Nghiên cứu thành công sản xuất sinh khối nấm thượng hoàng để chế tạo TPCN hỗ trợ điều trị ung thư

Thứ Tư, 16/09/2020, 10:40
Những cây nấm thượng hoàng có thể trở thành bột uống hoà tan hay trà túi lọc, có tác dụng tốt cho sức khỏe con người, đặc biệt là hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo với chi phí hợp lý do được sản xuất trong nước. Nếu được đầu tư nghiên cứu sâu hơn nữa theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, sản phẩm có khả năng xuất khẩu.

Đó là đánh giá của các chuyên gia về đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất sinh khối nấm thượng hoàng và ứng dụng để sản xuất thực phẩm chức năng” do các nhà khoa học của Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nghiên cứu. 

Nấm thượng hoàng thường mọc ở những vùng rừng sâu, núi cao hiểm trở, đặc biệt là các khu rừng nguyên sinh. Nấm thượng hoàng là một dược liệu quý khi đã được chứng minh là có thể ức chế khối u, điều trị ung thư vượt trội so với các giống nấm dược liệu khác.

Nhằm xây dựng quy trình công nghệ lên men sản xuất sinh khối nấm thượng hoàng và ứng dụng sinh khối nấm để cho ra đời những sản phẩm tốt cho sức khỏe, từ năm 2018, các nhà khoa học của Viện Công nghệ sinh học đã bắt tay vào thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất sinh khối nấm thượng hoàng và ứng dụng để sản xuất thực phẩm chức năng”.

Theo TS. Nguyễn Thị Minh Huyền - Chủ nhiệm đề tài, hiện, nhóm tác giả đã hoàn thành nghiên cứu động học quá trình lên men sinh khối nấm thượng hoàng theo mẻ của chủng sản xuất và hoàn thiện quy trình lên men trên thiết bị lên men 500 lít. Bên cạnh đó, nhóm đã xác định được định tính sinh khối nấm thượng hoàng; đồng thời thử nghiệm sản phẩm với chuột và thỏ đã cho ra các số liệu đảm bảo an toàn.

Nấm thượng hoàng.

TS. Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết, nhóm thực hiện đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ lên men tạo sinh khối nấm thượng hoàng quy mô phòng thí nghiệm. Theo đó, sau khi nghiên cứu khả năng lên men sinh khối của 3 giống nấm thượng hoàng thu thập được, một giống nấm thượng hoàng có khả năng tạo sinh khối lớn nhất và chứa nhiều hoạt chất tự nhiên phù hợp cho lên men chìm đã được lựa chọn. 

Các tác giả đã nghiên cứu tách chiết các hoạt chất có hoạt tính sinh học từ sinh khối nấm nghiên cứu và quả thể nấm. Các hoạt chất này bao gồm polysaccharid, axit ellagic, axit cafeic, hispidin, protocatechuic axit, proto catechualdehyde và hispolon. 

Sau khi xác định thành phần các hoạt chất tự nhiên có trong sinh khối nấm thượng hoàng sau khi lên men và so sánh với trong quả thể nấm, nhóm nghiên cứu tiến hành xây dựng quy trình công nghệ lên men sản xuất sinh khối nấm thượng hoàng và xây dựng mô hình dây chuyền thiết bị sản xuất sinh khối nấm quy mô 350 lít/mẻ nhằm mục đích nâng cấp lên quy mô sản xuất công nghiệp. 

Hệ thống lên men liên hoàn.

“Trong quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Viện Công nghệ HaUI, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Hiện tại, chúng tôi đã sản xuất thử nghiệm thành công bột sinh khối nấm thượng hoàng có độ ẩm =<5%, hàm lượng polysaccharide >=20% đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ sản xuất thực phẩm chức năng dạng bột uống liền (3g/20 gói/túi) với 10% dịch chiết nấm, lactose, Mg Stearate, tá dược vừa đủ cùng sản phẩm trà túi lọc (3g/20 gói/túi) với 100% bột sinh khối nấm nghiền mịn, độ ẩm 5 – 8% đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm”, TS. Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết. 

Nhóm nghiên cứu đã có phương án và xúc tiến làm việc với doanh nghiệp, để nghiên cứu sản xuất sản phẩm dạng bột uống hoà tan và trà túi lọc, đồng thời, tổ chức đánh giá hiệu quả kinh tế và chuyển giao công nghệ. 

Các chuyên gia đánh giá nếu được chuyển giao công nghệ sớm, đề tài sẽ cho hiệu quả kinh tế tốt, do nhu cầu về các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư tại nước ta rất cao, đồng thời tận dụng tốt nguồn dược liệu quý của nước ta.

Đề tài thành công sẽ góp phần tạo ra nguồn nguyên liệu dược liệu quý dùng để sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng, giúp nâng cao sức khỏe của người dân với giá thành rẻ hơn mua của nước ngoài. Các sản phẩm của đề tài được sử dụng trực tiếp để tạo nên các chế phẩm có ích cho đời sống, không gây ô nhiễm môi trường, không tạo ra các chất độc hại cho môi trường và sinh vật, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội.

Mai Thùy
.
.
.