Bộ Tài nguyên - Môi trường họp báo thường kì tháng 2:

Chưa "quyết" quy trình vận hành thủy điện Đắk Mi 4

Thứ Ba, 25/02/2014, 08:44
Khẳng định không "bênh" thủy điện, tuân thủ đúng quy định Luật Tài nguyên nước, tại buổi họp báo thường kì tháng 2 diễn ra ngày 24/2, lãnh đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn vẫn đang trong quá trình xem xét và người có thẩm quyền phê duyệt cuối cùng là Thủ tướng Chính phủ.
>> Thực, hư việc Đà Nẵng "dọa" kiện Bộ Tài nguyên và Môi trường

Thủ tướng là người quyết định

Việc TP Đà Nẵng “dọa” kiện Bộ Tài nguyên - Môi trường vì cho rằng Bộ này vi phạm nghiêm trọng Luật Tài nguyên nước và phớt lờ lợi ích của 1,7 triệu dân vùng hạ du khi soạn thảo dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn vẫn đang làm nóng dư luận.

Trước đó, Đà Nẵng cho rằng, việc dự thảo khống chế mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) là 2,53m và xả về hạ du với lưu lượng 12,5m3/s vào mùa cạn để làm cơ sở vận hành thủy điện Đắk Mi 4 sẽ khiến hạ du sông Vu Gia luôn ở trong trạng thái cạn kiệt. Đây là công trình chuyển dòng, lấy nước từ sông Vu Gia trả về sông Thu Bồn. Từ đó, Đà Nẵng đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường chọn mực nước khống chế tại trạm Ái Nghĩa là 2,80m trong suốt mùa cạn. Khi mực nước thấp hơn 2,80m, thủy điện Đắk Mi 4 phải xả trả lại sông Vu Gia 25m3/s; khi bằng 2,80 - 2,93m, xả 12,5m3/s và khi mực nước đạt trên 2,93m, xả 5m3/giây.

Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn gây nhiều tranh cãi.

Trong khi đó, Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng, nếu đảm bảo được giá trị mực nước tại Ái Nghĩa từ 2,53m trở lên thì đáp ứng được nhu cầu nước hạ du. Bởi vậy, dự thảo quy trình vận hành đã xây dựng theo các cấp mực nước: Khi mực nước tại trạm thủy văn Ái Nghĩa nhỏ hơn 2,53m, hồ Đắk Mi 4 xả 25m3/s đối với thời kỳ dùng nước gia tăng, 12,5m3/s đối với thời kỳ dùng nước bình thường; ở mực nước từ 2,53m đến 2,67m, hồ Đắk Mi 4 xả 12,5m3/s đối với thời kỳ dùng nước gia tăng, 8m3/s đối với thời kỳ dùng nước bình thường; ở mực nước lớn hơn 2,67m, hồ Đắk Mi 4 xả 8m3/s đối với thời kỳ dùng nước gia tăng, 5m3/s đối với thời kỳ dùng nước bình thường. Tuy nhiên, phía Đà Nẵng vẫn khẳng định, với cách vận hành trên, trung bình hằng năm, thủy điện Đắk Mi 4 sẽ xả trả lại sông Vu Gia 452,8 triệu m3, chỉ bằng 38% so với tổng lượng nước mà thủy điện này đã lấy đi trong mùa cạn của sông.

