Xung quanh việc điện thoại xuất xứ từ Trung Quốc bị cáo buộc làm “gián điệp” được bán tràn lan tại Việt Nam:

Nên cẩn trọng khi chọn lựa

Chủ Nhật, 27/07/2014, 10:44

Ngay sau khi trên các diễn đàn công nghệ hàng đầu của Hồng Kông, Đài Loan, thậm chí cả Trung Quốc liên tục đưa ra những thông tin cảnh báo về việc điện thoại Redmi Note -được mệnh danh là “Iphone của Trung Quốc”- có cài sẵn phần mềm gián điệp để chuyển dữ liệu của người dùng về máy chủ ở Trung Quốc, nhiều người dùng điện thoại của hãng Xiaomi tại Việt Nam cũng đang lo lắng, hoang mang khi chưa biết xoay xở ra sao với sản phẩm mình đã trót mua này.

Trên các diễn đàn công nghệ trong nước, nhiều bạn trẻ đã lên tiếng “tẩy chay” loại điện thoại này và nhiều cửa hàng bán điện thoại Xiaomi cũng tạm ngừng nhập loại điện thoại này vì sợ “ế”.

Theo khảo sát của PV Báo CAND, trên địa bàn Hà Nội, mặc dù hàng chính hãng Xiaomi chưa chính thức vào thị trường Việt Nam thông qua các nhà phân phối lớn như FPT hay Thế giới di động nhưng các sản phẩm xách tay Xiaomi đang được bán khá nhiều trên các website bán hàng qua mạng. Chỉ cần gõ từ khóa điện thoại thông minh Xiaomi, ngay tức thì có hàng chục trang web, cửa hàng quảng cáo có bán sản phẩm này. Trong đó phổ biến nhất là Mi-3 và Redmi Note, sản phẩm được phát hiện có gắn ứng dụng sao lưu dữ liệu và phần mềm gián điệp hiện được bán tại thị trường như Hồng Kông, Đài Loan hay Trung Quốc. Giá bán trung bình của các loại sản phẩm này dao động trong khoảng từ 3,5 đến 5 triệu đồng. Theo đánh giá của những người đam mê sản phẩm công nghệ, ưu điểm của điện thoại thông minh này là giá rẻ nhưng cấu hình rất cao. Máy sở hữu màn hình lớn 5.5 inch, bộ xử lý 8 lõi tốc độ 1.7GHz, ram 2Gb cùng với bộ nhớ trong 8Gb, camera có độ phân giải 13 megapixel và màn hình lớn, góc nhìn rộng.

Điện thoại Redmi Note bị nghi là có cài phần mềm gián điệp đang được bán tràn lan tại Việt Nam.

Anh Nguyễn Hữu Cường, chủ một cửa hàng điện thoại trên phố Thái Hà (Hà Nội) cho biết: Được mệnh danh là “Iphone của Trung Quốc” với các tính năng, cấu hình tốt và ứng dụng thông minh tương tự Iphone nhưng lại có giá bán thấp rất nhiều lần so với các sản phẩm tương ứng của Iphone nên các loại điện thoại của Xiaomi đã trở thành hiện tượng, được nhiều bạn trẻ Việt Nam lựa chọn. Đối tượng sử dụng điện thoại này phổ biến vẫn là giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Các máy Redmi Note ở thị trường trong nước hiện nay phần lớn được nhập thẳng từ thị trường Trung Quốc, nhưng cũng có một số máy đến từ Hong Kong, nơi người dùng phát hiện ra hiện tượng tự động gửi dữ liệu nói trên.

Cũng theo anh Cường, ngay sau khi trên các diễn đàn lan truyền thông tin điện thoại bị cài phần mềm gián điệp, đánh cắp dữ liệu cá nhân của người dùng nên số lượng bán ra đã giảm sút hẳn. Nhiều cửa hàng đang tạm ngừng nhập mới các loại máy này. Còn với những người đã trót mua loại điện thoại này, hầu hết đều lo lắng.

