Muốn thoát chết, hãy rửa tay bằng xà phòng

Thứ Ba, 08/05/2007, 20:45
"Chỉ một động tác đơn giản là rửa tay, bạn đã có thể cứu mình và người thân khỏi chết vì các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, SARS, tả, lỵ, thương hàn..." - Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn nói.

Vi khuẩn dính ở bàn tay chính là nguyên nhân khiến cả một lô nhà chung cư ở Hong Kong đã nhiễm bệnh SARS cách đây hơn 4 năm, thứ trưởng Huấn cho biết. Khi bấm ngón tay lên thang máy, những người nhiễm virus SARS không biết mình đã để lại mầm bệnh cho láng giềng, và virus đã lây lan từ những bàn tay bẩn này ra cả khu nhà.

Các chuyên gia y tế khẳng định bàn tay là một "điểm trung chuyển" quan trọng của các virus gây bệnh bởi nó là công cụ làm việc, giao tiếp. Mỗi cm2 da người có đến 40.000 vi khuẩn và con số này cao hơn rất nhiều ở bàn tay. Chính vì vậy rửa tay sạch là một cách phòng ngừa quan trọng đối với các bệnh truyền nhiễm.

Theo tiến sĩ Huấn, động tác này làm giảm 35% nguy cơ lây truyền bệnh tiêu chảy, 17-45% nguy cơ nhiễm khuẩn đường hô hấp. Ngay cả với những căn bệnh nguy hiểm gây chết người hàng loạt như H5N1, SARS, rửa tay cũng được coi là loại "văcxin" rẻ tiền mang lại hiệu quả cao.

Rất ít người dân có thói quen rửa tay bằng xà phòng

Các nghiên cứu cho thấy, việc rửa tay chỉ loại trừ được phần lớn các mầm bệnh khi có sử dụng xà phòng hay các chế phẩm làm sạch bàn tay khác. Tuy nhiên, đây chưa phải là thói quen của đa số người dân. Điều tra mới đây của Bộ Y tế tại một số tỉnh cho thấy, chỉ 12% số người dân rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Những người khác chỉ rửa tay bằng nước, thậm chí không có thói quen này.

"Rửa tay bằng nước là đã sạch lắm rồi, cần gì mua xà phòng cho tốn tiền" - bà Ngân, một nông dân ở huyện Bình Xuyên, Hải Dương, cho biết. Người phụ nữ này sau một ngày làm ruộng, chăm sóc lợn gà đã rửa tay bằng nước giếng, lau vào vạt áo cho khô rồi ngồi vào mâm cơm, trước khi thay đồ, tắm rửa. Cũng với đôi tay này, bà gỡ xương cá cho đứa cháu nội.

Ngay cả ở Hà Nội, rửa tay bằng xà phòng cũng chưa phải là thói quen của đại đa số người dân bởi họ không ngờ hành vi nhỏ này lại có tác dụng lớn đến thế. "Chỉ rửa tay cũng có thể phòng H5N1 sao?" - bà Gái ở phường Mai Động, quận Hoàng Mai, ngạc nhiên hỏi.

Người phụ nữ 63 tuổi này biết rằng việc vệ sinh bàn tay bằng xà phòng giúp ngừa tiêu chảy, nhưng vẫn chưa tạo được thói quen. "Lúc nào nhớ ra hoặc tay bẩn quá thì mới rửa. Còn mùa đông thì hầu như tôi chỉ rửa qua bằng nước vì dùng xà phòng khô tay lắm" - bà nói.

Tiến sĩ Trịnh Quân Huấn khẳng định, chừng nào việc rửa tay đúng cách chưa trở thành thói quen của người dân thì dịch tiêu chảy - vốn làm chết 14 đứa trẻ mỗi năm - sẽ khó mà khống chế được. Và khi cúm gia cầm xảy ra, dịch bệnh sẽ dễ lây lan hơn.

Ngoài việc rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, các chuyên gia y tế còn khuyên nên làm động tác này trong các trường hợp: Trước khi rửa mắt rửa mũi, trước khi chuẩn bị thức ăn, trước và sau khi săn sóc cho các cháu bé (thí dụ như thay tã), trước và sau khi săn sóc vết thương, sau khi tiếp xúc với người bệnh, làm một công việc gây bẩn (như làm vườn) hay chạm vào đồ vật bẩn (tiền bạc, robinets, nắm khóa cửa, lan can...)

Theo Hải Hà (Vnexpress)
.
.
.