Ghép tạng ở Việt Nam: Hy vọng sống cho bệnh nhân hiểm nghèo

Chủ Nhật, 29/05/2011, 10:38
Tháng 5/2010, lần đầu tiên Bệnh viện Việt Đức tiến hành ghép gan, thận cho 7 bệnh nhân từ nguồn tạng của người chết não.

Theo nguyên tắc nghề nghiệp, các bác sỹ trong hội đồng xác định chết não và thực hiện ghép tạng hoàn toàn độc lập. Để có sự khởi đầu của công việc đầy tính nhân văn cao cả này, ngay từ năm 2008, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện đề tài cấp Nhà nước "Ghép tạng từ người cho chết não".

Luật Hiến mô, tạng được Quốc hội nước ta thông qua năm 2006 là hành lang pháp lý vững chắc để thực hiện ghép mô, ghép tạng. Nhưng do quan niệm, do chưa hiểu đúng về ý nghĩa của việc làm này nên nhiều thân nhân người chết não không đồng ý cho tạng. Việc thân nhân một thanh niên bị tai nạn giao thông đồng ý cho tạng vào tháng 5/2010 là "phát súng" đầu tiên và giúp 3 người mắc bệnh suy thận, ung thư gan được cứu sống. Việc anh mất đi nhưng giúp 3 người bệnh được chữa trị, 3 gia đình được xum vầy là món quà vô giá.

Cùng với sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông cũng như sự thay đổi nhận thức về cho tạng và ghép tạng, mọi người sẽ nhìn nhận vấn đề này trên cơ sở khoa học và nhân đạo. Chỉ có sự thay đổi về nhận thức mới giúp việc thiện nguyện hiến mô tạng được nhiều người thực hiện. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, để khuyến khích mọi người tham gia hiến mô tạng, ngoài tăng cường tuyên truyền, giáo dục, Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng, ví dụ như ưu đãi về khám chữa bệnh chẳng hạn.

Y học Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực ghép tạng, thời gian gần đây đang có những chuyển biến vượt bậc. Liên tục các ca ghép thận, ghép gan, ghép tim… được các bác sỹ ở các Bệnh viện Việt Đức, Quân y viện 103, Nhi Trung ương, 19-8… tiến hành thành công đã đem lại hy vọng lớn cho người bệnh. Sự sống - ai cũng mong đợi, nhất là người bệnh trọng. Vậy bệnh nhân nào mới đủ điều kiện ghép tạng? Chi phí phẫu thuật bao nhiêu? Hậu ghép tạng, người được ghép có trở lại cuộc sống như trước đây không?... là những vấn đề mà bài viết này chúng tôi đề cập.

Bệnh nhân nào được chỉ định ghép tạng?

Đó là những bệnh nhân bị suy gan, thận, tim; ung thư gan, thận… và các bệnh lý khác liên quan. Ngoài ra, còn có điều kiện tiên quyết khác nữa để tiến hành ghép tạng là nguồn tạng. Nếu không có được nguồn tạng có những chỉ số y khoa phù hợp với người bệnh thì không thể tiến hành ghép tạng được. Để biết rõ hơn về việc thực hiện kỹ thuật y khoa tiên tiến này, chúng tôi đã đến Bệnh viện 19-8, Bộ Công an - nơi đã tiến hành ghép thận cho gần 10 bệnh nhân.

Đại úy Nguyễn Văn Thăng, cán bộ Công an tỉnh Quảng Trị là một trong số những chiến sỹ Công an được ghép thận tại Bệnh viện 19-8. Đồng chí Thăng phát hiện bệnh khi đã suy thận mãn độ IIIa. Hơn một năm điều trị, tình trạng bệnh của anh lại tiến triển theo chiều hướng xấu, suy thận độ IV. Để duy trì sự sống, hàng tuần anh phải chạy thận nhân tạo 3 lần. Các bác sỹ đưa ra chỉ định, bệnh nhân Thăng cần ghép thận sớm để duy trì sự sống. Chị gái anh Thăng tình nguyện tặng em trai một quả thận của mình. Các bác sỹ Bệnh viện 19-8 sau đó đã tiến hành các xét nghiệm trước khi quyết định lấy thận của chị ghép cho đồng chí Thăng. Do là chị em cùng huyết thống nên giữa họ có sự đồng nhất về các chỉ số y khoa. Thế là ca ghép thận đồng hệ được tiến hành vào ngày 12/8/2010 bằng kỹ thuật nội soi.

Một ca ghép tạng ở Bệnh viện 19-8.

