Mang máy tính đi sửa cần chọn mặt gửi vàng

Thứ Bảy, 23/10/2010, 15:05
Bằng những thủ đoạn tinh vi, nhiều khách hàng mang máy tính xách tay đi sửa đã bị các "trung tâm" sửa chữa máy tính "tráo đổi" linh kiện laptop. Thậm chí phá máy tính bị hỏng nặng hơn để khách hàng mang tới sửa tiếp. Nhiều lần như vậy, từ chiếc máy tính hàng chục triệu đồng bị "phù phép" thành đống phế liệu phải bán xác máy tính với giá vài trăm ngàn đồng.

Công nghệ "luộc" linh kiện máy tính

Anh Nguyễn Tử Duy (ngụ đường 46, quận Thủ Đức), một nạn nhân bị đổi linh kiện máy tính cho biết: Máy tính của anh đang sử dụng thường xuyên bị tắt nguồn. Anh mang đi sửa tại Trung tâm H.C. (đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức), nhân viên kĩ thuật thông báo máy tính bị lỗi mainboard (bo máy) phải để máy lại kiểm tra.

Sau khi sửa xong, anh Duy mang máy về sử dụng một thời gian thì máy tính bị trục trặc, có hiện tượng liên tục bị tắt nguồn, một số phím bị liệt, màn hình xuất hiện nhiều vệt sọc. Mang máy tính đi sửa tại một cửa hàng uy tín, anh Duy mới "ngớ người" khi nhân viên cửa hàng nói máy của anh bị vô nước, hư hỏng nặng (nhưng máy anh sử dụng rất cẩn thận, không có chuyện vô nước).

Tiếp tục kiểm tra thì phát hiện pin, màn hình máy tính đã bị đổi. Rất có thể mainboard cũng đã bị đổi với kĩ thuật hết sức tinh vi. Để "luộc" linh kiện máy tính của khách hàng, nhiều trung tâm máy tính còn tung ra những "độc chiêu": Diệt virus miễn phí để thu hút khách hàng và lợi dụng sơ hở của khách hàng để "đánh tráo" linh kiện máy tính bên trong, biến "lợn lành thành lợn què".

Nên kiểm tra kĩ lưỡng khi nhận lại máy tính được sửa chữa tại trung tâm khách hàng.

Khi máy tính có vấn đề, các "thợ gian" thường lấy lý do bận việc, rồi hướng dẫn khách hàng ký xác nhận tem lên tem bảo hành, ghi các thông số kĩ thuật ghi trên máy tính để khách hàng yên tâm để máy lại sửa chữa. Theo anh N.T.G., một thợ sửa máy tính ở quận 10: "Việc xác nhận tem, ghi thông số kĩ thuật của các linh kiện máy tính chỉ làm yên lòng khách hàng. Việc đánh tráo các linh kiện máy tính được thực hiện rất tinh vi. Toàn bộ các phụ kiện bên trong máy tính đều có thể đánh tráo một cách nhanh chóng, "luộc" toàn bộ linh kiện bên trong thân máy chỉ còn vỏ ở ngoài là zin. Khi khách hàng có ký xác nhận, ghi thông số kỹ thuật bên ngoài nhưng cũng không thể biết được máy tính mình đã bị đổi linh kiện".

Việc bóc tem chống tháo lắp được thực hiện rất tinh vi, mỗi loại tem đều có cách bóc khác nhau (kể cả tem bảo hành rất dễ rách khi có dấu hiệu tháo lắp). Những "thợ gian" dùng máy "khò" (thiết bị sửa chữa) làm nóng tem cho lớp keo bên dưới nở ra rồi lấy lưỡi lam cạy nhẹ.

Sau đó chỉ việc tháo và đổi linh kiện máy tính và dán tem lên. Bằng những kĩ thuật tinh xảo, khách hàng rất khó phát hiện ra khi nhận lại máy. Không ít trường hợp khi khách hàng phát hiện linh kiện trong máy tính bị "tráo đổi" quay lại cửa hàng khiếu nại nhưng không có chứng cứ đành chịu vì những chỗ dán tem vẫn còn nguyên.

Những linh kiện máy tính mà khách hàng thường bị đổi khi sửa máy là màn hình, pin, ram thậm chí cả ổ cứng máy tính bằng cách sao chép "nguyên xi" tất cả các chương trình của ổ cứng cũ. Khi khách hàng kiểm tra máy tính mở các chương trình, giao diện thấy không có gì thay đổi nên yên tâm mà không biết những linh kiện bên trong máy tính đã bị "luộc".

Hết bảo hành, hết trách nhiệm

Chị N.H.M. (ngụ đường Đoàn Văn Bơ, quận 4) bức xức: Lúc chị mang máy tính đi sửa thì máy không nhận cổng USB. Sau khi kiểm tra, kĩ thuật viên cho biết máy tính bị hư chíp (IC) thay với giá 2 triệu đồng và hẹn hôm sau lấy máy. Sửa xong, máy tính dùng được hơn một tháng thì "bệnh cũ" tái phát. Mang lại cửa hàng cũ (trên đường An Dương Vương, quận 5) để bảo hành thì nhân viên nói máy đã hết bảo hành, cửa hàng không chịu trách nhiệm.

Chị M. nhờ người quen xem lại thì mới biết máy tính chưa hề được thay chíp. Theo dân trong nghề, khi máy tính bị hỏng nên nhờ những người có am hiểu về máy tính tìm hiểu qua và chỉ ra chỗ bị hỏng: Máy bị hỏng nguồn, ram chỉ cần tháo các linh kiện đó ra mang đi sửa là được. Cẩn thận với những quảng bá theo kiểu "kiểm tra laptop miễn phí" vì rất dễ bị "tráo đổi" khi khách hàng sơ ý.

Theo tìm hiểu của chúng tôi: Để bán các linh kiện đã "luộc" của khách hàng, các đối tượng này móc nối với các nhân viên kĩ thuật của các trung tâm khác để tiêu thụ, hoặc thay cho các khách hàng tại trung tâm để lấy tiền. Hay lên mạng rao bán dưới hình thức: "Hàng thanh lý, giá rẻ", không ít người mua phải hàng gian từ các đối tượng này mà không hề hay biết.

Để tránh bị "luộc" linh kiện khi mang máy tính đi sửa, khách hàng nên chọn những trung tâm uy tín, ký giáp lai lên tem bảo hành, ghi lại số sêri của linh kiện máy tính và kiểm tra cẩn thận khi nhận lại máy

Văn Vĩnh
.
.
.