Định vị não của thiện và ác

Thứ Ba, 27/11/2007, 11:20
Con người là loài khôn ngoan nhất, cao quý nhất, nguyên tắc nhất và cũng là loài thấp hèn nhất, độc ác nhất và khát máu nhất hành tinh. Những nghiên cứu gần đây hé lộ tại sao thế giới lại có kẻ ác, người thiện. Điều làm con người khác biệt với các loài động vật khác là đạo đức, cảm giác cấp cao, sự thấu hiểu về cái tốt và xấu, đúng và sai, hiểu được ý nghĩa của nỗi đau riêng và cảm nhận nỗi đau của người khác.

“Tinh tinh có đạo đức”

Yếu tố nền tảng hình thành nên đạo đức là sự thấu cảm, là việc hiểu rằng cái gì làm tôi đau cũng sẽ làm anh đau. Các nhà hành vi học thường quy thấu cảm là “hành động vị tha tương hỗ”. Một việc tốt làm hôm nay như cho người khác thức ăn hay che chở ai sẽ giúp người ta nhận được phúc lành trong tương lai. Nếu một bầy đàn động vật vận dụng tốt quy luật cho và nhận này chúng sẽ phát triển mạnh mẽ.

Từ đầu thế kỷ 20, nhà nghiên cứu người Nga Nadia Kohts nghiên cứu sự nhận thức của tinh tinh. Khi muốn con tinh tinh leo xuống mái nhà, các biện pháp như gọi, la mắng, kêu dụ bằng thức ăn hiếm khi có tác dụng, nhưng nếu Kohts ngồi xuống giả vờ khóc, con tinh tinh lập tức rời khỏi mái nhà và đến chỗ bà. "Nó chạy vòng quanh tôi như thể tìm kiếm người đã làm tôi khóc, và nó nhẹ nhàng lấy tay nâng cằm tôi như thể để cố hiểu điều gì đang xảy ra”, Kohts viết.

Năm 1996 con tinh tinh Binta Jua đã cứu một cậu bé 3 tuổi bất ngờ ngã vào chuồng của nó. Binta Jua bồng đứa bé vỗ về rồi đưa đứa bé ra cửa chuồng trao cho người nuôi thú. “Sự thấu cảm có nhiều mức độ. Chúng ta có cùng gốc thấu cảm với nhiều loại động vật”, nhà nghiên cứu Frans de Waal của đại học Emory, tác giả quyển Con tinh tinh trong chúng ta, cho biết.

Lúc đầu con người tự phụ rằng con người là động vật biết nói duy nhất. Sau đó, khoa học chứng minh tinh tinh biết sử dụng thành thạo ngôn ngữ tín hiệu. Rồi thì con người cho rằng mình là sinh vật biết sử dụng công cụ. Nhưng thực tế rái cá biết dùng đá đập nát vỏ các động vật thân mềm, tinh tinh tước lá các cành cây và sử dụng chúng để bắt mồi.

Marc Hauser, giáo sư tâm lý đại học Harvard và tác giả cuốn Tinh thần đạo đức trích dẫn một nghiên cứu theo dõi phản ứng não của các cặp vợ chồng và các cặp sống chung nhưng chưa cưới nhau bằng máy quét cộng hưởng từ fMRI.

Các nhà khoa học ghi nhận được là mặc dù không thấy người thân của mình nhưng não của những người không bị kích đau vẫn có phản ứng lo sợ nhẹ giống như là chính họ đang phải chịu đau. “Đó đúng là cảm giác tôi cảm thấy nỗi đau của bạn”, Hauser cho biết. Não sẽ phản ứng phức tạp hơn khi các mối đe doạ phức tạp hơn. Một đề tài mà các nhà nghiên cứu đạo đức quan tâm là “Quyết định trước tình thế tiến thoái lưỡng nan”.