Ngày 13/12/2010, đồng chí Lục Nam Hương, cán bộ Trại giam Thanh Phong (Bộ Công an) được tiến hành ghép thận. Người cho thận là anh Lục Mạnh Thắng, anh trai đồng chí Hương. Ngoài bị suy thận, bệnh nhân Hương còn bị suy tim, huyết áp cao nên khi tiến hành ghép tạng, các bác sỹ đứng trước thử thách rất lớn. Trước tính mạng người bệnh, đội ngũ bác sỹ, kỹ thuật viên Bệnh viện 19-8 đã tiến hành ca lấy tạng - ghép tạng thành công.

Bác sỹ Sái Văn Đức cho biết, để tiến hành các ca ghép thận và tới đây là các ca ghép gan, ghép tim… ngoài chuẩn bị về cơ sở vật chất, Ban Giám đốc bệnh viện rất quan tâm đến việc đào tạo về con người. Hiện nay, bệnh viện có đội ngũ chuyên gia ngoại khoa được đào tạo ở các trung tâm ghép tạng lớn trong nước và nước ngoài.

"Chúng tôi có một ê kíp tâm huyết được đào tạo bài bản về ghép tạng. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng để việc ghép tạng được tiến hành và ngày càng nhiều người bệnh được sử dụng kỹ thuật y khoa tiên tiến này. Chúng tôi hiện đang mở rộng đối tượng phục vụ, đó là những người bệnh nhân dân nói chung chứ không riêng gì người bệnh là chiến sỹ Công an được ghép tạng", bác sỹ Đức nói. Nói về tính pháp lý của việc lấy tạng, ghép tạng, bác sỹ Đức cho rằng hiện nay, hệ thống văn bản pháp quy đủ hoàn chỉnh để việc này được thực hiện thuận lợi.

Như vậy là đã rõ câu trả lời, người bệnh nào được ghép tạng và cần những điều kiện vật chất, kỹ thuật, con người như thế nào. Ngoài ra trong thực tế, có những loại ghép tạng mà người sống không thể cho tặng được, ví dụ như ghép tim. Thế nên, người được ghép tim là người nằm trong con số của những người rất may mắn.

Trường hợp ông X., ở Hải Phòng ghép tim hồi đầu tháng 4 là một ví dụ. Ông X. bị suy tim nặng, nguy cơ đột tử cao và là một trong số 21 bệnh nhân cần phải ghép tim trong danh sách của Bệnh viện Việt Đức. May mắn mỉm cười với ông khi thân nhân một người bệnh bị tai nạn còn rất trẻ được hội đồng khoa xác định đã chết não đồng ý hiến tạng. Để sử dụng quả tim còn tràn đầy sức trẻ nhằm cứu người, các bác sỹ ở Khoa Phẫu thuật tim mạch, lồng ngực đã tìm trong danh sách các bệnh nhân suy tim mà mình theo dõi thì thấy ông X. có cùng nhóm máu B giống với người hiến tạng. Ngay lập tức, ông X. được đưa lên bệnh viện làm các xét nghiệm để tiến hành cuộc đại phẫu thuật.

Ca phẫu thuật thành công trong sự vui mừng của bệnh nhân, gia đình và sự hoan hỉ của các thầy thuốc. Trái tim chàng trai trẻ tiếp tục đập trong lồng ngực ông X và chúng tôi tin chắc rằng những người thân của anh đã làm một việc rất đúng đắn khi để con tim ấy tiếp tục sống dù phải chia xa anh mãi mãi.

Nêu trường hợp của ông X để thấy rằng, có nguồn tạng và các bệnh viện theo dõi tốt tình trạng người bệnh là cầu nối để cái chết bắt đầu sự sống. Và đây cũng là một trong những nội dung của câu trả lời, người bệnh nào được ghép tạng.

Nghĩ đúng về cho tạng và ghép tạng

Gần 10 ca ghép thận mà Bệnh viện 19-8 đã thực hiện đều là ghép tạng đồng hệ. Nghĩa là, người nhận tạng và cho tạng có quan hệ thân thích như anh chị em, bố mẹ, con chú, con bác… Con số này sẽ nhiều hơn nếu như có nguồn tạng từ người cho chết não. Tại Bệnh viện Việt Đức thời gian gần đây liên tục có các ca ghép tạng được tiến hành từ người cho chết não. Đây là dấu hiệu vui không chỉ cho những người bệnh có chỉ định ghép tạng mà còn cho các bác sỹ, kỹ thuật viên bởi lấy tạng từ nguồn này sẽ đem lại sự sống khỏe mạnh cho nhiều người bệnh.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, hiện ở nước ta có khoảng 10.000 người bệnh có chỉ định ghép thận, khoảng 1.000 bệnh nhân khác có chỉ định ghép tim, gan. Nếu được ghép thận, ghép tim, ghép gan… cơ hội sống cho những người bệnh suy thận, suy gan, ung thư gan… nắm chắc trong tầm tay. Vấn đề là ai cho tạng, sử dụng nguồn tạng nào để tiến hành ghép một cách hữu ích và thuận lợi nhất.

