Chuẩn bị triển khai điều trị nghiện ma túy bằng Methadone trên diện rộng

Thứ Hai, 27/07/2009, 14:13
Trước kết quả đáng mừng về điều trị cai nghiện bằng Methadone, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã chỉ đạo Bộ Y tế xem xét sớm cho triển khai diện rộng phương pháp điều trị này; đồng thời phối hợp cùng TP HCM nghiên cứu việc sớm triển khai sản xuất Methadone ở trong nước để chủ động về nguồn thuốc đảm bảo cho việc triển khai rộng.
>> Thí điểm điều trị cai nghiện bằng thuốc Methadone tại Hải Phòng

Trong 1.431 người nghiện ma túy nặng tham gia điều trị thí điểm bằng thuốc Methadone tại 6 trung tâm của TP HCM và TP Hải Phòng (TP Hải Phòng có 749 người; TP HCM có 642 người) hơn 1 năm qua, phần lớn đã hết hẳn nghiện, hòa nhập cộng đồng, số ít còn lại cũng đang tiến triển tốt sau khi qua thời gian ban đầu dò liều điều trị.

Đặc trị những con nghiện "lì" nhất

Theo một báo cáo ngày 21/7, của Bộ Y tế gửi đến Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, thì kết quả chung của điều trị là việc sử dụng heroin của bệnh nhân đã liên tục giảm dần cả tần suất và liều dùng trong quá trình điều trị. Tỉ lệ bệnh nhân sử dụng các chất dạng thuốc phiện đã giảm từ 100% khi bắt đầu điều trị, xuống còn 57% sau tháng đầu tiên, còn 30% sau tháng thứ hai và chỉ còn 10% sau 3 tháng điều trị Methadone.

Tần suất sử dụng heroin ở những bệnh nhân đang trong quá trình điều trị Methadone cũng giảm đi đáng kể: Tần suất tiêm chích trung bình của bệnh nhân tham gia điều trị giảm từ 60 lần/tháng xuống còn 2 lần/tháng; thể chất của bệnh nhân cũng được cải biến rõ  rệt. Đặc biệt, giảm tỉ lệ lây nhiễm và hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường máu trong nhóm bệnh nhân...

 Thực tế, kết quả thí điểm phương pháp điều trị người nghiện chất ma túy bằng thuốc Methadone tại TP HCM và TP Hải Phòng đã vượt trên cả mong đợi. Những người nghiện "lì" nhất, tái đi tái lại trong hàng chục năm đã dễ dàng vượt qua được cám dỗ của "nàng tiên nâu".

Bác sĩ Lê Trường Giang, Phó GĐ Sở Y tế TP HCM cho biết, chương trình thí điểm điều trị nghiện ma túy bằng Methadone tại TP HCM đã chọn những người nghiện lâu năm nhất, nặng nhất, hầu như không thể cai được để đưa vào chương trình. Trừ những trường hợp không nghiêm túc uống thuốc đều đặn hoặc xin rút khỏi chương trình (khoảng 5%), tất cả các trường hợp còn lại đều cho kết quả thành công mỹ mãn, tái hòa nhập cộng đồng rất nhanh chóng.

Các học viên cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục - Lao động Sơn La thực hành nghề mộc.

Bác sĩ Lê Trường Giang nói thêm: "Đây là phương pháp điều trị không cách ly cộng đồng, người nghiện chỉ hàng ngày đến uống thuốc rồi về nhà, được người thân chăm sóc, giám sát nên dễ dàng nhận thấy sự thay đổi của họ. Khi đến với chúng tôi, những người này - thường nghiện ở mức rất nặng, rất lôi thôi, lếch thếch, quần áo bẩn thỉu, đầu tóc bù xù, nhưng chỉ sau vài tuần thì sạch sẽ, đàng hoàng lên hẳn, thay đổi rất rõ ai cũng có thể nhận thấy...".

Hiện Sở Y tế TP HCM đang có hàng trăm đơn đề nghị được điều trị nghiện ma túy theo phương pháp này. Bác sĩ Lê Trường Giang đề nghị cần sớm cho triển khai mở rộng phương pháp điều trị này, càng sớm bao nhiêu thì xã hội và người dân càng bớt gánh nặng đi bấy nhiêu; mặt khác một khi để cung không đáp ứng cầu, rất dễ nảy sinh tiêu cực…

Hà Nội chuẩn bị triển khai 6 điểm điều trị

Nói về kết quả triển khai phương pháp điều trị này ở Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Hoàng Văn Kể tự hào kể lại: Dịp Tết Nguyên đán vừa qua có một gia đình chở cả xe ôtô hoa đến cảm ơn lãnh đạo Sở Y tế vì con em họ đã thoát nghiện bằng phương pháp Methadone. Trước đó họ đã hết hẳn hy vọng vì người này đã nghiện rất nặng, từng cai cả chục lần không dứt.

Hải Phòng hiện có khoảng 5.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, hơn 2.000 người khác nghi nghiện. Phương pháp điều trị cai nghiện này đã được nhiều người dân biết đến và hiện các cơ sở điều trị nghiện bằng Methadone ở TP Hải Phòng không đủ đáp ứng nhu cầu.

Trước kết quả đáng mừng này, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã chỉ đạo Bộ Y tế xem xét sớm cho triển khai diện rộng phương pháp điều trị này; đồng thời phối hợp cùng TP HCM nghiên cứu việc sớm triển khai sản xuất Methadone ở trong nước để chủ động về nguồn thuốc đảm bảo cho việc triển khai rộng. Hà Nội sẽ là địa phương thứ ba triển khai các điểm điều trị  nghiện ma túy bằng thuốc Methadone.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội thì hiện các cơ sở vật chất đã sẵn sàng điều trị  cho khoảng 1.500 người tại 6 điểm. Dự kiến cuối quý III năm nay sẽ mở cửa 3 điểm điều trị đầu tiên. Hiện số người nghiện ở Hà Nội là 17.600 người có hồ sơ quản lý. Số liệu thống kê cho thấy số người có HIV hiện nay là khoảng gần 19.000 người, trong đó số người nhiễm HIV có liên quan tới ma túy chiếm khoảng 70%.

Theo khẳng định của các chuyên gia Bộ Y tế, việc điều trị bằng thuốc Methadone sẽ ngăn chặn được lây lan HIV trong những người sử dụng ma túy. Hiện phương pháp này đã được áp dụng thành công ở nhiều nước châu Âu và châu Á.

Hiệu quả giảm các hành vi tội phạm, ngăn chặn lây lan HIV/AIDS

Bản chất của Methadone cũng là chất gây nghiện nhưng khi bệnh nhân được kê liều phù hợp sẽ không có cảm giác thèm nhớ và không có nhu cầu tăng liều. Methadone được dùng bằng đường uống, có tác dụng khoảng  30 phút sau khi uống và đạt nồng độ tối đa trong máu sau khoảng 3-4 giờ. Thời gian bán hủy trung bình là 24 giờ nên người bệnh chỉ cần dùng 1 lần trong ngày. Sau một thời gian điều trị bằng thuốc Methadone, có thể giảm liều và tiến tới ngừng sử dụng Methadone.

Các nghiên cứu quốc tế đã khẳng định điều trị thay thế bằng thuốc Methadone giúp người nghiện các chất dạng thuốc phiện giảm tần suất sử dụng chất dạng thuốc phiện, giảm các hành vi tội phạm hay tử vong do quá liều, tăng hiệu quả điều trị của thuốc kháng virus HIV và do sử dụng Methadone theo đường uống nên làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện.

B.Tuấn
.
.
.