Dựng lại tội ác để diệt trừ cái ác

Chủ Nhật, 04/09/2005, 06:10

Việc "dựng lại mô hình" thủ phạm của các giám định viên pháp y của lực lượng công an, mà các cơ quan tố tụng gọi là giám định cơ chế hình thành thương tích, đã giúp Cơ quan điều tra xác định đúng tội trạng của 2 trùm xã hội đen: Khánh “trắng” và Lai Em.

Năm 1991, ở Hà Nội có một vụ giết người do Dương Văn Khánh (Khánh “trắng”) cầm đầu, thực hiện. Sự việc xảy ra khoảng 12h30 ngày 24/3/1991.

Nguyễn Đức Thắng (tức Đạt) trong băng buôn bán mũ cối giả ở chợ Đồng Xuân xích mích với Trần Đại Dương, đàn em của Khánh “trắng”. Khi Khánh “trắng” cùng các đàn em Trần Đại Dương, Vũ Quốc Dũng, Phạm Gia Chiến, Tống Văn Thắng đi ngang số nhà 44 Hàng Chiếu thì gặp Hưng, anh ruột Đạt. Khánh “trắng” hô đàn em bắt Hưng. Hưng chống cự, bị cả bọn quây lại đánh hội đồng.

Biết anh đang bị đánh, Đạt cướp dao thái thịt của chị Hoa ở đường Nguyễn Thiện Thuật chạy đến đâm Chiến và Dũng bị thương. Đạt bị băng Khánh “trắng” bắt đưa lên xích lô, nhưng khi đến Công an phường Đồng Xuân thì Đạt đã chết... Nguyên nhân chết của Đạt được pháp y Công an Tp. Hà Nội xác định do nhát đâm vào cổ xuyên thấu phổi, mất máu... Dũng bị phạt 1 năm tù giam.

Sau này, ngày 28/1/1996, Ủy ban thẩm phán TAND tối cao xét xử tái thẩm vụ án đã hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm năm 1991 bằng Quyết định 55/UBPT vì lý do Vũ Quốc Dũng không có hành vi giết người...

Cơ quan CSĐT Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) xác định Dương Văn Khánh dàn dựng có bài bản để Dũng “phở” chỉ phải chịu mức án nhẹ nhất. Qua lời khai của Dũng “phở”, Trần Đại Dương, Tống Văn Thắng và các nhân chứng khác, Cơ quan điều tra biết rằng các nhát đâm trên người Đạt đều do một mình Khánh “trắng” thực hiện bằng chính con dao mà Đạt cướp của chị Hoa.

Những chứng cứ do các giám định viên cung cấp đã buộc Khánh "trắng" (x) phải nhận tội.

Tuy vậy muốn buộc tội Dương Văn Khánh, dựa trên cơ sở khoa học về dấu vết và thương tích, Cơ quan CSĐT - Bộ Nội vụ phải xác định được cơ chế hình thành thương tích, cụ thể là loại hung khí nào đã tạo ra các vết thương trên cơ thể nạn nhân Đạt; ở vị trí đối mặt nhau như Dũng “phở” đã cung khai năm 1991, nếu Dũng đâm Đạt, vị trí và đặc biệt là chiều hướng các vết đâm có phù hợp hay không? Mặt khác với tương quan vị trí Đạt ngồi trong thùng, Khánh “trắng” ngồi trên thành xích lô, nếu Khánh đâm Đạt, vị trí và chiều hướng các vết đâm có logic không? Làm sáng tỏ các tình tiết này đồng nghĩa với việc khẳng định ai là kẻ giết người.

Nghiên cứu bản giám định pháp y và bản ảnh hưởng thương tích năm 1991, các giám định viên pháp y chú ý đến trên người nạn nhân có 3 vết đâm. 2 vết ở lưng trái và đùi phải không nguy hiểm tính mạng.

Vết ở cổ phải sâu thấu phổi, làm mất nhiều máu là vết chí mạng, có hướng đâm từ sau ra trước. Khi đối diện nhau dù cầm dao kiểu gì, mũi đều hướng vào ngực ra sau lưng nạn nhân. Muốn có vết đâm hướng từ lưng ra ngực nạn nhân là hoàn toàn không thuận, vì mũi dao phải hướng ngược vào lòng người cầm dao, động tác đâm này không đủ lực mạnh để vết thương có thể sâu thấu phổi.

