Công tác giám định vụ đổ tàu E1

Thứ Hai, 16/10/2006, 10:28
20h ngày 3/10/2006, VTV1 phát sóng chương trình Tiêu điểm đề cập đến  vụ đổ tàu E1 xảy ra ngày 12/3/2005 tại tỉnh Thừa Thiên -  Huế, trong đó có việc giám định thẻ từ (hộp đen) của tàu E1.

Trước hết, cần phải biết chức năng của chiếc hộp đen và giá trị của nó: Chiếc hộp đen được nhà sản xuất chế tạo và gắn vào đầu máy tàu hỏa. Nó có nhiệm vụ ghi lại các dữ liệu hành trình của đầu máy (về thời gian, tốc độ, quá trình chạy, dừng, áp suất đường hơi chính...).

Khi xảy ra sự cố hoặc tai nạn, phải mở hộp đen để lấy các dữ liệu nghiên cứu xác định nguyên nhân sự việc bằng thiết bị kỹ thuật chuyên dụng cũng do nhà sản xuất chế tạo. Thiết bị mở hộp đen và thiết bị kỹ thuật chuyên dùng đọc dữ liệu trong hộp đen được nhà sản xuất đầu máy cung cấp cùng hộp đen và để tại  cơ quan chủ quản của nó là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Về phương diện pháp lý của công tác giám định, trong buổi phát sóng chương trình Tiêu điểm, Luật sư Tôn Nữ Thu Hà nói rằng, việc mở niêm phong chiếc hộp đen và đọc dữ liệu trong chiếc hộp đen không được thực hiện ở cơ quan giám định (Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an), có sự tham gia của điều tra viên và đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Trong buổi phỏng vấn Viện trưởng Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an để thu thập thông tin chuẩn bị cho buổi phát sóng chương trình Tiêu điểm tối 3/10, phóng viên VTV1 cũng nêu vấn đề này và hỏi có đảm bảo tính khách quan hay không. Đồng chí Viện trưởng đã dẫn các quy định pháp luật tố tụng hình sự về giám định tư pháp để làm rõ vấn đề:

a - Khoản 1, Điều 156 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 quy định: Việc giám định có thể tiến hành tại cơ quan giám định hoặc tại nơi tiến hành điều tra vụ án.

Trong vụ này, không thể tiến hành mở và đọc dữ liệu trong chiếc hộp đen tại Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an (là cơ quan giám định) vì không có thiết bị kỹ thuật chuyên dụng mà phải tiến hành mở và đọc tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu máy, chiếc hộp đen và thiết bị kỹ thuật chuyên dụng đọc hộp đen.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế có thẩm quyền quyết định nơi tiến hành mở và đọc chiếc hộp đen. Mặt khác, phải khẳng định rằng nếu không mở và đọc hộp đen tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thì không thể thực hiện được việc này ở bất kỳ nơi nào khác.

Như vậy, ý kiến của Luật sư Tôn Nữ Thu Hà là không đúng vì pháp luật không quy định việc giám định phải thực hiện ở cơ quan giám định.

b - Cũng tại Khoản 1, Điều 156 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, thì: Điều tra viên có quyền tham dự giám định. Thành phần tham gia hội đồng mở và đọc dữ liệu trong hộp đen có đồng chí Phan Thanh Xuân, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra và đồng chí Phạm Văn Long là điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Như vậy, ý kiến của Luật sư Tôn Nữ Thu Hà là sai khi cho rằng điều tra viên tham dự giám định là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

c - Sự tham gia của đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam  trong hội đồng mở và đọc hộp đen:

- Thứ nhất: Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là cơ quan chủ quản duy nhất của đầu máy tàu hỏa, chiếc hộp đen và thiết bị kỹ thuật chuyên dụng mở và đọc chiếc hộp đen.

- Thứ hai: Trong Bộ luật Tố tụng hình sự có rất nhiều quy định về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức và cá nhân trong việc tham gia phòng  chống tội phạm.

Khoản 3, điều 25 quy định: “Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ”; Khoản 1, điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự  2003 quy định: “Trong phạm vi trách nhiệm của mình, các cơ quan Nhà nước phải  phối hợp với Cơ quan điều tra trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ...”.

Ngay bị can, bị cáo, bị đơn dân sự cũng có quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu (Điều 49, 50, 53 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003) để phục vụ cho việc điều tra vụ án.

Như vậy, việc tham gia của đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là đúng pháp luật và tạo điều kiện cho việc điều tra vụ án.

d - Tính khách quan của việc đọc hộp đen thể hiện ở chỗ: thiết bị kỹ thuật chuyên dụng thực hiện việc đọc dữ liệu của hộp đen, con người hoàn toàn không can thiệp được vào quá trình này. Thứ nữa, toàn bộ dữ liệu được in ra giấy để các nhà chuyên môn nghiên cứu, xác định các thông số về tốc độ của tàu cũng như thời gian và địa điểm xảy ra tai nạn. Những người có trách nhiệm khác như kiểm sát viên, luật sư... cũng có thể kiểm tra được các dữ liệu bất kỳ lúc nào. Như vậy, các dữ liệu lấy ra từ chiếc hộp đen là hoàn toàn khách quan.

Chúng tôi xin cung cấp tới bạn đọc nói chung và luật sư tham gia xét xử vụ đổ tàu E1 nói riêng những quy định về phương diện pháp lý của việc mở và đọc dữ liệu trong chiếc hộp đen

PGS. TS Luật Ngô Tiến Quý
.
.
.