Có hay không việc Bộ Tài nguyên - Môi trường bênh thủy điện? Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy cho rằng: "Khi xây dựng quy trình, nguyên tắc cơ bản của Cục là phải ưu tiên đảm bảo nước cho hạ du, sau mới đến mục tiêu phát điện. Với qui trình theo dự thảo, thủy điện Đắk Mi 4 sẽ thiệt hại từ 55 triệu Kwh - 144,6 triệu Kwh, tương ứng từ 55 -145 tỉ đồng vào mùa cạn. Hơn nữa, khi đưa ra con số lưu lượng xả 12,5m3/s, Cục cũng đã cân nhắc tới lợi ích của các hộ dân ở hạ du sông Vu Gia, bởi lẽ phía Bộ Công Thương và Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (đơn vị quản lí thủy điện Đắk Mi 4) chỉ đề nghị xả từ 3 - 8,5m3/s trong suốt mùa cạn với lí do “nếu xả liên tục với lưu lượng 12,5 - 25m3/s sẽ gây thiệt hại rất lớn về điện”.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà thì khẳng định: "Chúng tôi không thiên về lợi ích doanh nghiệp, lợi ích thượng nguồn hay hạ nguồn. Quy trình đưa ra dựa trên sự tính toán khoa học, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Không thể để người dân Quảng Nam hay Đà Nẵng thiếu nước, nhưng cũng không thể để nhà máy đã đầu tư phải tổn hại quá nhiều. Bộ sẽ xem xét kiến nghị từ phía Đà Nẵng, nhưng đó cũng chỉ là một ý kiến, còn phải lắng nghe các bên liên quan. Người quyết định cuối cùng không phải Bộ mà là Thủ tướng Chính phủ".

Thủy điện chuyển dòng là điều tối kị

Trước câu hỏi của PV Báo CAND về hệ lụy đáng ngại của thủy điện chuyển dòng, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: "Đây là vấn đề rất lớn, việc chuyển nước phải được thể hiện ngay trong quy hoạch. Nơi bị chuyển dòng cũng như nơi được nhận nước đều phải tham vấn ý kiến của người dân. Các công trình chuyển dòng cũng phải có biện pháp kĩ thuật để trả lại nước". Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy cho biết thêm: "Hầu hết các thủy điện chuyển dòng đều được xây dựng từ trước đây, thời điểm đó Bộ Tài nguyên - Môi trường chưa có thẩm quyền quyết định. Từ khi Luật Tài nguyên nước có hiệu lực, việc chuyển nước được kiểm soát chặt chẽ hơn".

Về vấn đề này, GS.TS Vũ Trọng Hồng - Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam khẳng định: "Thế giới hầu như phản đối thủy điện chuyển dòng bởi nó gây ra sự xáo trộn rất lớn, có thể dẫn đến cuộc chiến căng thẳng về nguồn nước". Thực tế, thời gian qua, ở Việt Nam, đã có những hệ lụy nhãn tiền của thủy điện chuyển dòng. Điển hình như việc thủy điện Đắk Mi 4 chuyển nước từ sông Vu Gia về Thu Bồn, thủy điện An Khê - Kanak chuyển nước từ sông Ba về sông Kôn, thủy điện Đa Nhim chuyển nước từ sông Đa Nhim (thuộc hệ thống sông Đồng Nai) sang sông Cái (Ninh Thuận), thủy điện Đại Ninh chuyển nước từ lưu vực sông Đồng Nai sang sông Lũy (Bình Thuận)... Việc chuyển nước đã gây khô hạn cho hạ du, đặc biệt về mùa khô, dẫn đến căng thẳng về nguồn nước.

"Vận hành hồ thủy điện phải theo quy trình được nghiên cứu nghiêm túc dựa trên nguyên tắc sử dụng tổng hợp nguồn nước trong lưu vực. Việc thủy điện gây cạn kiệt nghiêm trọng những đoạn sông ở hạ du chứng tỏ vận hành sai qui trình hoặc qui trình còn rất thiếu sót" - GS. TSKH Phạm Hồng Giang - Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam nhấn mạnh.

TS Đào Trọng Tứ: "Đập xây xong rồi mới làm quy trình thì có ích gì"

Khẳng định Việt Nam đã làm ngược quy trình, TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu cho biết: "Quy trình vận hành liên hồ chứa phải được xây dựng trước khi bắt tay xây dựng các đập. Ở Việt Nam, các đập làm xong xuôi hết rồi mới đi nghiên cứu soạn thảo quy trình thì có ích gì. Thực chất, khi đó, vận hành liên hồ không phát huy  tác dụng".

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Thái Lai: "Bộ không có lợi ích gì trong câu chuyện thủy điện Đắk Mi 4 vì Bộ không quản lý doanh nghiệp nào làm thủy điện. Nếu quy trình đưa ra mà làm thiệt hại cho người dân thì thật đau xót". 

Khánh Vy
.
.
.