Em bé ra đời từ tinh trùng được giữ lạnh 22 năm

Thứ Tư, 13/05/2009, 16:49
Bé Stella đã trở thành cô bé đầu tiên trên thế giới ra đời từ tinh trùng của người bố đã được lưu giữ từ năm 1986 bằng phương pháp giữ đông lạnh. Theo các nhà khoa học, sự thành công của phương pháp này đã mở ra một hướng đi mới cho y học trong việc điều trị chứng vô sinh ở con người.

Cha của em bé là ông Chris Bilis - một bệnh nhân bị mắc bệnh bạch cầu trong suốt 22 năm qua.

Khi Bilis mới 16 tuổi, các bác sĩ điều trị cho Bilis nhận định rằng bệnh tình của bệnh nhân đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và cần phải dùng đến phương pháp xạ trị. Tuy nhiên, trước khi áp dụng phương pháp này, các bác sĩ đã tính trước đến những tác hại mà hóa chất có thể gây ra cho cơ thể bệnh nhân. Do đó, tinh trùng của bệnh nhân đã được lấy và lưu giữ trong ống nghiệm bằng phương pháp giữ đông lạnh, phòng trường hợp cần phải dùng tới sau này.

Sau 22 năm, ông Bilis hiện đã 38 tuổi và không thể sinh con theo phương pháp thụ tinh tự nhiên. Bằng cách sử dụng tinh trùng được giữ đông lạnh của Bilis, các nhà khoa học tại Bệnh viện Nam Carolina - Mỹ đã tiến hành việc thụ tinh nhân tạo cho vợ của Bilis - cô Melodie. Toàn bộ quá trình được tiến hành trong ống nghiệm tại phòng thí nghiệm. Sau đó  trứng đã được thụ tinh này được đem cấy trở lại tử cung của người mẹ. Kết quả thật đáng ngạc nhiên khi phương pháp này đã mang lại thành công với sự ra đời của cô bé Stella.

Bé Stella đã trở thành cô bé đầu tiên trên thế giới ra đời từ tinh trùng của người bố đã được lưu giữ từ năm 1986 bằng phương pháp giữ đông lạnh. Theo các nhà khoa học, sự thành công của phương pháp này đã mở ra một hướng đi mới cho y học trong việc điều trị chứng vô sinh ở con người.

Song, tất nhiên, sự ra đời của bé Stella không thể không kể tới thành tựu khoa học trong việc tìm ra phương pháp thụ thai nhân tạo bằng cách đưa tinh trùng vào tế bào trứng, có tên gọi ICSI (intracytoplasmic sperm injection). Trong số tinh trùng mà các bác sĩ đã lưu giữ lại bằng phương pháp giữ đông lạnh, chỉ có khoảng 35% lượng tinh trùng của bệnh nhân Bilis còn sống sót và có khả năng thụ tinh cho trứng.

Sự thành công của thụ thai bằng tinh trùng được giữ đông lạnh đã mở ra cho giới khoa học những hướng nghiên cứu mới trong việc điều trị các căn bệnh hiểm nghèo khác. Chứng bệnh đầu tiên được tính đến là các chứng bệnh như ung thư, các bệnh buộc phải điều trị bằng hóa chất có tính chất độc hại... Ngoài ra, người ta cũng tính đến việc: phương pháp này có thể được dùng để thụ thai cho những người vợ ngay cả khi người chồng không may qua đời.

Hiện, các nhà khoa học Mỹ đang tiếp tục tiến hành các nghiên cứu liên quan nhằm sớm đưa phương pháp này ứng dụng rộng rãi trong các bệnh viện trên khắp thế giới

Minh Ngọc (theo The Times) - ANTG 856
.
.
.