Đặc biệt, đối mặt nhau không thể đâm vào lưng nhau. Chỉ nghiên cứu giám định dựa trên hồ sơ tài liệu do Cơ quan Điều tra cung cấp đã loại bỏ hoàn toàn khách quan lời khai Dũng “phở” đâm Đạt khi đối mặt anh ta... Vị trí các vết đâm ở lưng và cổ bên phải Đạt cho phép khẳng định thủ phạm phải ở phía sau hoặc ngang hàng với nạn nhân... Các giám định viên pháp y đã chứng minh những khẳng định của mình và những nội dung giám định khác (đã nói ở trên) bằng thực nghiệm theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT - Bộ Nội vụ.

Việc thực nghiệm cần sự giúp đỡ của 3 người có chiều cao bằng Dương Văn Khánh, Vũ Quốc Dũng và nạn nhân... phải có dao cùng loại mà thủ phạm sử dụng, xích lô loại tương tự chở Đạt, còng số 8 kiểu Mỹ. Con dao tang vật đã được hủy theo đúng luật sau khi Dũng “phở” thụ án xong. Nhưng rất may sau 6 năm ở Hà Nội vẫn còn bán nhiều dao cùng chủng loại. Đặc biệt phải làm một hình nhân rất công phu có “phần mềm” tương tự da cơ của người, với tư thế ngồi trên xích lô hai chân bị còng.

Khi thực nghiệm, các kiểu cầm dao, các tư thế đâm và chiều hướng đâm khác nhau ở các vị trí phải, trái, trước, sau giữa thủ phạm và nạn nhân đều được lần lượt tiến hành, kể cả đâm giả định vào người đóng vai nạn nhân cũng như đâm thật vào hình nhân và động vật thực nghiệm. Diễn biến các tình huống đều được ghi biên bản chi tiết, chụp ảnh, quay camera...

Kết quả, thực nghiệm đã khẳng định những kết luận chính xác của các giám định viên pháp y: Vũ Quốc Dũng không thể tạo ra các thương tích mà bản giám định pháp y năm 1991 đã mô tả khi Dũng đối mặt với Đạt. Người ngồi trên thành xích lô hoàn toàn gây ra được các thương tích đó, mà tài liệu điều tra đã khẳng định được không ai khác ngoài Dương Văn Khánh!

Nếu như Khánh “trắng” lỳ lợm không khai nhận hành vi cầm dao đâm Đạt, thì Châu Phát Lai Em, tên dao búa khét tiếng trong băng nhóm Năm Cam lại “rất nhiều lời” khi khai đến 4 bản cung không giống nhau về hành vi đâm chết Đổng Chí Nam.

Do mâu thuẫn lâu ngày từ việc tranh giành lãnh địa làm ăn ở chợ cá Cầu Ông Lãnh. Ngày 26/4/1987, Lai Em đâm chết Nam tại ngã ba đường Chương Dương - Ký Con, quận 1, Tp.HCM. Hắn vứt dao tại hiện trường, trốn xuống Vũng Tàu, rồi trở lại đầu thú tại Cơ quan Công an Tp.HCM. Việc đầu thú này chắc chắn có sự chỉ đạo của bọn cầm đầu để che chắn cho băng đảng và tìm cách giảm nhẹ nhất tội lỗi.--PageBreak--

Khi Chuyên án Năm Cam khởi sự, việc giết Đổng Chí Nam được phục hồi điều tra, cần phải giám định cơ chế hình thành thương tích thì không có con dao gây án, không có cả bản giám định pháp y, bản ảnh, biên bản khám nghiệm hiện trường và tử thi, không một lời khai nhân chứng chỉ có biên bản hỏi cung bị can (Lai Em), do Nguyễn Minh Tuân là một cán bộ thoái hóa biến chất thực hiện.

Đây là biên bản viết tay, không đề ngày tháng năm, không có tên người ủy quyền (cho Nguyễn Minh Tuân) và không có chữ ký của bị can. May mắn là Cơ quan Điều tra tìm lại được biên bản giám định từ bác sĩ - giám định viên của Tổ chức Giám định pháp y, Sở Y tế Tp.HCM.