Bạn đang đứng gần một đường ray khi một chiếc xe lửa mất điều khiển lao về phía một nhóm 5 người khác. Có một công tắc gần đó cho phép bạn chuyển hướng xe lửa. Dĩ nhiên bạn sẽ cứu 5 người kia bằng bất cứ giá nào. Nhưng nếu có một người đang đứng trên đường ray chuyển hướng thì sẽ thế nào? Bạn có thể giết một người để cứu 5 người kia hay không? Còn nếu như đẩy một người trên xe trượt ở trên cầu để cứu 5 người thì sao?

Diễn cảnh này cho một người xem trong khi chụp ảnh não họ, người ta thu được ảnh fMRI rối loạn. Việc dùng một công tắc để chuyển hướng xe lửa về phía một người thay vì 5 người sẽ làm tăng hoạt động một bên của vùng não trước trán, nơi đảm nhận các lựa chọn lạnh lùng, thực tế. Những việc phức tạp như đẩy người trên xe trượt để cứu 5 người sẽ làm hoạt động phần giữa của vùng vỏ não trước trán, khu vực phụ trách các hành vi tình cảm.

Khi hai vùng não này xung đột, chúng ta sẽ có những hành động bất hợp lý. 85% những người được hỏi cho biết họ sẽ không đẩy người trên xe trượt xuống đường ray, dù họ biết rằng việc không đẩy người này xuống đường ray sẽ khiến 5 người kia chết.

Nguồn gốc của lòng tốt

Được trang bị các chương trình đạo đức không có nghĩa là chúng ta có thể có các hành vi đạo đức. Đó chính là những người ở quanh ta sẽ dạy cho ta về điều hay lẽ phải.

Tại sở thú Arnhem Zoo ở Hà Lan, de Waal khá ấn tượng về sự mãnh liệt trong việc thực thi các nguyên tắc của các con tinh tinh ở đây vào một đêm nọ, khi những người trông coi sở thú kêu chúng đến ăn tối.

Nguyên tắc của những người làm việc ở Arnhem là không con tinh tinh nào được ăn cho đến khi toàn bộ tinh tinh có mặt đông đủ. Nhưng vào đêm đó, có hai con tinh tinh con rất ngoan cố, không chịu vào nhà ăn. Các con tinh tinh trong đàn rất cáu gắt vì đói. Đêm đó, những người trông sở thú cho hai con tinh tinh ngoan cố này ngủ ở một khu riêng biệt, để bảo vệ chúng khỏi sự trả đũa của những con khác.

Tuy nhiên, vào ngày hôm sau, khi hai con tinh tinh này được thả ra và thong dong một mình, đàn tinh tinh đã thể hiện sự tức giận, và trả đũa bằng loạt tiếng kêu rú thể hiện sự tẩy chay. Sau đó, hai con tinh tinh này đến chỗ ăn sớm nhất. Theo de Waal, động vật có những nguyên tắc “những việc nên làm” mà cả nhóm phải tuân theo và cộng đồng buộc chúng phải thực thi điều đó.

Các cộng đồng người cũng có những quy tắc riêng, nhưng chúng khác nhau về cơ bản, tuỳ vào các nền văn hoá khác nhau.

Tất cả chúng ta đều có một cảm giác về các nguyên tắc đạo đức, tương đương kiến thức cơ bản về ngôn ngữ mà hầu hết các nhà ngôn ngữ học đều tin là đã có từ lúc sinh ra. Tuy nhiên, cú pháp không là gì nếu chúng ta không xây dựng từ ngữ dựa trên nó, vì vậy linh cảm về đúng sai cũng không có ý nghĩa gì nếu con người không được dạy cách áp dụng nó.

Loài người có một cảm giác rất mâu thuẫn về việc khi nào nên hay không nên giúp đỡ người, và nguyên tắc chung là: giúp đỡ những người gần nhà và lờ đi những người ở xa. Một phần bởi vì cảnh ngộ khốn khó của một người bạn có thể thấy sẽ luôn thật hơn vấn đề của một ai đó mà bạn chỉ biết qua lời kể. Điều này đã ăn sâu vào gốc rễ con người từ xa xưa khi sự phồn vinh của bộ lạc của bạn quan trọng cho sự sống còn của chính bạn, nhưng sự phồn vinh của bộ lạc đối nghịch lại là mối đe doạ cho bạn.

