Gặp người chế tạo tàu ngầm Trường Sa

Thứ Sáu, 15/05/2015, 08:57
Người ta quen gọi anh là “ông Hoà tàu ngầm”. Cũng đúng thôi, suốt năm 2014, dư luận râm ran về câu chuyện tàu ngầm Trường Sa 1, rồi cả những tranh luận ì xèo của giới khoa học về khả năng chế tạo tàu ngầm của Việt Nam. Tự bỏ tiền túi nhiều tỉ đồng để chế tạo tàu Trường Sa 1, anh chỉ tâm niệm “nếu thành công thì đóng góp nhỏ cho đất nước, nếu thất bại thì tôi chỉ mất tiền của mình”. Anh là Nguyễn Quốc Hoà – Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Quốc Hoà (Thái Bình), người vừa được Bộ Khoa học – Công nghệ vinh danh nhà sáng chế không chuyên tiêu biểu năm 2015.

Nói về ý tưởng thiết kế tàu ngầm Trường Sa 1, anh bảo “Việt Nam là quốc gia biển. Chúng ta khai thác trên mặt nước quá nhiều rồi nhưng ở dưới đáy biển thì chưa có ai nghiên cứu sâu về nó vì không có nhiều thiết bị. Bởi vậy tôi đã nghĩ, chúng ta phải chế tạo những con tàu ngầm để có thể phục vụ nghiên cứu đáy biển, qua đó phục vụ phát triển kinh tế, thậm chí phục vụ việc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”.

Anh Nguyễn Quốc Hoà tại lễ vinh danh nhà sáng chế không chuyên tiêu biểu.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng, anh gặp không ít khó khăn. Trước tiên là khó khăn về vốn bởi chi phí chế tạo tàu ngầm là con số rất lớn. “Con tàu lặn Hoà Bình do Vinashin chế tạo đã tiêu tốn 28 tỉ đồng. Chi phí cho tàu ngầm Trường Sa cũng là con số không hề nhỏ. Chúng tôi cũng có nhiều nguồn để huy động vào việc chế tạo tàu ngầm nhưng cũng phải cân đối, tính toán kĩ lưỡng vì còn phải dành vốn cho việc chế tạo các sản phẩm khác nữa”- anh nói.

Thêm vào đó, thời điểm ấy, ở Việt Nam chưa có ai chế tạo tàu ngầm, nên anh phải tự lên mạng mày mò, tìm hiểu rồi làm theo. Chính quyền địa phương cũng không có sự hỗ trợ nào. “Tôi có trao đổi ý tưởng với Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Thái Bình nhưng 100% đều hoài nghi và coi đó là ý tưởng điên rồ."

Tàu ngầm Trường Sa trong lần thử nghiệm tại biển Diêm Điền.

Theo như lời anh, điều khó khăn nhất trong chế tạo tàu ngầm chính là việc định hướng và dẫn đường cho con tàu. Để tàu có thể hoạt động dưới nước lâu thì đã có sẵn những công nghệ, chỉ cần áp dụng của thế giới. Tàu ngầm Trường Sa 1 sử dụng công nghệ khí tuần hoàn độc lập. Với công nghệ này thì động cơ diesel có thể nổ máy được ở dưới nước, không cần phải nổi lên trên mặt nước để lấy không khí. Theo tính toán, tàu ngầm Trường Sa 1 có thể lặn sâu 50m với thời gian lặn 15 giờ, tốc độ trung bình đạt 20 hải lí/giờ.

Ngày 30/5/2014, tại bến của nhà máy đóng tàu Đại Dương (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), tàu ngầm Trường Sa 1 đã được đưa xuống biển thử nghiệm. Chính anh là người trực tiếp điều khiển tàu. Tuy có chút trục trặc kĩ thuật nhỏ nhưng về cơ bản, tàu ngầm Trường Sa 1 đã có những thành công bước đầu.

“Sau lần thử nghiệm đầu tiên này, chúng tôi đã khắc phục những sai sót, hoàn thiện hơn con tàu để sẵn sàng cho lần thử nghiệm tiếp theo. Hiện tại, chúng tôi đã làm việc với Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân về kế hoạch thử nghiệm tàu Trường Sa 1 một cách chính thức. Thời gian và địa điểm cụ thể vẫn chưa được ấn định” – anh nói.

Nói về những nhà sáng chế không chuyên giống như mình, anh bảo, Việt Nam có rất nhiều người tài mà sáng kiến của họ xuất phát từ thực tiễn lao động, sản xuất. Tuy nhiên, để những nhà sáng chế không chuyên này có thể phát huy được khả năng của mình thì rất cần sự trợ giúp của cơ quan quản lí Nhà nước thông qua cơ chế tạo nguồn vốn.

“Nguồn kinh phí ban đầu để nghiên cứu chế tạo rất tốn kém, với nhiều người có khi phải bán cả nhà đi mới đủ tiền. Nếu được hỗ trợ nhiều hơn về nguồn vốn thì Việt Nam sẽ có thêm nhiều nhà sáng chế không chuyên với nhiều sản phẩm máy móc tốt hơn” – anh bày tỏ.

Khánh Vy
.
.
.