Từ việc rắn lục đuôi đỏ liên tục tấn công người dân:

Không tử vong nếu phòng ngừa và sơ cấp cứu kịp thời

Thứ Năm, 04/12/2014, 12:03
Thời gian gần đây, rắn lục đuôi đỏ bỗng xuất hiện ồ ạt, bất thường ở nhiều tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và đồng bằng sông Cửu Long, liên tục tấn công người đã và đang làm cho người dân rất lo sợ. Một số kẻ xấu đã lợi dụng việc trên để tung tin nhảm, tạo dư luận hoang mang, gây mất an ninh trật tự trong đời sống xã hội.

Tại Trung tâm Nuôi trồng Nghiên cứu Chế biến Dược liệu (NTNCCBDL) - Cục Hậu cần (Quân khu 9) còn có tên là Trại rắn Đồng Tâm ở ấp Tân Thuận, xã Bình Đức, huyện Châu Thành (Tiền Giang). Trung tá, bác sĩ Phan Văn Phát - Giám đốc trung tâm cho biết: Năm 2013, Khoa cấp cứu và điều trị rắn độc cắn của trung tâm đã trị cho 801 ca bị rắn lục cắn, năm 2014 con số này tăng lên 925 ca. Bệnh nhân không chỉ là quân dân của các tỉnh ĐB sông Cửu Long mà còn có các tỉnh miền Đông và dân nước bạn Campuchia đưa sang…

Trung tá, bác sĩ CK1 Vũ Ngọc Lương - Phó Giám đốc trung tâm phụ trách Khoa cấp cứu và điều trị rắn độc cắn là một chuyên gia nghiên cứu và điều trị rắn độc cắn.
Trung tá, Bác sĩ CK1 Vũ Ngọc Lương.

Trong câu chuyện về loài rắn lục đỏ, bác sĩ Lương cho biết: Cách đây mấy hôm, ông đã tư vấn hướng dẫn từ xa cho y, bác sĩ Việt Nam tại Lào cấp cứu chữa trị thành công một ca nữ công nhân cao su thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai bị rắn độc cắn. Số điện thoại di động của bác sĩ Lương (091 865 2742) đã từ lâu trở thành số đường dây nóng của Khoa cấp cứu và điều trị rắn cắn. Ông khẳng định với bất kỳ ai bị rắn cắn, bất kể nọc độc loài rắn gì, nếu nạn nhân còn hơi thở đưa kịp đến trung tâm trước 48 giờ, hoàn toàn có thể an tâm sẽ được cứu sống. Tiền thuốc, khám chữa bệnh được miễn phí hoàn toàn.

Rắn lục đuôi đỏ, đầu vồ là loài rắn có vảy tên khoa học là Trimeresurus albolabris. Chiều dài thân của chúng vào khoảng 60cm đến hơn 80cm có màu xanh lá, giúp chúng dễ dàng ngụy trang trong cỏ hay lá cây rừng. Phần đuôi của chúng có màu nâu đỏ rất dễ nhận ra sự khác biệt với đồng loại. Bằng kinh nghiệm và hiểu biết chuyên môn, bác sĩ Lương phác họa: Có hai họ rắn độc, nọc của chúng có thể làm chết người và các động vật khác đó là rắn hổ và rắn lục. Nọc của rắn hổ trực tiếp tác động đến thần kinh, gây tê liệt não và tử vong. Còn nọc rắn lục trực tiếp gây nhiễm độc thần kinh, tê liệt hô hấp, làm đông máu, rối loạn và phù nề, xuất huyết, đau nhức trước khi tử vong. Rắn lục có thể cắn và phóng nọc độc thông qua phản xạ cho đến 90 phút sau khi nó đã chết. Môi trường sống của rắn lục trên các nhánh cây lá rậm rạp. Ban ngày nó lim dim ngủ, mắt lờ đờ, chậm chạp. Ban đêm chúng bắt đầu xuống đất kiếm mồi ăn và đôi mắt cực kỳ tinh. 

