Giải pháp hữu hiệu để 'nhổ' tận gốc tin nhắn rác

Thứ Bảy, 12/09/2015, 09:27
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa ban hành Thông tư 25/2015/TT-BTTTT quy định về quản lý và sử dụng kho số viễn thông. 

Theo đó, Bộ TT&TT sẽ trực tiếp phân bổ đầu số sim cho các công ty phát triển nội dung - một công việc trước đây được giao cho các doanh nghiệp viễn thông hay còn gọi là nhà mạng. Với quy định mới này, cơ quan quản lý Nhà nước về thông tin và truyền thông kỳ vọng sẽ “nhổ” được “tận gốc” tình trạng phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo gây bức xúc dư luận trong nhiều năm qua.

Điểm đáng chú ý của Thông tư 25 về quản lý kho số viễn thông do Bộ TT&TT vừa ban hành là đã quy định cụ thể và rõ ràng trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc quản lý và sử dụng kho số.

Đồng thời, minh bạch hóa quy trình, thủ tục trong công tác quản lý và sử dụng kho số; từ việc phân bổ, cấp, thu hồi, hoàn trả, thuê và cho thuê mã, số viễn thông. Đặc biệt là quy định mới về việc Bộ TT&TT sẽ trực tiếp phân bổ đầu số nhắn tin cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung. Đây được xem là một “bước tiến” mới trong công cuộc loại bỏ dần vấn nạn tin nhắn rác.

Thực tế cho thấy, từ trước đến nay, việc phân bổ các đầu số nhắn tin cho các doanh nghiệp nội dung đều thuộc thẩm quyền của các nhà mạng. Sự phụ thuộc này đã khiến các doanh nghiệp cung cấp nội dung thường phải rơi vào tình trạng “chiếu dưới” trong mối quan hệ với nhà mạng, gây ra bất bình đẳng mà điều dễ nhận thấy nhất là sự chênh lệch về tỷ lệ ăn chia. Dù là người trực tiếp làm nội dung nhưng doanh số thu được từ tin nhắn, các doanh nghiệp sản xuất nội dung lại phải chia nhiều hơn cho nhà mạng với tỷ lệ tối đa lên tới 45%-65%.

Và với nguồn lợi khổng lồ này, nhà mạng đã không làm hết trách nhiệm của mình trong việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, đặc biệt là việc thu hồi các đầu số vi phạm. Do vậy, với quy định mới tại Thông tư 25 là Bộ TT&TT sẽ trực tiếp cung cấp đầu số cho doanh nghiệp nội dung thì mối quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp nội dung và nhà mạng sẽ bình đẳng hơn, quyền lợi của nhà mạng sẽ ít đi nên trách nhiệm của nhà mạng trong việc ngăn chặn tin nhắn rác cũng sẽ được nâng cao hơn.

Ngoài ra, Thông tư 25 cũng quy định các đầu số tư vấn dịch vụ miễn phí (1800) và mất phí (1900) chỉ được tiếp nhận cuộc gọi đến; không sử dụng để gọi đi, để gửi và nhận tin nhắn. Quy định này xóa bỏ tình trạng lạm dụng trong sử dụng các đầu số 1800/1900 làm số dịch vụ tin nhắn để nhắn tin quảng cáo, nhắn tin lừa đảo, gọi điện tới các thuê bao di động để câu kéo người sử dụng gọi lại nhằm thu tiền với giá cao, gây ra rất nhiều bức xúc trong xã hội trong thời gian vừa qua.

Đề cập đến những điểm mới và đột phá trong quản lý kho số viễn thông so với những quy định trước đây, ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng: Thông tư 25 quy định cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp phân bổ đầu số nhắn tin cho các doanh nghiệp nội dung là một trong những quy định mới. Lâu nay các doanh nghiệp viễn thông di động tự cấp số cho các doanh nghiệp nội dung để làm số dịch vụ tin nhắn.

Do được hưởng lợi khi dịch vụ tin nhắn phát triển nên các doanh nghiệp viễn thông di động chưa thực sự tích cực ngăn chặn triệt để, thậm chí là dè dặt khi đưa ra quyết định thu hồi các đầu số nhắn tin vi phạm. Trong khi đó, do không trực tiếp phân bổ đầu số cho các doanh nghiệp nội dung nên cơ quan quản lý Nhà nước cũng gặp khó khăn hoặc mất nhiều thời gian để phát hiện các doanh nghiệp nội dung vi phạm và xử lý kịp thời.

Đây cũng là nguyên nhân khiến vấn nạn tin nhắn rác trong thời gian qua tuy đã được hạn chế, song vẫn chưa giải quyết được một cách căn bản và tận gốc.

Huyền Thanh
.
.
.