Anh Văn Đức Phú ở Hà Đông (Hà Nội) cho biết: Anh vừa mua điện thoại Redmi Note được gần 2 tuần nhưng khi nghe tin loại điện thoại này có cài phần mềm gián điệp đánh cắp thông tin nên anh cảm thấy rất hoang mang chưa biết xoay xở ra sao. “Dù rằng, những dữ liệu trong máy không có gì quan trọng hay quá bí mật song cảm giác toàn bộ dữ liệu của mình rơi vào tay người khác rất khó chịu và không thoải mái.”- anh Phú bức xúc.

Trao đổi với PV Báo CAND, Thiếu tướng Nguyễn Viết Thế, nguyên Cục trưởng Cục Tin học nghiệp vụ-Tổng cục Hậu cần kỹ thuật, Bộ Công an cho biết:  Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia có đội quân hacker đông đảo và hùng mạnh vào loại nhất thế giới. Rất nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ đã từng phát hiện nhiều hacker xâm nhập để lấy thông tin cá nhân, đặc biệt là các thông tin liên quan tình báo có xuất xứ từ các địa chỉ IP từ Trung Quốc.

Mặt khác, Trung Quốc cũng là “bậc thầy” trong việc cài cắm các phần mềm gián điệp vào các thiết bị công nghệ để lấy cắp dữ liệu cá nhân, gửi vào các hộp thư bên ngoài rồi truyền thông tin về nước mà nhiều quốc gia đã từng nhiều lần cảnh báo. Việc điện thoại Xiaomi gắn các ứng dụng tự sao lưu tin nhắn, thu thập dữ liệu rồi gửi về máy chủ như các chuyên gia của Hồng Kông cảnh báo có thể xem là một hành vi nguy hiểm cho xã hội, đe dọa an toàn-an ninh quốc gia và xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tự do, bí mật riêng tư của người dùng mà pháp luật bảo vệ. Điều đáng nói, đây không phải là sản phẩm đầu tiên của Trung Quốc bị cáo buộc về “gián điệp”.

Gần đây nhất là vào tháng 6, điện thoại Star N9500 được sản xuất tại Trung Quốc nhái thiết kế của Galaxy S4 cũng bị phát hiện có cài phần mềm gián điệp ngay từ khi sản xuất. Chương trình này vờ hoạt động như là kho ứng dụng Google Play Store và có thể thu thập, sao chép thông tin cá nhân, tự động ghi âm cuộc gọi, kích hoạt micro để nghe lén hay gửi tin nhắn đến các dịch vụ thu phí. Với người sử dụng điện thoại nói chung, để tránh rủi ro, khi quyết định chọn mua điện thoại, cần cẩn trọng với các sản phẩm được giới thiệu là có công nghệ tốt mà giá lại rẻ, đặc biệt là các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc.

Cách phát hiện điện thoại có cài mã độc hoặc phần mềm gián điệp: Muốn biết điện thoại thông minh Xiaomi Redmi Note đang có mặt tại thị trường Việt Nam có bị cài mã độc hoặc phần mềm gián điệp như cảnh báo của các chuyên gia ở Hồng Kông, Đài Loan hay không cần phải có phần mềm chuyên dụng kiểm tra trên từng máy mới biết chính xác. Người dùng không thể phát hiện được thông qua những sự kiểm tra thông thường bởi các phần mềm gián điệp này được cài đặt rất tinh vi ngay trong quá trình sản xuất. Do vậy, để tránh trở thành nạn nhân của việc bị đánh cắp thông tin cá nhân, với các trường hợp người dùng đã mua máy điện thoại thông minh Xiaomi Redmi Note và đã sử dụng, người dùng có thể mang điện thoại đến Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính (Bộ TT&TT) hoặc các công ty chuyên về an ninh mạng như Bkav để nhờ kiểm tra.

Huyền Thanh
.
.
.