‘Món quà sự sống’ cho bệnh nhân từ chương trình hiến tạng nhân đạo

Thứ Tư, 22/07/2015, 10:07
Theo kế hoạch, số bệnh nhân được ghép tạng ( ghép thận, ghép tim, gan và giác mạc) sẽ từ 6 tới 8 người từ các tạng hiến của 2 người hiến tạng nhân đạo. Thông tin trên đã được công bố tại buổi họp báo “ hiến tạng nhân đạo- từ suy nghĩ tới hành động” vào chiều 21/7 tại Bệnh viện Chợ Rẫy ( BVCR).

PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BVCR chia sẻ: “Cộng đồng , người dân Việt Nam đã và đang thực sự quan tâm tới chương trình hiến tạng cứu người. Hành động hiến tạng nhân đạo, mang ý nghĩa nhân văn, đầy tình người đang được nhân rộng, phát triển, minh chứng bằng việc, sau hơn 1 năm triển khai hoạt động, “Đơn vị điều phối” ghép các bộ phận cơ thể người của BVCR đã nhận được gần 700 đơn tự nguyện hiến tạng cứu người khi chẳng may qua đời từ khắp nơi trên cả nước gửi về bằng nhiều cách khác nhau : đến trực tiếp bệnh viện, qua Bưu điện hay gửi email.

Trong đó, ngày 18/6/2015 vừa qua, 1 trường hợp hiến tạng nhân đạo khi ngừng tim( ngừng tuần hoàn) đã tình nguyện hiến 2 quả thận của mình để cứu được 2 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối.

Bệnh nhân N.V.V.( 45 tuổi, ngụ tại Long An) đang được chăm sóc tại Khoa Tiết niệu BVCR sau khi được ghép thận từ người cho “chết tim”. Trước đó, anh N.V.V. đã phải chạy thận 11 năm.

Tiếp đó, ngày 20/7/2015, một trường hợp hiến đa tạng và mô đầu tiên được thực hiện tại BVCR, với sự kết hợp đa trung tâm Đơn vị điều phối ghép tạng của BVCR và BV Trung ương Huế. Các mô và tạng được hiến tặng của người cho gồm giác mạc, khối tim - phổi, gan và 2 thận đã thực hiện ghép thành công cho 01 trường hợp ung thư gan do siêu vi C( với kíp mổ của Đại học ASAN- Hàn Quốc cùng ê kíp mổ ghép tạng của BV CR), cùng 2 trường hợp suy thận mạn giai đoạn cuối ( đang trong danh sách chờ ghép tại BVCR).

Riêng khối tạng tim - phổi được chuyển tới BV Trung ương Huế để ghép cho 01 bệnh nhân suy tim - phổi đang điều trị tại đây. Giác mạc theo kế hoạch, BVCR sẽ chuyển ghép cho 2 trường hợp bệnh nhân nghèo bị hỏng giác mạc sẽ thực hiện vào ngày 22/7/2015.

TS- BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc BVCR cho biết : như vậy, nếu thuận lợi thì sự hiến tặng mô tạng của riêng 1 người bệnh cho đa tạng- mô trên sẽ có thể cứu sống được 6 người bệnh. Đây cũng là ghi nhận đầu tiên tại Việt Nam với sự phối hợp của nhiều chuyên ngành trong XH gồm : ngành Y tế (khối các bệnh viện BVCR, BV Trung ương Huế, các khoa, phòng lâm sàng), ngành Giao thông vận tải, ngành Hàng không Việt Nam, Cục Xuất Nhập cảnh, và Cục Hải quan.

Theo yêu cầu của gia đình người hiến tạng, bệnh viện không công bố danh tính 2 trường hợp hiến mô và tạng trên. Tuy nhiên, được biết, 1 trường hợp là bệnh nhân bị đột quị gây xuất huyết não. Khi nhập BVCR, tình trạng bệnh nhân chưa chết não nhưng đe dọa ngưng tim. Lúc này, các BS khoa Nội thần kinh đã động viên gia đình, giải thích và báo cho Đơn vị Điều phối của BV, sau 1 ngày, gia đình bệnh nhân đồng ý hiến tặng tạng. Người thứ 2 là 1 bệnh nhân bị Tai nạn lao động quá nặng, cấp cứu tại BVCR nhưng không qua khỏi, bệnh nhân vẫn bị “chết não”.

