Mô hình làng nổi Maru Ichi độc đáo và giá trị -một sáng tạo đầy tâm huyết

Thứ Hai, 29/06/2020, 08:01
Sự ra đời của dự án Maru Ichi - mô hình làng nổi cộng sinh bền vững, thân thiện với môi trường của nhóm tác giả Tô Diệu Liên, Hồ Văn Anh Tuấn, Nguyễn Phương Anh có giá trị rất lớn.

Trong bối cảnh người dân đồng bằng sông Cửu Long luôn phải “sống chung với lũ”, thì sự ra đời của dự án Maru Ichi - mô hình làng nổi cộng sinh bền vững, thân thiện với môi trường của nhóm tác giả Tô Diệu Liên, Hồ Văn Anh Tuấn, Nguyễn Phương Anh có giá trị rất lớn. Bởi dự án độc đáo này là sự kết hợp tuyệt vời giữa giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và du lịch sinh thái.

Ươm mầm từ VCIC

Maru Ichi là một mô hình cộng đồng nhà ở bền vững hướng đến phục vụ người dân có thu nhập thấp ở vùng bị ngập lụt. Không chỉ có khả năng chống chọi với lũ lụt, mỗi ngôi nhà trong dự án Maru Ichi là một khối đa năng có thể kết nối với những ngôi nhà khác; kết nối với các hành lang mở, nơi cư dân có thể dễ dàng trao đổi hàng hóa, cung cấp nhiều dịch vụ và chia sẻ cuộc sống hàng ngày với mọi người. Mỗi ngôi nhà được trang bị một bảng điều khiển năng lượng mặt trời cùng với hệ thống lọc nước và lọc nước thải – lời giải cho bài toán ô nhiễm môi trường - một vấn đề lớn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao giải đặc biệt cho dự án Maru - làng nổi tại lễ trao giải khởi nghiệp sáng tạo.

Với thiết kế linh hoạt, mang tính thẩm mỹ cao, bảo đảm sự an toàn, thuận lợi trong cuộc sống của cư dân, dự án Maru Ichi đã trở thành giải pháp ứng phó với tình trạng nước biển dâng, biến đổi khí hậu và đặc biệt, còn tạo ra cơ hội kinh doanh du lịch sinh thái, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ.

Mô hình này giúp người dân yên tâm sống trong vùng lũ với sinh kế bền vững, đồng thời, thúc đẩy bình đẳng giới, giảm thiểm tác hại và thích cứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và quảng bá văn hóa địa phương; kích thích phát triển kinh tế đồng bộ.

Đó cũng là lý do dự án Maru Ichi đã xuất sắc giành giải Đặc biệt trong cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” do BQL Dự án hỗ trợ kỹ thuật Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức 6/2019.

Với số tiền thưởng từ cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo, nhóm tác giả đã xây dựng nhà mẫu tại huyện An Phú, tỉnh An Giang và tiếp tục nhân rộng thành một làng thí điểm, đồng thời, triển khai thương mại hoá sản phẩm, tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng để mở rộng mô hình.

Trước đó, nhờ tính ứng dụng cao trong thực tế, dự án này cũng là một trong 8 dự án xuất sắt nhất được thuyết trình và trao giải trong chương trình Đào tạo tiền ươm tạo của VCIC và được VCIC hỗ trợ để tiếp tục hoàn thiện dự án.

Nhóm tác giả dự án Maru - mô hình làng nổi cộng sinh bền vững, thân thiện với môi trường.

Giá trị cộng đồng

Maru Ichi là mô hình làng nổi cộng sinh bền vững, thân thiện với môi trường và chịu được lũ, thí điểm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long được thiết kế bởi kiến trúc sư Hồ Văn Anh Tuấn – Giám đốc Kỹ thuật của MARU. Theo chị Nguyễn Phương Anh - Giám đốc của dự án thì “trong tiếng Nhật, “maru” nghĩa là vòng tròn, tượng trưng cho khả năng kết nối và mở rộng bất tận của mô hình, hướng đến lối sống cộng đồng và cộng sinh hòa hợp với thiên nhiên. “ichi” nghĩa là thứ nhất. Maru Ichi nghĩa là dự án đầu tiên của MARU. Trong tương lai, MARU sẽ còn có những thiết kế và sáng tạo khác phù hợp với các điều kiện địa hình và khí hậu đa dạng ở các vùng khác của Việt Nam.”

  Dự án Maru đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao về tính sáng tạo, khi tạo ra sự chủ động trong việc giải quyết các thách thức về ứng phó với biến đổi khí hậu: Thiết kế mỗi nhà nổi (Cell) gồm ba cánh với phần không gian riêng tư cho sinh hoạt gia đình và không gian chung có thể sử dụng để kinh doanh. Các Cell có khả năng phân tách và kết hợp vô cùng linh hoạt, để tạo thành một ngôi làng nổi cộng sinh. Các Cell còn có thể tách ra để tự do di chuyển và kết hợp vào những Cell khác. Khi các Cell nối với nhau, một hành lang chung sẽ được hình thành, đây sẽ là không gian chung cho các hoạt động cộng đồng và kinh tế của ngôi làng.

