Điểm yếu của các công nghệ ngăn ngừa tội phạm

Thứ Năm, 04/03/2004, 09:36

“Bắt nhầm còn hơn bỏ sót” đang là nguyên tắc của các cơ quan an ninh Mỹ. Do vậy, nhiều công nghệ được áp dụng trong việc phát hiện, ngăn chặn tội phạm được áp dụng dù những công nghệ này không tuyệt đối chính xác.

Các nhà khoa học Đại học Tổng hợp Carnegie-Mellon đã cho tiến hành 1 thử nghiệm khá độc đáo. Họ thu thập số liệu thống kê về tội phạm ở một vài thành phố, các dữ liệu điều tra dân số cùng nhiều loại thông tin cụ thể tương tự. Tiếp đó, các nhà khoa học xây dựng 1 chương trình máy tính đặc biệt có thể đưa ra đánh giá về tình trạng tội phạm ở các thành phố này trong một tương lai gần, có tính toán đến từng lĩnh vực tội phạm nhỏ như ăn trộm, đánh cắp xe hơi... 

Thật kỳ diệu là kết quả dự đoán tội phạm trên cơ sở của những dữ liệu trên đạt được độ chính xác tới 80%. 

Một nhà sáng chế khác, tiến sĩ  Lawrence Farwell, lại đưa ra ý tưởng mới về công nghệ “lấy vân não”. Người tham gia thử nghiệm được đặt ngồi trước một màn hình, nơi liên tục xuất hiện hàng trăm tấm hình với mọi chủ đề khác nhau. Xen kẽ trong số đó sẽ là những tấm ảnh về hiện trường nơi xảy ra vụ án hay đồ vật của nạn nhân...

Máy tính khi đó sẽ ghi nhận những thay đổi trong điện não của người được thử nghiệm để xem anh ta có “phản ứng” với những hình ảnh đặc trưng của vụ án hay không. Phương pháp này đã giúp tìm ra được 1 thủ phạm thực sự, người sau đó đã phải nhận tội.

Dù sao, phương pháp trên vẫn chưa có đủ độ chính xác theo quan điểm khoa học. Giả sử 1 người được thử nghiệm đã từng có mặt tại hiện trường, có quen biết với nạn nhân và trò chuyện với người đó nhưng không hề phạm tội? Cảnh sát không thể lấy đó làm chứng cứ buộc tội.

CAPS (Computer-Assisted Passenger Screening) - 1 hệ thống của Mỹ nhằm kiểm soát hành khách tại các sân bay (những hệ thống tương tự cũng đã có mặt ở một số nước khác). Đây thực chất là 1 mạng máy tính mạnh dùng để kiểm tra và thiết lập dữ liệu về  hành khách.

Hệ thống này tham khảo thông tin từ kho lưu trữ của cảnh sát: hành khách đó có dính dáng đến các vụ việc hình sự hay không; đã bị bắt vào đồn cảnh sát lần nào chưa; anh ta có những khoản nợ gấp hay không; hoặc nếu như đã từng đi máy bay trước đây thì đã có xung đột gì với các hãng hàng không trước đây (như đánh nhau, làm hư hỏng tài sản...). Và tất nhiên, hệ thống phải tính toán đến việc hành khách này có quan hệ với các tổ chức cực đoan hay không.

Sau khi đánh giá tất cả những dữ liệu kiểu này, hệ thống sẽ đưa ra kết luận xem hành khách trên nguy hiểm ở mức độ nào. Dĩ nhiên, CAPS bất lực trước 1 tội phạm đã được đào tạo và chuẩn bị kỹ lưỡng với mọi dữ liệu cá nhân đều thuộc loại “tuyệt hảo”.

Trước thách thức này, các chuyên gia của NASA đã đưa ra 1 công cụ mới giúp bí mật theo dõi mức độ hoạt động của não bộ và nhịp tim của người bị nghi ngờ. Trên thực tế, thiết bị trên chỉ là 1 phiên bản hoàn thiện hơn của máy phát hiện nói dối. Thông tin nhận được từ việc “quét não” sẽ được chuyển vào máy tính. Đến lúc này, các đặc tính sinh học của người bị tình nghi sẽ được so sánh với các dữ liệu của người này có trong CAPS. Nếu như phát hiện nhân vật này có những biến đổi sinh học đáng ngờ cùng với những “thành tích trong quá khứ”, anh ta sẽ bị bắt giữ ngay lập tức.

Nhưng việc bắt giữ này đôi khi là không “đúng người, đúng tội”. Ngay cả khi có sự phối hợp của thiết bị mới, chắc chắn vẫn có nhiều người hồi hộp vì có thể ngẫu nhiên bị giữ lại và phải hủy bỏ chuyến bay mà không biết lý do

Hồng Sơn (Theo Popular Mechanics)
.
.
.