Khoa học giải mã về những giấc mơ

Thứ Sáu, 25/02/2005, 18:24
Theo các nhà khoa học, những giấc mơ đang đem lại lợi ích cho con người. Giấc mơ có thể đóng vai trò của một chuyên gia liệu pháp tâm lý hay chuyên gia chẩn đoán hiệu quả. Còn nếu có thể giải mã chính xác một vài giấc mơ đặc biệt, người ta có thể làm ra một phát minh nào đó và thậm chí dự đoán trước cả tương lai...

Khoa học nghiên cứu về giấc mơ - somnologia - là một trong những ngành khoa học trẻ tuổi nhất. Tuy chỉ mới được coi là một lĩnh vực kiến thức riêng biệt từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhưng tại Mỹ hiện nay đã ghi nhận tới hơn 600 trung tâm nghiên cứu về giấc mơ.

 

Các nhà khoa học đang đặt rất nhiều hy vọng vào ngành khoa học này. Theo họ, việc “giải mã” được giấc mơ có thể giúp các chuyên gia y tế chẩn đoán sớm được một số căn bệnh. Nhưng mối quan tâm lớn nhất lại tập trung vào việc làm rõ cơ cấu vận hành của bộ não trong thời gian đang mơ và mối quan hệ giữa các giấc mơ với khả năng sáng tạo của con người.

Khái niệm cơ bàn về giấc mơ

 

Người cổ xưa đã gọi giấc mơ là “cái chết bé nhỏ”. Theo quan niệm của họ, linh hồn của con người trong thời gian mơ đã lìa bỏ cơ thể đi vào vương quốc của những giấc mơ. Chính vì vậy, họ coi việc đánh thức người đang ngủ là một “tội ác lớn”, do linh hồn có thể không quay trở về kịp với thể xác. Ngay các nhà khoa học hiện nay cũng có vài quan niệm khác nhau về tiến trình của một giấc mơ.

 

Mọi người đều biết là giấc ngủ của mỗi người đều chia làm hai giai đoạn: nhanh và chậm. Những giấc mơ thường đến với chúng ta vào giai đoạn nhanh. Con người thường chỉ gặp những điều mang tính kỳ quặc hay viễn tưởng trong các giấc mơ. Một số nhà khoa học cho rằng, con người luôn nằm mộng trong suốt cả đêm, có điều là họ không ghi nhận phần lớn những giấc mơ này trong trí nhớ. Một số khác lại ủng hộ ý kiến rằng, bộ não chỉ tạo ra những giấc mơ theo những khoảng thời gian nhất định. Tình trạng tương tự như vậy thường xuất hiện sau mỗi 90 phút, và do đó con người có thể gặp từ 4 tới 5 giấc mơ mỗi đêm. Chính trong giai đoạn giấc ngủ nhanh, chúng ta đã quan sát được những giấc mơ mà khi tỉnh dậy có thể kể lại.

 

Các chuyên gia somnologia đều thống nhất ở quan điểm, giấc mơ giúp làm thư giãn những tế bào thần kinh ở vỏ não. Ngoài ra trong thời gian mơ, các neutron của những tế bào gốc trong não sẽ ngăn chặn các xung chuyển động, chịu trách nhiệm về mức độ hoạt động của cơ thể, đơn giản là ngắt tín hiệu tới bộ máy vận động các bắp thịt. Nếu như cơ cấu bảo vệ này không làm việc, con người có thể chuyển động theo tình huống mà anh ta đang gặp trong giấc mơ.

 

Những giấc mơ sáng tạo

Giấc mơ còn có thể giúp con người giải quyết được những nhiệm vụ mang tính sáng tạo hay khoa học, thậm chí cả những phát minh. Trong lịch sử đã có rất nhiều ví dụ cho thấy, tác giả đã tìm được lời giải trong giấc mơ của mình. Nhà phát minh Elias Know suốt một thời gian dài đã nghiên cứu cách chế tạo một thiết bị có thể khâu hai mảnh vải vào với nhau.

Bàn làm việc của ông chất đầy những bản vẽ với vô số những ý tưởng khác nhau, nhưng vẫn chưa tìm ra được giải pháp tối ưu. Có lần Elias đã toát mồ hôi sau khi tỉnh giấc sau một cơn ác mộng bị những thổ dân ăn thịt người ở châu Phi săn đuổi. Trong mơ, ông nhìn thấy những ngọn giáo của họ đều có một cái lỗ ở phía trên. Elias lập tức áp dụng đặc điểm này để sáng tạo ra loại kim khâu có lỗ ở đầu, hiện vẫn đang được sử dụng trong những chiếc máy khâu.