Chị Hương - hướng dẫn viên du lịch của trại rắn, đưa tôi tham quan khu vực nuôi lúc nhúc các loại rắn ráo và rắn lục đuôi đỏ. Chân mang ủng, tay đeo găng, cầm gậy sắt có móc dài gần 2m, chị cho biết đây là “bắt buộc” mỗi khi tiếp xúc với loài vật nguy hiểm này. Không ai biết “nhiệt độ” của chúng ra sao, nên sự phòng ngừa luôn phải có, bất kỳ một động tác hay sơ hở nào cũng có thể xảy ra điều không hay, nhất là với du khách tham quan.

Theo bác sĩ Lương, rắn lục đỏ cũng như hầu hết các loài rắn khác đều không chủ động tấn công con người, chúng chỉ tấn công phòng vệ khi bị khiêu khích và đe dọa. Sự khiêu khích có thể vô tình và cố tình, đặc biệt vào ban đêm khi con người nhìn thấy lờ mờ lại là lúc các loài rắn tinh anh nhất. Để giảm cơ hội rắn lục tấn công, cần thiết phải phát quang, chặt cây bụi rậm quanh nhà và đóng kín cửa vào ban đêm, sử dụng đèn pin và gậy, gây tiếng động khi đi đêm trong vùng có nhiều rắn xuất hiện để xua đuổi chúng.

Mọi người cần trang bị kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu khi bị rắn độc cắn. Bác sĩ Lương khuyên: Khi bị rắn cắn, vết thương chảy máu nhiều và sưng lên rất nhanh, gây rối loạn đông máu, đau nhức. Người bị rắn cắn dùng dây, vải buộc chặt tĩnh mạch cách vết thương khoảng 3cm, tránh độc tố lan rộng. Dùng nước sạch rửa vết thương (trường hợp có cồn rửa tốt hơn), hoặc tìm các loại lá cây có vị chua hoặc chát, nhai rồi đắp vào vết thương nhằm gây tác dụng hóa học làm loãng nọc độc. Không được rạch vết thương hoặc hút, chích nọc độc sẽ làm chảy máu không thể cầm được đối với nọc rắn lục đỏ. Tuyệt đối không dùng các loại thuốc nam hay sự giúp đỡ của thầy rắn, thầy lang trong vùng mà nhanh chóng đưa bệnh nhân đến trung tâm y tế gần nhất để tẩy rửa vết thương, chuyển đến bệnh viện tuyến trên cấp cứu kịp thời.
Rắn lục đuôi đỏ thường không chủ động tấn công người.

Một bệnh nhân bị rắn độc cắn tại TP Phnom Penh (Campuchia) được người nhà bệnh nhân thuê xe chạy sang trại rắn Đồng Tâm đã được các y bác sĩ Quân y cấp cứu điều trị gần 2 tuần bệnh nhân đã xuất viện. Kịp thời cấp cứu tại các bệnh viện là rất cần thiết. Nguy cơ tử vong tùy thuộc vào cơ địa, sức đề kháng, loài rắn cắn và lượng nọc độc thẩm thấu vào con người. Thường là trong thời gian 24 đến 48 giờ với các loài rắn có nọc độc trung bình, khá và dưới 12 giờ với loài rắn có nọc kịch độc, người bị rắn cắn được kịp thời cứu chữa thì khả năng tử vong khó xảy ra.

Hằng năm, Khoa cấp cứu và điều trị rắn độc cắn của Trại rắn Đồng Tâm đã chữa trị cho gần một ngàn người bị rắn cắn, tỷ lệ tử vong là 0%. Hiện tượng bất thường gần đây xuất hiện hàng loạt rắn lục đuôi đỏ tấn công người dân miền Trung đến nay vẫn chưa có kết luận nguyên nhân. Có thể do rừng cây bị thu hẹp, các loại chim ưng, bìm bịp dùng rắn làm mồi ăn bị tận diệt, thức ăn của loài rắn khan hiếm, khả năng sinh sản rất nhanh, nhiều và sự đột biến bất thường của khí hậu, thời tiết…Trước khi có kết luận khoa học chính xác, mọi người dân nên tự trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết để phòng ngừa và sơ cấp cứu khi bị rắn cắn không để xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Hoàng Châu
.
.
.