Khẩn trương thành lập đơn vị quản lý chất thải phóng xạ hạt nhân

Thứ Sáu, 22/05/2015, 12:52
Với gần 1.800 nguồn phóng xạ đang sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau, khoảng hơn 1.400 nguồn phóng xạ không còn sử dụng đang được lưu giữ ngay tại các cơ sở bức xạ rải rác trên khắp cả nước và sắp tới Việt Nam sẽ có thêm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, việc thành lập đơn vị nhà nước để thu gom, vận chuyển, lưu giữ, quản lý và tiêu hủy chất thải phóng xạ đã trở thành vấn đề cấp bách.

Ngày 20/5, nhiều chuyên gia của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, và các chuyên gia trong lĩnh vực hạt nhân của quốc tế đã tham dự hội nghị Pháp quy hạt nhân lần 2 đang diễn ra tại Đà Lạt. Hội nghị đã tập trung thảo luận về “Chính sách và quy phạm về nhà máy điện hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng”. Nhiều nhà khoa học đã nêu ra vấn đề quản lý chất thải phóng xạ, nhất là khi nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đi vào hoạt động.

Vận hành lò nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.

Theo Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân, ở thời điểm 9/2006, nước ta có 1926 nguồn phóng xạ kín đã sử dụng, không sử dụng hoặc hết hạn sử dụng. Đến thời điểm cuối năm 2014 số lượng nguồn phóng xạ đã là 5.853 nguồn, mức tăng trưởng đạt khoảng 15%/năm. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết, gần đây, hàng năm số giấy phép tiến hành công việc bức xạ tăng trung bình khoảng 10%, đồng nghĩa với việc chất thải phóng xạ thải ra ngày càng lớn.

Bà Nguyễn Nữ Hoài Vi (Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân) cho biết, hiện Việt Nam chỉ có hai cơ sở quản lý chất thải phóng xạ là Bộ phận quản lý chất thải phóng xạ tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, chịu trách nhiệm xử lý nước cấp cho lò nghiên cứu, xử lý chất thải phóng xạ sinh ra trong quá trình vận hành lò phản ứng nghiên cứu và các chất thải của Trung tâm sản xuất đồng vị phóng xạ.

Một cơ sở khác là Trung tâm Quản lý chất thải phóng xạ tại Phùng, Hà Nội (Cơ sở II của Viện Công nghệ xạ hiếm). Có 4 kho chứa nguồn phóng xạ đã qua sử dụng được đặt ở một số đơn vị. Các kho trên chỉ có trách nhiệm lưu giữ nguồn của đơn vị mình, ngành mình, chưa tiến hành làm dịch vụ giữ nguồn. Các đơn vị sử dụng nguồn vẫn phải tự bảo vệ, lưu giữ nguồn đã hết hạn sử dụng của mình nếu không có được các hợp đồng về việc trả lại nguồn đã hết hạn sử dụng cho nước cung cấp nguồn. Các kho này không được thiết kế và xây dựng với mục đích quản lý chất thải phóng xạ dài hạn. Vì vậy tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh rất cao.

Ông Nguyễn Bá Tiến (Viện Công nghệ xạ hiếm) cũng cho biết: “Việc không có một cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia đã buộc các cơ sở có chất thải phóng xạ phải lưu giữ chất thải này trong các điều kiện không bảo đảm an toàn và an ninh”.

Bà Nguyễn Nữ Hoài Vi đã dẫn chứng: “Đa số các nước có chương trình điện hạt nhân như Anh, Canada, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản… những năm gần đây mới nhận thức được tầm quan trọng của việc có một cơ quan chịu trách nhiệm chung về quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu đã qua sử dụng và do đó đã thành lập một công ty chịu trách nhiệm riêng về vấn đề này”.

Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt là nơi phát sinh chất thải phóng xạ lớn nhất Việt Nam hiện nay. Hàng năm, Viện sinh ra khoảng 100-150m³ chất thải phóng xạ dạng lỏng, 3-5m³ chất thải phóng xạ dạng rắn và một số chất thải ở các dạng khác. Viện Công nghệ xạ hiếm là cơ sở thực hiện các hoạt động nghiên cứu công nghệ chế biến các loại quặng chứa urani và quặng đất hiếm.

Toàn bộ lượng chất thải phóng xạ sinh ra từ những năm 1980 đến nay khoảng trên 300 tấn chủ yếu là chất thải phóng xạ mức rất thấp được sinh ra từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất thử urani kỹ thuật và xử lý quặng mônazit. Một số ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, như khai thác và chế biến sa khoáng (Ilmenhit ven biển miền Trung), khai thác than (Nông Sơn – Quảng Nam) làm phát sinh một lượng đáng kể các chất phóng xạ tự nhiên. Tuy chúng có hoạt độ phóng xạ ban đầu rất thấp, nhưng do bị tác động của các hoạt động khai thác, chế biến đã làm tăng mức phóng xạ và dễ dàng phát tán vào môi trường.

Đây cũng là đối tượng cần được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra còn có chất thải phóng xạ trong lĩnh vực y tế, hoạt động công nghiệp và nghiên cứu khác.

Sắp tới chúng ta sẽ có nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, công tác quản lý chất thải phóng xạ lại càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Trước những thách thức đặt ra đối với việc đảm bảo quản lý an toàn chất thải phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho Công ty TNHH MTV Ứng dụng và Phát triển Công nghệ - NEAD chủ trì việc nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý chất thải phóng xạ cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.

Mục tiêu là đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn, nắm vững các công nghệ thiết yếu trong quản lý, xử lý chất thải vận hành nhà máy điện hạt nhân, quản lý an toàn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, đề xuất được mô hình một cơ sở quản lý và xử lý chất thải phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Các nhà khoa học tại hội nghị Pháp quy hạt nhân lần 2 đều thống nhất sẽ trình Chính phủ hoặc Quốc hội cho thành lập Công ty Quản lý chất thải phóng xạ Quốc gia thực hiện nhiệm vụ thu gom, quản lý, xử lý, lưu giữ và chôn cất chất thải phóng xạ của ngành năng lượng nguyên tử và các ngành kinh tế, kỹ thuật khác, tham gia công tác ứng phó các sự cố bức xạ.

Kim Ngân
.
.
.