Nhà bác học vĩ đại Einstein đã khẳng định, một trong những phát minh chủ yếu của đời mình - thuyết tương đối nổi tiếng - đã được ông nắm bắt từ hồi còn trẻ trong một... giấc mơ. Trong mơ, ông đang lao nhanh trên một chiếc xe trượt tuyết với tốc độ tăng rất nhanh. Cho tới khi nó đạt được tới vận tốc của ánh sáng, các ngôi sao bỗng dưng thay đổi hình dạng và biến thành một dải phát sáng.

Thực tế gặp trong mơ đã khiến Einstein luôn phải trăn trở để suy nghĩ phát minh ra thuyết tương đối. Một trường hợp rất nổi tiếng nhất không thể không nhắc đến liên quan nhà bác học Dmitri Mendeleev. Ông đã phát minh ra bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học sau khi nhìn thấy nó... trong mơ.

“Những sáng tạo và phát minh khoa học hoàn toàn có thể được thực hiện nhờ giấc mơ - Elena Korabelnikova khẳng định - Nguyên nhân là do bộ não của chúng ta, tương tự như một chiếc máy tính, liên tục xử lý những thông tin mà nó nhận được trong thời gian thức”. Con người có thể nhìn nhận thông tin dưới một góc độ hay phương pháp hoàn toàn khác thường: có thể dưới dạng những biểu tượng hay hình ảnh nào đó. Chính những nhìn nhận dưới góc độ khác thường này có thể giúp con người xác định được lời giải mà họ đã phải trăn trở tìm tòi rất lâu khi đang thức.

Đó cũng là một bằng chứng cho thấy, cơ thể không hề nghỉ ngơi trong khi mơ mà ngược lại, còn hoạt động rất tích cực. Bộ não trong khi mơ sẽ hệ thống hóa thông tin được tích lũy trong ngày, sắp xếp nó theo các đơn vị của bộ nhớ, ghi nhận và sàng lọc những sự kiện ít có ý nghĩa và tập trung vào những điểm đặc biệt quan trọng... Mức độ hoạt động không ngừng nghỉ của bộ não trong khi mơ có thể dẫn tới bất kỳ một khả năng sáng tạo nào.

Những giấc mơ tiên tri

Nếu như các giấc mơ sáng tạo có thể tìm được lời giải thích theo các giả thuyết khoa học thì những “giấc mơ tiên tri” (giúp nhìn nhận trước được tương lai) lại có phần phức tạp hơn nhiều. Cho tới giờ, khoa học vẫn chưa thể chứng minh những giấc mơ tiên tri có tồn tại hay không. Trong khi các chuyên gia somnologia lại thường xuyên gặp gỡ những bệnh nhân có các giấc mơ tiên tri.

Trong nỗ lực nhằm diễn giải về hiện tượng giấc mơ tiên tri, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau. Ví dụ như trong cuộc sống, con người phải đương đầu với một tình huống nào đó cần phải tìm ra lời giải. Trong khi nằm ngủ, não của anh ta vẫn tiếp tục hoạt động. Và trong khi mơ, chuỗi logic phát triển các sự kiện tình cờ được sắp đặt hoàn chỉnh.

Có thể tìm thấy một lời giải thích khác cho hiện tượng giấc mơ tiên tri. Con người sau khi gặp một giấc mơ khó chịu nào đó sẽ thường xuyên bị ám ảnh bởi nó. Khi tỉnh dậy, anh ta có thể bị tác động mà hành động một cách vô thức theo đúng “kịch bản” của giấc mơ.

Rõ ràng là vẫn còn rất nhiều những khoảng trống chưa được làm rõ trong khoa học về những giấc mơ. Theo một giả thuyết, giấc mơ chính là một kênh thực thi những đặc tính cá nhân đã được lập trình trước về mặt di truyền và là một trạng thái đặc biệt của nhận thức. Một số chuyên gia còn cho rằng, giấc mơ chính là “cửa sổ giao tiếp” giữa kho tàng bộ nhớ bên trong của con người với khoảng không gian các tín hiệu ở bên ngoài. Trong tương lai, nếu có thể kết nối hai lĩnh vực này với nhau, con người có thể mở rộng được rất nhiều những khả năng về thể chất và tinh thần của mình. Đến lúc đó, mỗi giấc ngủ sẽ là liều thuốc đặc biệt quý giá đối với con người!..

Thái Quân (Theo báo nước ngoài)
.
.
.