Vào thế kỷ 21, chúng ta vẫn còn lưu lại tàn dư về sự lưỡng phân nguyên thuỷ: ta và địch. Điều này đã thúc giục ta bước vào và giúp đỡ một nạn nhân bị cướp. Tuy nhiên, nó cũng cho phép chúng ta có thể từ chối đóng góp một chút tiền nho nhỏ để giúp những người ở Darfur.

Cội rễ của sự tàn nhẫn

Thỉnh thoảng chúng ta không thể kìm nén được, nhất là lúc phải chịu đựng tình trạng điên loạn lạnh lùng và các hành vi xử sự rơi vào sự kìm kẹp của lẽ phải.

Đối với các nhà khoa học thần kinh học, sự lạnh lùng của các hành động gợi nhớ trường hợp Phineas Gage, công nhân đường ray tại Vermont (Anh) năm 1848 bị thương, khi vụ nổ khiến thanh kim loại đập vào vỏ não trước trán anh ta. Tuy sống sót nhưng anh biểu lộ những thay đổi hoàn toàn trong cư xử - anh trở nên tách rời và bất kính tuy chưa bao giờ là tội phạm.

Một nghiên cứu in trên tờ Neuro Image (2006) có thể giúp đưa ra một số lời giải thích. Các nhà nghiên cứu làm việc thông qua Viện quốc gia về sức khoẻ tinh thần đã scan não của 20 người tình nguyện hoàn toàn khoẻ mạnh, theo dõi những phản ứng của họ khi họ được tiếp xúc những hình ảnh đang ở dạng cả phạm pháp và hợp pháp. Hoạt động của não tăng lên hạ xuống với tính khắc nghiệt của hình ảnh, xảy ra trong khu vực điều khiển cảm xúc mạnh của não (amygdala), (một cấu trúc sâu giúp chúng ta tạo mối liên kết giữa những hành động xấu và sự trừng phạt).

Khái niệm “người khác” cũng là một thách thức cho con người. Michael Schulman, nhà tâm lý, vừa là đồng tác giả của cuốn Nuôi dạy con có lòng đạo đức kể lại thí nghiệm của mình. Một ngày, nhóm thanh thiếu niên phạm tội tại trung tâm phục hồi nhân phẩm tại Yonkers, New York (Mỹ) bị tổn thương vì lời đồn ba trong số họ đã bóp cổ một người phụ nữ lớn tuổi.

Một cậu bé nói: “Tôi sẽ không bóp cổ một người già, có thể đó là bà tôi”. Schulman hỏi liệu có thể làm điều đó cho ai mà coi đó là điều bình thường. Đứa bé trả lời: “Một nhân viên giao hàng người Hoa”. Schulman giải thích: “Đối với bọn trẻ, chúng có thể thông cảm với một người phụ nữ cao tuổi, chúng coi người đàn ông giao hàng người Hoa là một người khác chủng tộc theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”.

Kiểu ranh giới tàn bạo giữa những người bên trong (insider) và bên ngoài (outsider) này là một điều hiển nhiên ở bất cứ nơi nào. Kẻ cướp giết người bừa bãi vẫn tiếp tục biểu lộ sự vui vẻ với gia đình.

Không một nghiên cứu nào giúp chúng ta đạo đức hơn hoặc trở thành kẻ tàn nhẫn, ít nhất là chưa xảy ra ngay lập tức. Nhưng tất cả có thể giúp chúng ta hiểu bản thân mình, một bước nhỏ tách ra từ những hành vi tàn bạo, nhưng đó là một bước quan trọng

Theo Sài Gòn Tiếp thị Online
.
.
.