đang điều trị tại khoa chỉ mới hơn 1 tháng tuổi, nhiều tuổi nhất là 15.

BV Xanh Pôn đang phải tiếp nhận nhiều bệnh nhi mắc bệnh sởi.

Tại BV Nhi Trung ương, BS. Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, cho biết: Số trẻ mắc sởi tăng đột biến từ cuối năm 2013 và từ đầu năm 2014 đến nay. Riêng những ngày đầu tháng 2, đã có hơn 80 trẻ nhập viện với các triệu chứng phát ban sởi kèm sốt cao, viêm kết mạc, trong đó, nhiều trẻ đã bị biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, viêm màng não. Điều bất thường trong dịch sởi lần này là có đến hơn 50% trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh và đây là đối tượng chưa đến tuổi tiêm phòng. Trong khi thông thường, các cháu này sẽ có miễn dịch từ sữa mẹ. Khi các bé mắc sởi thì việc chăm sóc khó khăn hơn nên trẻ dễ bị bội nhiễm. Bên cạnh đó, cũng có một số trẻ đã tiêm phòng sởi nhưng vẫn mắc.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cũng cho biết, chỉ từ 1/1/2014 đến 6/2/2014 đã phát hiện 98 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 40 trường hợp dương tính. Bệnh nhân chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi (78%). So với mùa dịch lần cuối vào năm 2009, biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân năm nay không khác nhưng tỷ lệ trẻ biến chứng lại nhiều hơn, thời gian phát bệnh cũng sớm hơn gần 2 tháng. Đặc biệt, đợt dịch này, nguyên nhân của phần lớn trẻ em mắc chỉ vì các mẹ nói không với vaccin sởi, bởi e ngại sau hàng loạt sự cố liên quan đến tiêm phòng vaccin trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, cũng có nhiều khả năng các bà mẹ miễn dịch yếu (hoặc không có) nên đã truyền bệnh sởi cho con nhỏ.

Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đợt dịch sởi này không có gì bất thường bởi theo chu kỳ 3-5 năm, dịch lại bùng phát và thường gặp ở mọi đối tượng, đặc biệt là trẻ em, do chưa miễn dịch. Dịch sởi năm 2006 đã có 3.000 trẻ mắc, đợt dịch năm 2009-2010 có khoảng 7.500 ca nhưng tập trung ở các tỉnh phía Nam và là năm có số mắc lớn nhất trong vòng 10 năm qua.

Được đánh giá đã triển khai thành công chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1984 đến năm 2012, với tỷ lệ mắc bệnh sởi giảm 830 lần và chương trình Tiêm chủng mở rộng đã tổ chức nhiều chiến dịch tiêm vaccin sởi bổ sung trên quy mô toàn quốc, nhằm loại trừ bệnh sởi ở Việt Nam vào năm 2010. Nhưng những năm gần đây, các dịch sởi vẫn xảy ra với quy mô lớn, ở nhiều tỉnh, là điều đáng lo ngại. Đặc biệt năm nay, khi chưa vào mùa cao điểm của sởi (là tháng 3), dịch vẫn lan nhanh như vừa qua, cũng cho thấy những vấn đề cần phải quan tâm trong công tác y tế dự phòng. Có vẻ như công tác dự phòng đang có sự chủ quan sau những thành công bước đầu và chưa bền vững?

Việc nhiều trẻ tiêm phòng rồi nhưng vẫn bị mắc sởi cũng đặt ra câu hỏi về chất lượng tiêm phòng, chất lượng vaccin, đặc biệt là ở các tỉnh Tây Bắc, nơi số trẻ mắc bệnh sởi đang chiếm số lượng nhiều nhất. Chỉ có xác định đúng nguyên nhân mới có thể ngăn chặn được dịch bệnh - không riêng bệnh sởi - khi mỗi năm, chúng ta vẫn dành sự đầu tư rất lớn về cả kinh phí lẫn nhân lực cho hoạt động dự phòng

Thanh Hằng
.
.
.