Mô hình làng nổi cộng sinh bền vững, thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, vật liệu sử dụng đều là vật liệu địa phương hoặc tái chế, dễ tìm và chi phí thấp như cây tràm, lá dừa nước và thùng nhựa đã qua sử dụng v.v. Các Cell trong ngôi làng Maru Ichi được tích hợp pin năng lượng mặt trời để làm điện, lọc nước sông kết hợp với nước mưa để làm nước sinh hoạt, và nước thải sinh hoạt được lọc trước khi đưa ra môi trường. Maru Ichi được xây dựng dựa trên nghiên cứu thực tế văn hóa và phong tục của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các cộng đồng sinh sống trên mặt nước. Maru Ichi biến chuyển phương thức sinh sống này sang dạng hình bền vững và thân thiện với môi trường hơn, mà không làm thay đổi những thói quen sinh hoạt và phong tục tập quán của người dân địa phương.

Từ nhu cầu cấp thiết của người dân

Ở Việt Nam tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến bất thường như những cơn mưa đá rất to xuất hiện thường xuyên ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là mưa đá cũng đã xuất hiện ở TP. Hồ Chí Minh. Tình trạng thời tiết diễn biến nắng nóng kéo dài gây hạn hán, xâm ngập mặn ở ra ở nhiều nơi, đặc biệt là ở các tỉnh miền Tây…Việt Nam là một trong những quốc gia dễ có thiên tai nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu, nên thường xuyên phải gánh chịu nhiều thiên tai, đặc biệt là lũ lụt và bão.

Theo các báo báo của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), biến đổi khí hậu sẽ gây ra hậu quả vô cùng nặng nề cho Việt Nam:  22  triệu người Việt Nam sẽ mất nhà cửa do lũ lụt, mực nước biển dâng cao, thiệt hại ước tính lên đến 10% GDP. Mực nước biển tại Việt Nam sẽ tăng 33cm vào năm 2050, tăng 1m vào năm 2100. Năm 2050 ước tính sẽ có 1 triệu người ở đồng bằng sông Cửu Long phải di dời, bỏ nhà cửa vì lũ lụt và hạn hán. Năm 2100 ước tính 90% diện tích ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập nước do lũ lụt.

Do thuộc tính địa lý, vốn dĩ Việt Nam đã là nước phải gánh chịu nạn lũ lụt hàng năm nghiêm trọng ở cả ba miền. Biến đổi khí hậu càng khiến cho thiên tai bão lụt và tình hình úng ngập ngày càng trầm trọng hơn ở những địa phương vốn chịu lũ lẫn những địa phương chưa quen ứng phó với loại hình thiên tai này. Tuy nhiên chưa có mô hình nhà nổi nào đáp ứng được với những tác động của biến đổi khí hậu nêu trên. Và Maru Ichi có nhiều tiềm năng để lấp khoảng trống đó.

Maru Ichi vừa giúp ứng phó với lũ lụt và biến đổi khí hậu, vừa tạo ra sinh kế cho người dân. Maru Ichi tận dụng các vật liệu tự nhiên sẵn có tại địa phương như cây tràm và lá dừa nước. Được tích hợp hệ thống lọc nước để sinh hoạt, hệ thống xử lý nước thải, và tấm năng lượng mặt trời, mô hình làng nổi cộng sinh Maru Ichi còn giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm môi trường đang hết sức bức thiết tại ĐBSCL.

Tiềm năng phát triển

Maru Ichi được thí điểm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nơi vốn nổi tiếng với nền văn hoá sông nước, cuộc sống và kinh tế của người dân đều gắn liền với những chiếc ghe, xuồng. Nhưng lũ lụt hàng năm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân và sự phát triển kinh tế địa phương. Biến đổi khí hậu đã khiến cho bão lũ ngày càng gia tăng và khó lường, cuộc sống người dân càng bấp bênh hơn.

 Mô hình Maru Ichi sẽ giúp người dân yên tâm sống trong cộng đồng những ngôi nhà nổi linh hoạt, chắc chắn mỗi khi lũ dâng. Hơn thế nữa, với tính độc đáo và thẩm mỹ cao, Maru Ichi sẽ tạo ra cơ hội sinh kế cho đồng bào vùng ĐBSCL, khai thác các diện tích mặt nước để trở thành những khu du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và trải nghiệm.

Maru Ichi có thể được áp dụng trên diện tích mặt nước ở các địa phương khác có điều kiện địa lý và khí hậu tương tự trong nước và trên thế giới.

Cùng với giải Đặc biệt tại cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp, mô hình Maru Ichi đã lọt vào danh sách 12 đội thắng giải Resilient Homes Challenge, triển lãm tại WB Headquarter, DC và triển lãm tại Diễn dàn lãnh đạo thế giới tại Geneva; giải Nhì Spec Go Green – Hội Kiến trúc sư Việt Nam, hạng mục công trình đóng góp nhiều cho xã hội. Mô hình Maru Ichi đã được cấp bằng bảo hộ Độc quyền sáng chế, Kiểu dáng công nghiệp và đã đăng ký Nhãn hiệu Thương mại Maru.

* Bài viết được thực hiện với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ của Bộ KH&CN
Thái Hoàng
.
.
.