Cảnh giác với những "tiếp cận nghiên cứu y học" đáng ngờ

Thứ Bảy, 24/09/2005, 12:10

Các cơ quan nghiên cứu y học Anh đã cùng thông qua thỏa thuận hợp sức giảm thiểu nguy cơ những nghiên cứu y học "tuyệt mật" rơi vào tay bọn khủng bố.

Hội đồng nghiên cứu y học, Hội đồng nghiên cứu khoa học sinh học và công nghệ sinh học và một số cơ quan có uy tín khác như Welcome Trust đang tìm cách trấn an những lo ngại của dư luận những ngày gần đây. Các cơ quan quyền lực này đồng ý tiến hành hàng loạt các biện pháp bảo mật cho những nghiên cứu mang tính “nhạy cảm”. Động thái này được thực hiện sau những lo ngại của dư luận rằng, nghiên cứu công nghệ sinh học có thể sử dụng sai trái như phát triển thành vũ khí sinh học.

Theo thông báo vắn tắt của nhóm này, có 7 lĩnh vực nghiên cứu được Viện hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ nhận diện như rộng mở cho khả năng sử dụng sai mục đích, và do đó cần được bảo vệ kín kẽ hơn nữa, đó là: Vô hiệu hóa vắcxin; Tạo đề kháng đối với thuốc kháng vi khuẩn và thuốc kháng sinh; Gia tăng tiềm lực cho một vi sinh hoặc tác nhân gây bệnh (pathogen), hay tạo nên một khả năng sinh bệnh của tác nhân không gây bệnh; Gia tăng khả năng truyền bệnh của pathogen; Nhân rộng khả năng truyền bệnh của pathogen; Lẩn trốn các hệ thống phát hiện bệnh hoặc chẩn đoán; Tạo khả năng cho chất độc hoặc tác nhân sinh học tự biến thành vũ khí.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, nghiên cứu chuyên sâu vào độc tố và pathogen sinh học gây hại cần được tiếp tục nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống bệnh tật, và cải thiện đáp ứng miễn dịch cơ thể đối với bất kỳ tác nhân tấn công khủng bố sinh học nào. Các cơ quan nói trên ban hành những biện pháp mới nhằm tăng cường cảnh giác trong cộng đồng khoa học, nhận dạng và xử lý triệt để những nguy cơ sử dụng sai trái - thậm chí ngay trong giai đoạn ứng dụng chuyển nhượng ban đầu. Họ cho biết, sẽ có những thay đổi trong các lĩnh vực tài trợ cho đơn xin tiến hành dự án khả thi, ban hành thông tư hướng dẫn mới về các ủy ban tài trợ và siết chặt cơ cấu tổ chức thực nghiệm nghiên cứu

Ngọc Trí (theo BBC News)
.
.
.