Nghiên cứu, sản xuất 3 nguyên liệu quan trọng của ngành công nghiệp từ gạo

Thứ Bảy, 10/10/2020, 18:36
Sau hơn 2 năm thực hiện dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất một số sản phẩm từ gạo ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm”, Công ty Cổ phần thực phẩm Minh Dương đã sản xuất và thương mại hóa thành công 3 sản phẩm mới từ gạo, là maltodextrin, nha maltose, bột protein, ở quy mô công nghiệp.

Các sản phẩm này không chỉ có giá thành thấp hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường khu vực, mà còn giúp các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong nước chủ động được nguồn nguyên liệu, hạ giá thành sản phẩm.

Gạo nhiều, nhưng thu nhập không cao

Ba loại sản phẩm là maltodextrin, nha maltose và bột protein được sản xuất từ gạo bằng phương pháp enzyme mang lại hiệu quả cao, an toàn, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường, nên được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp. Trong công nghiệp thực phẩm, các sản phẩm này được sử dụng để chế biến món ăn tráng miệng, bánh kẹo, đồ uống, cá đông lạnh, sữa, cà phê hòa tan,… Trong công nghiệp dược phẩm được sử dụng làm chất mang, chất độn, tăng cường dinh dưỡng,… Chính vì vậy, 3 sản phẩm này được sản xuất ở qui mô công nghiệp tại nhiều nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Thái Lan,…

Một số sản phẩm từ gạo của Công ty Cổ phần thực phẩm Minh Dương.
Theo KS. Chu Hương Giang – Chủ nhiệm dự án, Việt Nam có tiềm năng về nguyên liệu để sản xuất ba loại sản phẩm từ gạo, nhưng việc nghiên cứu sản xuất các sản phẩm từ gạo ở quy mô công nghiệp của nước ta còn rất hạn chế. Gạo hầu hết chỉ để làm lương thực và xuất khẩu, việc chế biến các sản phẩm từ gạo chưa được quan tâm, nên giá trị kinh tế mang lại từ sản xuất gạo còn thấp. Điều này đòi hỏi phải có một hướng đi mới từ nghiên cứu công nghệ sản xuất sản phẩm từ gạo, mới có thể nâng cao hiệu quả kinh tế. 

Dự án cấp Nhà nước “Hoàn thiện công nghệ sản xuất một số sản phẩm từ gạo ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm” với sự hỗ trợ của Bộ KH&CN đã được thực hiện, nhằm giải quyết vấn đề này.

Để triển khai dự án, Công ty CPTP Minh Dương đã hợp tác với Viện Công nghiệp thực phẩm để phát triển công nghệ nội sinh, công nghệ cao.

Bà Chu Hương Giang cho biết, nhóm tác giả đã nghiên cứu tổng quan về công nghệ sản xuất sản phẩm từ tinh bột gạo, thu thập thông tin, xử lý số liệu, đánh giá thực trạng sản xuất maltodextrin, nha maltose, bột protein từ gạo, đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất maltodextrin DE 12-15 và nha maltose từ gạo qui mô công nghiệp 1 tấn sản phẩm/mẻ. 

Sau hơn 2 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện công nghệ sản xuất maltodextrin DE 12-15 và nha maltose từ gạo quy mô 1 tấn sản phẩm/mẻ; hoàn thiện công nghệ sản xuất bột protein bằng công nghệ enzyme từ gạo quy mô 50 kg sản phẩm/mẻ; hoàn thiện dây chuyền thiết bị sản xuất các sản phẩm maltodextrin, nha maltose quy mô 1 tấn sản phẩm/ mẻ và bột protein từ  gạo  quy mô 50 kg sản phẩm/mẻ... 

Hướng đi mới cho lúa gạo

Kết quả nghiên cứu cho thấy, vấn đề cốt lõi để sản xuất được maltodextrin là phải hoàn thiện các điều kiện dịch hóa tinh bột và thu hồi sản phẩm. Đối với sản xuất nha maltose cần hoàn thiện về mức độ dịch hóa, đường hóa phù hợp để tạo ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu chất lượng đặt ra. Còn để sản xuất được protein ở quy mô công nghiệp cần phải nghiên cứu hoàn thiện điều kiện kỹ thuật tách và thu nhận protein thô từ quá trình dịch hóa, lựa chọn enzym và xác định các điều kiện thủy phân của enzym protease cũng như điều kiện thu hồi và bao gói bảo quản sản phẩm...

Quá trình nghiên cứu của các tác giả đã xác định được tỷ lệ ứng dụng 3 loại sản phẩm maltodextrin, nha maltose và bột protein trong công nghiệp thực phẩm, cũng như hiệu quả ứng dụng của 3 sản phẩm này tại các cơ sở chế biến thực phẩm: Công ty Bánh kẹo Hải Hà, Công ty Cổ phần thực phẩm Minh Dương, Công ty Cổ phần sữa quốc tế, Công ty Bánh kẹo Tràng An... 

Kết quả ứng dụng bột protein trong sản xuất thử nghiệm một số loại bánh, bột sữa dừa cho thấy, khi thay thế trứng bằng bột protein sản xuất từ gạo với một tỷ lệ phù hợp sẽ cho chất lượng sản phẩm tốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, hạ được giá thành sản phẩm...

Dự án góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến thực phẩm, trong đó có công nghệ ứng dụng enzyme trong chế biến tinh bột, nhằm tạo ra sản phẩm theo hướng công nghệ nền. Với những công nghệ được hoàn thiện, dự án đã sản xuất được 20 tấn maltodextrin, 25 tấn nha maltose và 1,1 tấn bột protein. Đặc biệt, Công ty Cổ phần thực phẩm Minh Dương đã bán sản phẩm cho các công ty đối tác để chế biến thực phẩm. 

Việc sản xuất thành công 3 sản phẩm maltodextrin, nha maltose và bột protein từ gạo bằng công nghệ enzyme ở quy mô công nghiệp đã góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm từ tinh bột, nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Với việc tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào trong nước, sản phẩm của dự án có giá thành cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trên thị trường khu vực, giúp các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong nước chủ động nguồn liệu và hạ giá thành sản phẩm. 

Với sự hợp tác giữa nhà sản xuất với các nhà khoa học, sau khi dự án được nghiệm thu, Sở KH&CN Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cho Công ty Cổ phần thực phẩm Minh Dương để tiếp tục sản xuất và thương mại hóa 3 sản phẩm maltodextrin, nha maltose và bột protein. Đây là điều kiện thuận lợi để Công ty triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu của dự án vào sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Được biết hiện nay mỗi năm, Công ty cung cấp cho thị trường hơn 10 nghìn tấn sản phẩm maltodextrin, đường glucoza, bột sữa dừa, bột kem.... Riêng mặt hàng mạch nha của Công ty chiếm 90% thị phần các tỉnh phía Bắc, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo lớn như Hải Hà, Công ty liên doanh Hải Hà – Kotobuki, Công ty Bánh kẹo Tràng An, Công ty CP Bánh kẹo Hữu Nghị, Công ty CP Bánh kẹo Hải Châu, Công ty CP Sữa Quốc tế,..

Thái Hoàng
.
.
.