Cũng tại Bệnh viện Việt Đức mỗi năm có khoảng 1.500 bệnh nhân tử vong do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, trong số đó có khoảng 50% bệnh nhân chết não. Đến đây, chúng tôi thấy cần phải chuyển tải đến bạn đọc sơ qua khái niệm về chết não. Một người được xác định là chết não khi: Chấn thương sọ não hoặc tai biến mạch máu não; hôn mê sâu, thang điểm G 3 điểm và dưới 3 điểm, mất hết phản xạ sống như ho, nuốt… Ngoài ra, còn phải xác định tối thiểu một trong các điều kiện: chụp mạch não, đo điện não đồ có kết quả là một đường thẳng; bỏ ống thở, bệnh nhân ngừng thở, ngừng tim thì mới xác định chết não. Xác định việc chết não phải do hội đồng gồm các bác sỹ hồi sức, thần kinh, pháp y.

Như vậy, có thể hiểu nôm na rằng, người được xác định là chết não là người không thể phục hồi sự sống cho bản thân nhưng các tạng, mô vẫn sống. Bằng các phương tiện, kỹ thuật y khoa tiên tiến sẽ tiến hành lấy các mô, tạng của người chết não để ghép cho những người bệnh có chỉ định ghép.

Người được xác định chết não đương nhiên không thể quyết định việc hiến hay không hiến tạng của mình. Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào thân nhân của người chết não. Quan niệm chết phải toàn vẹn thân xác khiến nhiều người không đồng ý cho tạng người thân của mình. Đây cũng là lý do khiến nguồn tạng từ người chết não rất nhiều song lấy nó để ghép cho người bệnh lại không dễ dàng gì. Danh sách người bệnh cần ghép tạng thì lớn, có những người không đợi được cơ may có người cho tạng. Cần phải để cả cộng đồng xã hội có cái nhìn đúng đắn, cởi mở về vấn đề hiến tạng thì "nghịch lý" này mới được tháo gỡ và cái chết mới thực sự hồi sinh sự sống nhờ can thiệp y khoa.

Hành lang pháp lý thông thoáng, cơ sở vật chất đầy đủ, trình độ chuyên môn của các thầy thuốc đáp ứng... là cơ sở quan trọng để việc ghép tạng được thực hiện. Sẽ nhiều người bệnh được cứu sống và sống tốt hơn nếu như cộng đồng xã hội có cái nhìn đúng đắn về cho tạng và ghép tạng. Sự sống bắt đầu từ cái chết, chẳng phải đó là sự kỳ diệu mà khoa học ngày nay đã làm được sao. Sẽ chẳng có gì có ý nghĩa tốt đẹp hơn nếu chẳng may phải xa rời cõi trần nhưng một phần thân thể mình vẫn sống trong người khác. Việc thành lập tổ chức đăng ký, quản lý người tình nguyện hiến mô tạng và nhân rộng ra khắp xã hội cũng là cách để biến nó thành phong trào nhân đạo được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng.

Theo bác sỹ Sái Văn Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện 19-8, các bệnh nhân được ghép thận đều là những chiến sỹ CAND bị suy thận nặng, điều trị nội khoa bằng chạy thận nhân tạo nhiều lần nhưng không được và họ chính là những người bệnh có chỉ định ghép thận của bác sỹ. Do đặc thù là bệnh viện của ngành, thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho CBCS CAND nên Bệnh viện 19-8 là nơi phát hiện, điều trị, theo dõi tình trạng bệnh lý của người bệnh. Trong quá trình điều trị, các bác sỹ theo dõi diễn biến bệnh và đưa ra những chỉ định y khoa.

Năm 2008, sau ca ghép thận đầu tiên, Bệnh viện 19-8 tiếp tục áp dụng kỹ thuật này vào việc điều trị cho các bệnh nhân bị suy thận, vỡ thận và các bệnh lý về thận khác. Điều đáng mừng 100% bệnh nhân ghép thận là chiến sỹ CAND đều được miễn phí phẫu thuật và hỗ trợ một phần thuốc điều trị sau ghép. Đây là điều kiện quan trọng để người bệnh có thể ghép thận bởi chi phí cho một ca phẫu thuật này rất lớn, khoảng 500 triệu đồng

Cao Hồng
.
.
.