Giải mã tiếng cười

Chủ Nhật, 06/02/2005, 07:22

Có ai đó đã từng nói đại ý rằng, trong đời người, tiếng cười như một liều thuốc bổ. Cười được xem là một tác phong sinh học mà chỉ ở con người mới có. Trong khoảng lặng của nhịp sống hối hả, người ta vẫn không thôi tìm cách giải mã về bản chất và xuất xứ của tiếng cười.

Cười là sự kết hợp giữa biểu cảm nét mặt và biểu cảm âm thanh của con người. Cười có âm thanh và tần số riêng của nó, giúp phân biệt với các biểu cảm âm thanh khác như kêu, khóc và la hét.

Bản chất và xuất sứ của tiếng cười là đề tài mà các nhà khoa học đang cố giải thích. Ý nghĩa tiếng cười đã được các triết gia như Aristote, Kant, Darwin và các nhà phân tâm lý học như Freud, Jung đề cập đến.

Các nghiên cứu cho thấy cấu trúc của một tiếng cười được đặc trưng bởi một loạt nguyên âm như ha-ha-ha, ho-ho-ho. Mỗi tiếng cười, mỗi kiểu cười một khác, nhưng thường là lặp lại một chuỗi ngắn những âm giống nhau như ha-ha-ha, ho-ho-ho chứ không thể là ho-ha-ho-ha. Bạn hãy thử cười ha-ho-ha-ho và sẽ thấy nó mất tự nhiên và giả dối.

Tiếng  cười của nữ giới thường có tần số cao hơn tiếng cười của nam giới (khoảng 502 hertz so với 276 hertz). Sự khác biệt cơ bản này giúp chúng ta phân biệt được tiếng cười của nam giới hay nữ giới.

Chính các âm thanh và khoảng cách giữa chúng đã giúp chúng ta biết đó là tiếng cười. Nếu thu tiếng cười vào băng, rồi xóa bỏ các khoảng dừng để chỉ còn lại hahaha thay vì ha-ha-ha thì tiếng cười sẽ thành tiếng chửi hay quát tháo. Tiếng cười chỉ có thể là ha-ha-ha chứ không thể là haaa-haaa-haaa. Vì kéo dài một âm thanh sẽ làm cho tiếng cười không thật và mất tự nhiên. Nếu kéo dài thêm khoảng dừng ha—ha—ha thay vì ha-ha-ha cũng cho kết quả tương tự.

Đã từng có thời, người ta nhận thức tiếng cười là đặc trưng của con người, nhưng đến thời Darwin, người ta biết là loại khỉ hắc tinh tinh cũng phát ra những âm thanh như tiếng cười khi chúng chơi đùa với nhau. Tiếng cười của hắc tinh tinh và các loài khỉ lớn khác không giống tiếng cười của con người mà the thé và chát chúa hơn. Nguồn gây cười và biểu hiện nơi mặt của chúng cũng khác với con người. Vì vậy, có lẽ chỉ có các chuyên viên mới nhận biết được tiếng cười của hắc tinh tinh. Theo các nhà nhân chủng học thì con người bắt đầu phát triển tiếng cười từ khi tách rời khỏi phả hệ với hắc tinh tinh trong gia đình linh trưởng cách đây hơn 6 triệu năm.

Cười không chỉ là biểu hiện của cảm xúc đơn thuần mà còn là sản phẩm của cuộc sống cộng đồng có quan hệ tiếp xúc giữa người với người. Nếu loại bỏ các tác nhân kích thích khác khiến cho con người phải cười như báo chí, truyền hình, phim ảnh sang một bên thì con người khi sinh hoạt với đám đông vẫn cười nhiều hơn gấp 30 lần so với khi sống một mình. Con người thường cười khi nói chuyện với người khác nhiều hơn là khi tự nói với mình. Như vậy, cười là một... "nghiệp vụ" xã hội, thậm chí còn được xem là một cách để thông tin với nhau. Điều thú vị là phần lớn tiếng cười không xuất phát từ các câu chuyện vui có chủ ý mà xuất phát từ những câu nói hay hành động bất ngờ, mà nếu lặp lại thì chưa chắc đã gây cười. Như vậy môi trường có vai trò rất lớn trong việc kích thích cười. Một câu nói ở môi trường này có thể gây cười nhưng ở môi trường khác thì lại không.

Điều thú vị nữa là khán giả khi xem các buổi diễn hài lại ít khi cười giữa các câu nói của người diễn mà chỉ cười khi kết thúc câu nói dù tác động gây cười của nó rất lớn. Như vậy, đã có một quy luật chi phối tiếng cười của con người. Tức là cười phải đúng lúc và đúng chỗ. Phân tích của các nhà khoa học còn cho thấy, người nói cười nhiều hơn người nghe 46% cho dù chỉ là nhếch mép (trừ những danh hài có tập luyện kiểu kiềm chế tiếng cười). Điểm khác biệt giữa đàn ông và đàn bà là, đàn ông gây cười nhiều hơn (những nghệ sĩ hài phần đông là nam giới)  trong khi đàn bà lại cười nhiều hơn.

Năm 1962, một trận dịch cười đầu tiên trên thế giới đã xảy ra ở vùng Tanganjika ở Đông Phi, khi một nhóm học sinh từ 12 đến 17 tuổi thi nhau cười và lây sang các các cộng đồng dân cư xung quanh. Dịch cười nghiêm trọng đến nỗi chính quyền địa phương phải ra lệnh đóng cửa trường nhưng dịch cười vẫn kéo dài đến 6 tháng mới chấm dứt hẳn. Dịch cười ở Tanganjika là minh chứng điển hình cho sức mạnh khó cưỡng lại được của tiếng cười, một yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống của con người

Văn Hoà (theo Excelsior)
.
.
.