Nhờ đó, Cơ quan điều tra xác định được Đổng Chí Nam bị 3 nhát dao đâm ở bụng bên trái ngang rốn; ở nách trái khoang liên sườn 6-7 và ở nách sau trái. Nạn nhân chết vì mất máu do thủng tim, rách phổi, thủng dạ dày.

Tại bản cung năm 1987 do Tuân lập. Lai Em khai hắn cướp được dao của người bán hàng bên lề đường, Nam ôm cổ hắn vật lộn nên hắn đâm 2 nhát “hình như” trúng bụng và lưng. Nam vẫn ôm hắn (sau 2 nhát đâm chí mạng?) nên hắn “quơ tiếp một nhát nữa” vào người Nam “hình như” trúng nách.

Các chuyên gia pháp y - Viện KHKT hình sự đang giám định ADN.

Các giám định viên “vào cuộc”.

Vô lý đầu tiên được khẳng định là: Nạn nhân nằm đè lên, bóp cổ hắn khi hắn đang nằm ngửa, hắn không thể đâm vào khoang liên sườn 6-7 trên đường nách (biên bản pháp y viết là vùng nách trái khoang liên sườn 6-7, không chính xác về vị trí giải phẫu - TG) và vùng nách sau (phía lưng) với vết thương rất sâu, thấu tim, phổi, dạ dày, vì vướng mặt đường, tay hắn không vung được, làm gì có đà để đâm mạnh.

Thực nghiệm rộng ra khi ôm nhau vật lộn cũng không thể đâm được vào  những vùng này, càng không thể đâm vào bụng nạn nhân! Lai Em khai rằng, Đổng Chí Nam (tầm vóc to lớn) cầm thanh sắt dài 60-70cm, đường kính 2cm đè lên cổ hắn ở tư thế nằm ngửa, thì hắn chỉ còn có nước chết ngạt sau ít phút. Trong tình huống như vậy, đối phương không dại gì lại chuyển sang dùng tay trái để bóp cổ hắn, khi mà bóp cổ bằng hai tay chưa chắc đã giết được một thanh niên 29 tuổi, to khỏe như hắn.

Vô lý nhất và cũng là căn cứ vững như bàn thạch để bác bỏ lời khai của Lai Em là: Hắn đâm Nam bằng tay trái khi nằm úp mặt vào nhau. ở tương quan đối diện (kể cả khi Nam ngồi trên bụng hắn, hoặc đứng đối mặt cách nhau một khoảng ngắn) ai cũng dễ dàng nhận ra rằng, muốn đâm vào nách và lưng trái nạn nhân hắn phải cầm dao tay phải vì khi đối mặt, các phần cơ thể đối chiếu lệch nhau: phải với trái và ngược lại. Làm sao hắn đâm vào nách và  lưng trái nạn nhân bằng dao ở tay trái được?

Tình cờ có được hung khí là lời khai quen thuộc của bọn côn đồ để giảm nhẹ tội, với Châu Phát Lai Em cũng không ngoại lệ, lúc hắn khai cướp dao của người bán hàng, lúc lại “quơ được dao” của Nam. Không thể khác được rằng, hắn được “đạo diễn” dàn dựng lời khai để giảm tội, từ tình tiết hung khí cho đến vị trí đâm không chính xác trên cơ thể nạn nhân, để tỏ ra phạm tội khi tinh thần hoảng loạn. Khổ nỗi, chỉ là “hình như” nhưng các vết thương của nạn nhân đều có vị trí đúng như lời khai. Vì thế, phải chăng đạo diễn tồi hay quy luật vật chất là không thể đảo ngược.

Mô hình tội ác của Lai Em được dựng lên là: dao đã thủ sẵn trong người, mặc dù có vũ khí trong tay, nhưng một thoáng sơ suất, nạn nhân bị hắn đâm một nhát thấu bụng, đau đớn ngồi thụp xuống hai tay ôm bụng, vặn người để hở sườn trái, thuận đà hắn đâm liên tiếp 2 nhát vào vùng nách sau trái và khoang liên sườn 6-7 trái

Trần Lưu
.
.
.