Chiếc máy lấy tơ sen đầu tiên ra đời từ tâm huyết của các nhà sáng chế trẻ

Thứ Bảy, 09/05/2020, 14:42
Để làm ra một chiếc khăn lụa từ tơ sen dài 1,7 mét, chiều ngang 25 cm, nghệ nhân phải mất gần 2 tháng trời, vì phải lấy tơ từ 4.800 cuống sen cho một chiếc khăn quàng cổ rồi mới dệt. Nhưng giờ đây, với chiếc máy lấy tơ sen tự động của nhóm sinh viên các trường đại học ở Hà Nội, làng nghề dệt lụa đã có thêm cơ hội để gìn giữ nghề truyền thống của mình mà vẫn có thu nhập tốt.


Tơ sen – sản phẩm mới của làng nghề truyền thống

Từ năm 2018, nghệ nhân Phan Thị Thuận (làng nghề dệt lụa Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội) tham gia đề tài "Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi tơ từ cuống lá sen" cùng với Viện Kinh tế sinh thái (Bộ Khoa học & Công nghệ). Sau nhiều nỗ lực, sản phẩm lụa từ tơ sen đầu tiên của bà Thuận đã ra đời. Bà trở thành người Việt Nam đầu tiên dệt lụa thành công từ những cuống sen bỏ đi.
Nhóm sáng chế giành giải nhất với chiếc máy se tơ sen.

Chiếc khăn lụa làm từ tơ sen rất mịn màng, êm ái và đặc biệt là sự tinh khiết mà không một loại tơ nào có thể sánh được. Theo nghệ nhân Phan Thị Thuận, vải tơ sen rất được ưa chuộng trên thế giới. Nhưng vì sợi tơ sen nhỏ và mỏng manh nên tất cả các công đoạn tạo ra sợi tơ sen đều rất cầu kỳ, phải làm hoàn toàn bằng thủ công. Trong đó, khó nhất và mất nhiều thời gian nhất là việc lấy sợi tơ từ cuống sen.

Do làm thủ công, một người thợ chăm chỉ lắm cũng chỉ làm được 200-250 cuống mỗi ngày, trong khi để đủ tơ cho 1 chiếc khăn quàng, cần tới 4.800 cọng sen. Mà các công đoạn tạo ra sợi tơ sen đều rất cầu kỳ. Cuống sen sau khi được ngắt từ đầm về phải rửa 2 lần để làm sạch bùn và gai, để đảm bảo tơ sạch và đẹp.

Để lấy được tơ sen, nghệ nhân phải dùng con dao nhỏ, nhẹ nhàng khứa xung quanh cuống sen, bởi nếu quá tay cắt sâu sẽ làm đứt sợi tơ bên trong. Sau đó, nhẹ tay vặn và kéo tơ, se cho sợi tơ sen gọn lại. Bởi thế, để có được những sợi tơ sen mềm mại, dệt lên những chiếc khăn tinh xảo, mềm mại và sang trọng, đòi hỏi nghệ nhân phải hết sức tinh tế, khéo léo và làm việc tỉ mẩn trong nhiều ngày liền.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận bên những sợi tơ sen (ảnh: Vũ Lành).

Sản phẩm lụa từ tơ sen được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng, mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng do các công đoạn từ chọn, xếp cuống sen đến miết tơ, đều làm thủ công, dẫn đến thời gian để có một sản phẩm từ tơ sen rất lâu, đẩy giá thành lên cao và khó tiếp cận người dùng. 

Được biết, một chiếc khăn làm từ tơ sen có giá khoảng 4-5 triệu đồng. Do giá thành đắt nên hiện nay, sản phẩm từ tơ sen chủ yếu làm theo đơn đặt hàng, hoặc phục vụ khách cao cấp, khách nước ngoài.

 Bên cạnh đó, khi sen hết mùa, cũng không có sen để sản xuất ra sản phẩm từ loại tơ đặc biệt này. Vì thế, việc dệt lụa từ tơ sen chưa thể đưa vào sản xuất đại trà, để bất cứ ai cũng có thể sở hữu, hoặc làm một món quà đặc trưng xứ Việt cho du khách.

