Chống tội phạm bằng... kính hiển vi

Thứ Bảy, 17/09/2005, 07:36

Giáo sư (GS) Michel Raynaud, 49 tuổi, làm việc tại Phòng Kỹ thuật pháp y quốc gia ở thành phố Lyon của Pháp, đã tham gia điều tra nhiều vụ án nghiêm trọng. Ông là một trong những chuyên gia hàng đầu ở Pháp chuyên dùng kính hiển vi phục vụ cho ngành pháp y.

Niềm đam mê quan sát tường tận mọi vật của Michel Raynaud bắt đầu vào năm ông lên 8 tuổi khi được cha, một chuyên viên y khoa làm việc tại một bệnh viện lớn ở thành phố Lyon, mua tặng cho một kính hiển vi hiệu Gilbert có khả năng phóng đại đến 400 lần. Năm 1978, sau khi tốt nghiệp Học viện Quân sự Saint-Cyr, Michel Raynaud được điều động về nhận công tác tại Viện Pháp y quân đội. Đây chính là môi trường để ông phát huy hết khả năng quan sát, nhận dạng, dựng lại kết cấu của mọi vật bằng kính hiển vi.

Năm 1983, nhờ khả năng này mà Michel Raynaud đã nhận dạng và xác định được thi thể của 58 lính dù Pháp bị thiệt mạng trong một vụ đánh bom tự sát bằng xe hơi có chứa chất nổ tại thủ đô Beirut của Liban. Đến năm 1990, Michel Raynaud lại thành công trong việc xác định nguyên nhân nổ tung của một chiếc máy bay Airbus trên sa mạc Sahara là do bị đánh bom. Năm 1994, sau khi rời quân đội, Michel Raynaud được mời cộng tác với Phòng Kỹ thuật pháp y quốc gia ở thành phố Lyon.

Trong phòng làm việc của Giáo sư Michel Raynaud, mọi thứ đều sạch sẽ và không hề có một vết bụi nào. Chứng cứ tội phạm nằm rải rác khắp nơi nhưng đều được bảo quản một cách cẩn thận và sắp xếp một cách khoa học. Đó là tấm da của loài chó dingo, thu thập được từ một vụ án kinh doanh bất hợp pháp loại động vật gây nguy hiểm có nguồn gốc từ Australia vào nước Pháp, mà ông đã giúp cảnh sát phá được; chiếc xe đạp của một nữ nạn nhân bị một xe tải đâm phải; một mảnh vải từ tấm thảm lấy được trong một vụ tai nạn...

Nhưng chính điều gây ấn tượng nhất cho mọi người khi bước vào phòng thí nghiệm của GS. Michel Raynaud là những kính hiển vi lớn. Ông cho biết là mọi thứ đưa đến ông nhờ phân tích trong hơn 10 năm qua đều được đưa lên kính hiển vi để phóng đại đến hàng chục ngàn lần. Được xem là bậc thầy trong ngành hiển vi pháp y, từ một mảnh chì than, GS Michel Raynaud có thể xác định được loại cây gì, từ một dấu vết lưu lại trên xác nạn nhân, ông có thể xác định được địa điểm xảy ra vụ án.

Điều đáng ngạc nhiên là GS. Michel Raynaud hầu như chưa bao giờ phải đến hiện trường xảy ra vụ án. Chứng cứ được chuyển đến phòng làm việc của ông qua đường thư bảo đảm hay người đưa tin của cảnh sát. Quan điểm của ông là không đưa ra điều nghi ngờ hay kết tội người nào mà chỉ cố làm sáng tỏ mọi việc qua phân tích của kính hiển vi. Ông cho biết: “Nhiệm vụ của tôi là không giải quyết tội ác mà chỉ chứng minh sự việc”.

