Điều trị ung thư: Đừng để người bệnh chết vì tin đồn

Chủ Nhật, 28/06/2009, 20:45
Có lẽ chưa bao giờ, căn bệnh ung thư và những phương thuốc điều trị ung thư lại trở nên nóng bỏng như bây giờ. Theo các số liệu thống kê, bệnh nhân ung thư phát hiện mới đang gia tăng hàng năm, phần lớn phát hiện ở giai đoạn muộn. Rất nhiều người bệnh sẵn sàng nghe theo những phương thuốc được người khác mách bảo để uống với hy vọng kéo dài sự sống, cho dù phương thuốc đó có tốn kém và kỳ quái tới đâu.

Loạt bài về hiện tượng người ăn cóc sống chữa ung thư trên Báo CAND thu hút đông đảo sự quan tâm của bạn đọc trong thời gian qua, chỉ là một minh chứng cho thấy mức độ "nóng" của vấn đề này. Trong bối cảnh đó, rất cần có một tiếng nói đủ mạnh mẽ và đủ sức thuyết phục để làm cho tình hình vốn đã phức tạp đừng trở nên phức tạp hơn nữa

Những nỗi đau nhức nhối

Phải nói ngay rằng, khi rơi vào hoàn cảnh bệnh trọng, ai cũng có tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương". Khi mà máy móc, thuốc thang không còn khả năng cứu sống được người bệnh nữa, thì chẳng ai nỡ tước đi của họ phương thuốc hy vọng cuối cùng.

Trong y khoa, những liều thuốc chỉ mang tính chất xoa dịu tâm lý cũng được thừa nhận là một cách điều trị hiệu quả. Thế nhưng ở đây, chúng tôi xin đề cập tới một khía cạnh trong các phương thuốc truyền miệng của bệnh nhân ung thư hiện nay, đó là những hậu quả mà chúng gây ra cho người bệnh đã đi quá xa so với giá trị xoa dịu tâm lý.

Ai từng một lần có mặt ở Khoa Chống đau (Bệnh viện K) - nơi tiếp nhận những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, mới cảm nhận hết được mức độ căng thẳng. Ngoài thuốc do bác sỹ kê đơn, hầu như giường bệnh nào cũng lỉnh kỉnh phích lớn phích nhỏ thuốc Nam thuốc Bắc.

Nếu như ở những nơi khác, bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ chế độ điều trị, thì ở đây, đôi khi các bác sỹ buộc phải chấp nhận "sống chung" với những phương thuốc điều trị không rõ nguồn gốc. Vì có can ngăn người bệnh cũng không được, có khi sự can ngăn còn làm tình hình trở nên rất căng thẳng. Và có lẽ không ở đâu, số người bệnh không biết mình thực sự mắc bệnh gì, nhất là các cụ già, lại nhiều như ở Khoa Chống đau này.

Nhiều người chỉ nghe bác sỹ, người nhà nói bị viêm phổi, viêm dạ dày, viêm khớp v.v… chứ không hề biết mình mắc ung thư. Hai chữ "ung thư" có lẽ là nỗi ám ảnh quá sức chịu đựng với nhiều người. Người bệnh thì không biết mình mắc bệnh trọng, còn người nhà thì cuống cuồng tìm đủ các phương thuốc để ép, để "nựng" bệnh nhân chịu dùng.

Từ nhiều năm nay, có một ông lang băm ở ngay Hà Nội đã bán một loại nước uống không rõ thành phần cho bệnh nhân ung thư ở nhiều tỉnh, thành, khiến nhiều người phải nhập viện trong tình trạng "thập tử nhất sinh". Đây là nỗi bức xúc của các bác sỹ Bệnh viện K, Sở Y tế Hà Nội đã xử phạt và cấm hành nghề đối với ông lang băm này, nhưng ông ta và phương thuốc quái dị này vẫn tiếp tục tồn tại, đơn giản là bởi vẫn còn có nhiều người bệnh tìm đến và dùng "nước chữa ung thư" của ông ta.

Một điểm yếu khiến người bệnh ung thư dễ tin và dùng những bài thuốc truyền miệng, là tâm lý sợ phẫu thuật, sợ tác dụng của truyền hóa chất, xạ trị. Có không ít bệnh nhân ung thư vú không điều trị ở bệnh viện, mà về nhà tự đắp lá cây có tính nóng, đến mức bị nhiễm trùng nặng, có trường hợp đã bị hoại tử.

Bệnh nhân ung thư vú được phát hiện sớm, thì hy vọng điều trị khỏi bằng phẫu thuật hoặc phối hợp dùng hóa chất, xạ trị là hoàn toàn có cơ sở. Nhưng điều đáng buồn là vì tin vào những cách chữa trị không rõ nguồn gốc, người bệnh đã tự tước đi cơ hội khỏi bệnh quý giá của mình.

