Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ rất an toàn

Thứ Năm, 07/03/2013, 10:16
Không phủ nhận là ngành hạt nhân luôn đi kèm rủi ro, đòi hỏi phải cẩn trọng nhưng GS Đinh Trúc Nam - Học viện Kĩ thuật Hoàng gia Thụy Điển, Cố vấn hạt nhân cho Chính phủ Thụy Điển khẳng định: Công nghệ áp dụng ở Ninh Thuận 1 là lò phản ứng thế hệ thứ 3, hiện đại nhất hiện nay nên độ an toàn rất cao.

Ngày 6/3, nhân dịp trở về Việt Nam theo lời mời của Viện Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học – Công nghệ), GS Đinh Trúc Nam - Học viện Kĩ thuật Hoàng gia Thụy Điển, Cố vấn hạt nhân cho Chính phủ Thụy Điển đã có buổi trò chuyện với sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông cũng trả lời báo chí về tương lai điện hạt nhân ở Việt Nam:

PV: Việt Nam lựa chọn công nghệ của Nga, Nhật cho các dự án Ninh Thuận 1, 2, trong khi cả 2 quốc gia này đều có sự cố hạt nhân trầm trọng. Điều này khiến cho tâm lí người dân không khỏi nghi ngại. Ông nghĩ sao?

GS Đinh Trúc Nam: Lịch sử nói điều ngược lại, ngành hạt nhân là ngành an toàn nhất so với nhiều ngành khác bởi văn hóa rất cao, công nghệ rất cao. Dĩ nhiên là nó luôn đi kèm rủi ro, đòi hỏi phải cẩn trọng. Thảm họa Chernobyl (Nga) hay Fukushima (Nhật) đều xảy ra với công nghệ lò phản ứng lạc hậu, không phải là công nghệ mà Việt Nam lựa chọn tại Ninh Thuận 1. Công nghệ áp dụng ở Ninh Thuận 1 là lò phản ứng thế hệ thứ 3, hiện đại nhất hiện nay nên độ an toàn rất cao. 

PV: Việt Nam làm điện hạt nhân vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các đối tác nước ngoài, điều đó có khiến chúng ta bị động?

GS Đinh Trúc Nam: Không có nền công nghệ nào lại có thể tự lập hoàn toàn, nhất là lĩnh vực phức tạp như điện hạt nhân. Thế giới bây giờ là cộng đồng mở, chuyện chia sẻ hợp tác là điều tất yếu, nhất là khi Việt Nam mới bắt tay chuẩn bị xây nhà máy hạt nhân đầu tiên thì càng cần học hỏi kinh nghiệm cho tới khi chúng ta có thể tự chủ được về công nghệ. 

PV: Theo ông, yếu tố nào sẽ đóng vai trò tiên quyết trong việc vận hành an toàn nhà máy điện hạt nhân?

GS Đinh Trúc Nam: Công nghệ không thể tách rời với nhân lực. Việt Nam làm điện hạt nhân không giống bất kì nước nào, do vậy lựa chọn công nghệ cũng phải phù hợp với thực tế của đất nước, từ nhân lực, điều kiện tự nhiên tới kinh tế. Công nghệ hiện đại là rất quan trọng, nhưng trên hết con người phải làm chủ được công nghệ đó.

PV: Ông sẽ về nước giúp Việt Nam phát triển ngành hạt nhân chứ?

GS Đinh Trúc Nam: Tôi chưa có ý định về nước nhưng sẽ tham gia trao đổi, hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực điện hạt nhân. Tôi nghĩ, tùy môi trường, tùy hoàn cảnh, có những người về nước cũng tốt nhưng làm việc ở nước ngoài cũng tốt, có cơ hội tiếp xúc với đỉnh cao của khoa học công nghệ thế giới, từ đó kết nối với trong nước. Không nhất thiết cứ phải về nước mới là phục vụ đất nước.

PV: Xin cảm ơn ông

Khánh Vy (ghi)
.
.
.