Nét mặt tố cáo người nói dối

Thứ Hai, 28/04/2008, 19:32
Những kẻ nói dối có thể tưởng rằng mình rất tài trong việc che đi bộ mặt thật, song một nghiên cứu mới tại Canada cho thấy có một thứ không thể kiểm soát đã tố cáo họ - đó là những bộc lộ tình cảm thoáng qua trên khuôn mặt.

Các nhà nghiên cứu cho biết những bộc lộ thoáng qua đó, tuy chỉ rất ngắn ngủi hoặc rất mờ nhạt, song lại có thể tiết lộ chân tướng thật của một người.

Nhóm chuyên gia tại Phòng thí nghiệm giám định của Đại học Dalhousie ở Halifax đã thực hiện nghiên cứu chi tiết đầu tiên về những bí mật được tiết lộ khi người ta khoác bộ mặt giả hoặc kiềm chế cảm xúc của mình, và phát hiện thấy khuôn mặt đã nói ra sự thật.

Theo đó, sự bộc lộ tình cảm "giả" sẽ tắt đi nhanh chóng, nhường chỗ cho những nét cảm xúc thật trên mặt như hạnh phúc, buồn rầu, phẫn nộ và sợ hãi.

"Khác với ngôn ngữ cơ thể, bạn không thể điều chỉnh hoặc hoàn toàn kiểm soát với những gì đang xảy ra trên mặt", Stephen Porter, thành viên nhóm nghiên cứu, nói.

Nhóm đã kiểm tra trường hợp của Michael White người Canada, người đã khóc nức nở khi đề nghị công chúng tìm kiếm giúp người vợ bị mất tích khi đang mang thai là Liana White trở về, vào tháng 7/2005.

Nhưng ba ngày sau, những nét giận dữ đã xóa sạch nỗi buồn của anh ta và anh này cho biết đã quá nản lòng với cảnh sát đến nỗi sẽ tự đi tìm vợ một mình, dẫn những người tìm kiếm thẳng đến chỗ có xác người vợ trong một cái hào ở ngoại ô Edmonton. Anh chàng đã bị bắt và bị buộc tội sát nhân.

Khi Porter và cộng sự phân tích từng khung hình một trên đoạn phim ghi lại lời khẩn cầu đẫm nước mắt của White, họ phát hiện thấy dấu ấn của sự giận dữ và phẫn nộ lấp ló trên khuôn mặt anh ta, điều mà công chúng trước đó không nhận thấy.

Nhóm nghiên cứu cũng đã tìm hiểu trên những người trưởng thành, yêu cầu họ xem các bức ảnh có nhiều sắc thái tình cảm khác nhau, từ hạnh phúc (chơi với chó), tới lo lắng (cận cảnh một con chó dại miệng mở rộng) và giận dữ (bàn tay nắm chặt). Các tình nguyện viên được yêu cầu bộc lộ những tình cảm thật hoặc giả vờ khi xem các bức ảnh này, và nhóm nghiên cứu ghi lại phản ứng của họ.

Porter cho biết không ai có thể giả vờ tình cảm một cách hoàn hảo. Một vài loại tình cảm khó giả vờ hơn những loại khác. Hạnh phúc thì dễ giả vờ hơn là giận dữ hoặc sợ hãi

Theo T. An (VnExpress/Reuters)
.
.
.