Sau khi được giải thích, động viên của các BS Khoa Ngoại thần kinh của BV, gia đình bệnh nhân đã đồng ý hiến tặng tạng.  Sau khi có kết quả xét nghiệm an toàn về các bệnh lý nhiễm trùng, HIV, viêm gan siêu vi B, C....cùng với rà soát trong danh sách các bệnh nhân có chỉ định ghép mà BVCR quản lý, các “cặp ghép” đã được chọn lựa công khai, cùng đối chứng với những xét nghiệm về nhóm máu, chỉ số tương hợp...phù hợp.

GS-TS Trần Ngọc Sinh, nguyên Trưởng khoa Ngoại-Tiết niệu BVCR chia sẻ những điều đáng chú ý về hiến tạng. Theo qui định của Luật hiến mô - tạng, xác định người “chết não” là sau 24 h được “đơn vị điều phối” và các bác sĩ Chuyên môn thống nhất là não “không còn phục hồi”.

Nhưng việc thuyết phục gia đình hiến tạng là rất khó khăn. Hiến tạng từ người chết tim khó hơn nữa vì thấy trái tim bệnh nhân còn đập thì người thân khó lòng đồng ý hiến, nhưng khi đã dùng hết thuốc mà tim cũng vẫn không thể hồi phục, vẫn “chết tim”, gia đình đồng ý cho tạng, thì quyết định muộn này đồng nghĩa với ghi nhận tổn thương ở các tạng phủ (gan, phổi) cho việc cứu người đã bị hư hại nhiều hơn là tình trạng “chết não”. Tạng tim sử dụng ghép được chỉ trong vòng 3-4 giờ. Do đó nếu người thân đồng ý vào lúc tạng còn giá trị sử dụng thì nó quí giá vô cùng”.

Cũng theo GS- TS Trần Ngọc Sinh, Y học đã chứng minh, sử dụng tạng từ người “chết não”, tỉ lệ thành công của ghép lên tới 90%, từ người “chết tim” tỉ lệ này là 70%.

Chia sẻ về trường hợp bệnh nhân được hồi sinh trái tim từ tạng hiến của 1 trong 2 trường hợp trên, BVCR cho biết, đơn vị điều phối đã gọi điện liên lạc tới GS.TS Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cung cấp một bệnh nhân suy tim, phổi mà có nhóm máu A,B đang điều trị tại đây. Sau nửa ngày rà soát, đã có thông tin 1 bệnh nhân cần ghép tim.

Ngay sau đó, ê kíp ghép tim tại BV Trung ương Huế đã cử người vào BVCR, đánh giá tình trạng bệnh nhân, người cho tim. Một ê kíp khác làm xét nghiệm, đánh giá tình trạng tương hợp của người nhận tim. Song việc nhận tạng, chuyển tạng ( khối tim-phổi) ra Huế như nào cho an toàn là gay go nhất. 6h30 ê kíp chuyển khối tim-phổi của người hiến tại BVCR di chuyển bằng máy bay tới BV Trung ương Huế.

7h50 sáng cùng ngày, khi có kết quả chính thức an toàn đủ điều kiện ghép tim từ người được ghép tim, 2 đơn vị điều phối của BVCR và BV Trung ương Huế đã phải nhờ tới sự can thiệp của Bộ trưởng Bộ GTVT cùng Cục Hải quan, các đơn vị liên quan để việc chuyển tạng khi qua sân bay Tân Sơn Nhất, TP  HCM được tạo điều kiện nhanh nhất, kịp thời tới Huế an toàn, còn giá trị để ca ghép thành công.

Huyền Nga
.
.
.