Đề xuất kỷ lục cho chiếc máy tơ sen đầu tiên

Một nhóm sinh viên ở Hà Nội nhận thấy hiện nay trên cả nước có khoảng 3.000 hecta trồng sen, nhưng thân sen đang bị bỏ đi một cách lãng phí. Trong khi đó, trên thị trường tơ lụa xuất hiện loại lụa làm từ tơ sen rất có giá trị. Tơ sen mềm mịn không thua kém tơ tằm, thậm chí mang lại giá trị độc đáo khác.

 Vì thế, các bạn sinh viên gồm Ngô Trần Minh Đức, Nguyễn Văn Thắng, Trần Quốc Đạt, Cao Anh Tú (Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội), Lương Đức Trung (Trường ĐH Ngoại thương) đã nảy ra ý tưởng chế tạo máy lấy tơ sen để giúp nâng cao năng suất, giảm giá thành các sản phẩm làm từ tơ sen, để đưa mặt hàng này ngày càng phổ biến trên thị trường, nâng cao thu nhập cho làng nghề truyền thống.

Từ giữa tháng 10/2019, các sinh viên bắt tay vào chế tạo, lên mô hình máy, rồi người lo lập trình, thiết kế mạch điện tử, người lo thiết kế phần vỏ và lắp ráp. Rất nhiều khó khăn đến với các nhà sáng chế trẻ. Do nghiên cứu này hoàn toàn mới, nên việc tối ưu hóa các cơ cấu để dựng lên máy vô cùng khó. Các bạn phải tự dựng nên máy dựa trên cơ sở mô phỏng lại các cơ cấu thực hiện của tay người và quá trình làm ra tơ sen, đồng thời, phải thực nghiệm tất cả các thông số động học để tìm hướng tối ưu nhất. Với sự miệt mài của cả nhóm, sau 2 tháng, chiếc máy lấy tơ sen đã hoàn tất với chi phí chỉ khoảng 40 triệu đồng.

Máy có tính tự động hóa cao khi cho phép tích hợp rất nhiều mô-đun theo nhu cầu sử dụng của khách hàng. Nguyên lý hoạt động của máy lấy tơ sen có 3 cụm chính. Cụm thứ nhất giúp kẹp thân sen và quay, đồng thời lưỡi dao đi vào tạo vết cắt trên thân sen. Cụm thứ hai tay kẹp sẽ kẹp một đầu của thân sen để kéo xoắn nhằm lấy những sợi tơ ban đầu. Và cụm thứ ba sẽ làm công việc miết để nối các sợi tơ với nhau thành một sợi tơ hoàn chỉnh. 

Với việc tự động hóa khâu sản xuất tơ từ chiếc máy này, quy trình làm ra sản phẩm lụa tơ sen rút ngắn rất nhiều, từ gần 2 tháng chỉ còn hơn 1 tuần, hiệu suất lao động tăng gấp 5 – 7 lần so với làm thủ công.

Sinh viên Trần Quốc Đạt cho biết đây là chiếc máy tơ sen lần đầu xuất hiện trên thị trường Việt Nam.
Chiếc máy se tơ sen đầu tiên của Việt Nam (nhân vật cung cấp).

Với tính mới mẻ của sáng tạo cùng tính ứng dụng cao, đề tài chế tạo máy lấy tơ sen của nhóm nghiên cứu đã giành giải Nhất tại cuộc thi "Sáng tạo trẻ Bách Khoa 2019".

Đặc biệt, Văn phòng Đề cử Kỷ lục Việt Nam - Viện Kỷ lục Việt Nam còn cho biết, chiếc máy se tơ sen của nhóm sinh viên đã được Văn phòng Đề cử Kỷ lục Việt Nam đề xuất “Kỷ lục Máy se tơ từ cây sen đầu tiên tại Việt Nam​”.

Tuy nhiên, các nhà sáng chế trẻ cho biết vẫn tiếp tục nghiên cứu để cải thiện máy có thể nhận chất liệu đầu vào là những thân sen có những kích thước, độ ma sát, độ ẩm khác nhau, nhằm tăng tỷ lệ thành công trong việc cắt thân, lấy tơ.

Với thế mạnh là chiếc máy tự động hóa đầu tiên trên thị trường, các nhà sáng chế tin chắc sản phẩm của mình sẽ có chỗ đứng trên thị trường, khi tạo ra những sản phẩm chất lượng không hề thua kém so với làm thủ công, mà giá trị kinh tế lại cao.

Thái Hoàng
.
.
.