Vào tháng 8/1995, một chuyến bay của Hãng Hàng không Ấn Độ cất cánh từ sân bay Toronto của Canada đã phát nổ trên Đại Tây Dương, làm chết 150 hành khách, trong đó có 26 du khách người Pháp. Trước đó một ngày, hành lý gửi đi theo một chuyến bay khác của hãng này đã phát nổ tại sân bay Narita của Nhật Bản. Các nhà điều tra của Canada đã phân tích những gì còn sót lại trong vụ nổ ở sân bay Narita nhưng không tìm được manh mối gì nên đành phải nhờ đến Viện Pháp y quốc gia Pháp. Khi kiểm tra hai mẫu chất chưa xác định được, nghi ngờ đó có thể là nitroglycerine phát sinh trong vụ nổ, mà các nhà điều tra Canada gửi đến, GS. Michel Reynaud liền tiến hành kiểm tra dưới kính hiển vi và xác định đó không phải là nitroglycerine mà là một chất bột làm từ vỏ cây ca cao mà khi phơi khô và pha  trộn với một ít thuốc súng sẽ tạo thành một thứ chất nổ đáng kể. Loại chất nổ này thường được các nhóm cực đoan người Sikh ở đông bắc Ấn Độ sử dụng. Từ thông tin của GS. Michel Raynaud mà các nhân viên điều tra Ấn Độ đã bắt giữ được 3 kẻ cực đoan người Sikh đã gây ra vụ nổ trên.

Vào tháng 10/2001, tại thành phố Saint Etienne, cách Lyon 120 km về phía nam, xảy ra một vụ giết người bí ẩn, xác nạn nhân được bó trong một tấm thảm vứt trong một khu rừng vắng. Cảnh sát tổ chức thu giữ tất cả mọi đồ vật liên quan đến nạn nhân Patrice Mulet rồi gửi đến Phòng Kỹ thuật pháp y Lyon nhờ GS. Michel Raynaud giám định và phân tích. Quan sát bằng kính hiển vi, ông phát hiện trên chiếc áo khoác của nạn nhân có dính 7 loại sợi tổng hợp. GS. Michel Raynaud kết luận đó là những sợi tổng hợp của một tấm thảm loại rẻ tiền. Tiến hành kiểm tra thảm trải nhà của tất cả những kẻ nghi vấn có liên quan đến cái chết của Patrice Mulet, cuối cùng cảnh sát điều tra phát hiện có sự giống nhau giữa sợi trên tấm thảm bó xác nạn nhân với sợi tấm thảm của nhà Philippe Coluche, một mối đang tranh giành buôn bán rượu với nạn nhân. Từ kết luận phân tích của Michel Raynaud mà Phippe Coluche đã phải cúi đầu nhận tội và bị kết tội sát nhân.

Công việc của một chuyên gia hiển vi pháp y thật bận rộn và đa dạng. Năm 2003, GS. Michel Reynaud đã phân tích một chiếc mặt nạ bằng đồng cổ mà chủ một cửa hàng kinh doanh đồ cổ ở thủ đô Paris định mua với giá 1,2 triệu euro vì người bán khẳng định đó là cổ vật có từ thế kỷ thứ II. Căn cứ vào chất liệu của lớp gỉ đồng, Michel Raynaud đã chứng minh rằng chiếc mặt nạ đó là đồ giả cổ và được xử lý cho giống cổ vật bằng chất tổng hợp mới có vào thế kỷ XX.

Trong tủ hồ sơ của GS. Michel Raynaud có chứa đến 10.000 mẫu tham khảo. Ngoài ra, ông còn có một thư viện nhỏ lưu trữ nhiều loại sách quý phục vụ cho quy trình xét nghiệm điều tra. Từ năm 2003 đến nay, GS. Michel Raynaud còn đảm nhận nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo các chuyên viên hiển vi pháp y cho các phòng giám định kỹ thuật hình sự ở nhiều thành phố lớn, với ước mong sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống tội phạm trên toàn lãnh thổ Pháp

Văn Hoà (theo MiliPol)
.
.
.