Lợi dụng tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương" của bệnh nhân ung thư, luôn luôn có những kẻ thiếu lương tâm sẵn sàng tìm cách kiếm lợi nhuận trên nỗi đau của người khác. Lâu nay, các sản phẩm chỉ có tác dụng "hỗ trợ điều trị ung thư" nhưng cố tình quảng cáo mập mờ đề người bệnh hiểu nhầm là "điều trị ung thư" vẫn luôn xảy ra, khiến người bệnh rất tốn tiền mua những loại thuốc, thực phẩm chức năng với giá quá đắt đỏ so với giá trị thực.

Có loại thực phẩm chức năng có giá lên tới hàng triệu đồng một chai, nhưng được nhiều bệnh nhân ung thư mua hàng thùng để dùng như nước uống hàng ngày

Đừng để người bệnh chết vì tin đồn

Nếu như phẫu thuật, truyền hóa chất, xạ trị thật sự không còn tác dụng đối với bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối và họ rất cần đến tác dụng của liều thuốc tinh thần, thì đâu phải chỉ có cách trông cậy vào những "bài thuốc" lang băm không rõ nguồn gốc. Tại sao chúng ta để mặc cho những bài thuốc lang băm đó hoành hành ở khắp nơi, khiến nhiều người bệnh phải trả giá bằng những hậu quả, biến chứng trên thể trạng không lấy gì làm khỏe mạnh, bằng cả gia sản, gánh theo nợ nần, có người phải trả giá bằng tính mạng? Trong khi cái người bệnh luôn rất thiếu, đó là thông tin.

Rất cần có một nguồn cung cấp thông tin chính thống và rộng mở để người bệnh "gạn đục khơi trong", biết đâu là cách điều trị ung thư đúng, đâu là những loại thuốc lành mạnh, có tác dụng tăng cường thể lực, hỗ trợ điều trị, đâu là các "bài thuốc" nhảm nhí và gây nguy hiểm… Và nếu nói tới "liều thuốc hy vọng cuối cùng" cho bệnh nhân ung thư, thì tại sao không có thêm những tổ chức, sáng kiến chỉ mang tính chất tinh thần và không hề tốn kém cho người bệnh.

Cho đến thời điểm này, Câu lạc bộ Bệnh nhân ung thư vú tại Bệnh viện K là một trong số hiếm hoi những tổ chức để người bệnh gặp gỡ, trao đổi thông tin và sống lạc quan, khỏe mạnh hơn. Tham gia vào câu lạc bộ này, hẳn không còn ai tin hay nghe theo những bài thuốc truyền miệng nguy hiểm. Bên cạnh đó, có thêm những web như ungthu.net là cực kỳ cần thiết. Với những bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa - đối tượng rất dễ tin theo bài thuốc lang băm, thì việc đưa thông tin tới tận thôn xóm, làng bản càng tối cần thiết hơn nữa.    

Chưa cần có dòng chữ kết luận ung thư của bác sỹ, chỉ tới khám hay đi xét nghiệm ở Bệnh viện K thôi đã là nỗi sợ hãi của nhiều người. Điều này cho thấy một thực tế là hầu hết chúng ta đều thiếu hiểu biết và luôn có định kiến "ung thư tức là chết". Mặc dù ung thư vẫn là căn bệnh nan y, nhưng cho đến nay, khoa học hiện đại đã tìm ra những cách điều trị tích cực và có khả năng chữa khỏi hoàn toàn đối với nhiều loại ung thư.

Hơn nữa, nhận định tiêu cực "ung thư tức là chết" khác với cách nghĩ, có rất nhiều người trong chúng ta mang một căn bệnh mãn tính nào đó, nhưng chúng ta vẫn có thể chung sống hòa bình với nó và sống, cống hiến cho xã hội trong nhiều năm nữa. Sự "khăng khăng", rất khó can ngăn của người bệnh ung thư khi dùng bài thuốc không rõ nguồn gốc, một phần bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết.

Không biết ung thư là bệnh như thế nào, không hề được chuẩn bị tâm lý khi đón nhận tin mình bị ung thư, lại thường được phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn và nghe theo bất cứ lời mách bảo nào… là cái vòng luẩn quẩn khiến định kiến của xã hội về ung thư vốn đã nặng nề lại càng trở nên nặng nề. Khi mà khoa học chưa đủ ưu việt để trang bị cho người bệnh vũ khí diệt trừ tế bào ung thư, thì hãy trang bị cho họ vũ khí tinh thần, sự lạc quan, hiểu biết để tự phòng vệ cho mình khỏi nguy hiểm.

Trong tình cảnh bệnh ung thư tiếp tục gia tăng và nhức nhối ở nhiều nơi, nếu như sự đầu tư chỉ dừng lại ở việc điều trị mà không chú trọng tới tuyên truyền thông tin cho mọi người, thì rất có thể sẽ còn có thêm nhiều bệnh nhân ung thư chết vì nghe theo tin đồn

Thanh Loan
.
.
.