Cẩn trọng khi đốt họng hạt

Chủ Nhật, 28/06/2009, 23:55

Người đi khám tai mũi họng nếu để ý sẽ thấy một nghịch lý, rất nhiều phòng khám mau chóng ra chỉ định đốt họng hạt (ĐHH) cho bệnh nhân, nhưng lại có nhiều bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng rất thận trọng khi ra chỉ định này, vì những hậu quả lâu dài của nó. Chúng tôi đã trao đổi với ThS - bác sỹ Hoàng Đình Ngọc - Phó Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng trung ương về vấn đề này.

Vì sao ĐHH dễ bị lạm dụng?

Ho, ngứa ngáy, rát khiến người bị viêm họng hạt luôn có cảm giác bứt rứt không yên. ĐHH xong sẽ khiến người bệnh sớm chấm dứt những cảm giác khó chịu này. Nhiều người bị viêm họng hạt được bác sỹ hoặc người xung quanh thuyết phục rằng, chỉ có cách ĐHH mới triệt tiêu dứt điểm bệnh.

Đây là thủ thuật khá đơn giản, nhanh chóng với chi phí không hề rẻ. Thủ thuật được thực hiện chủ yếu nhờ vào máy lazer. Vì thế, chỉ định này hiện rất phổ biến ở nhiều phòng khám.

Có phải chỉ "đốt" mới triệt tiêu bệnh?

ThS - bác sỹ Hoàng Đình Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng trung ương khẳng định, viêm họng hạt là một dạng viêm thông thường và không đáng ngại, song việc điều trị dứt điểm không hề đơn giản. Do đó, không thể suy luận cứ "đốt" là triệt tiêu được viêm họng hạt.

ĐHH chỉ tạm giải quyết triệu chứng viêm họng chứ không điều trị được căn nguyên, chưa kể thủ thuật này còn để lại những hậu quả gây phiền toái cho người bệnh. Ngoài ĐHH, có một số phương pháp điều trị như đốt lạnh (dùng nitơ lỏng), khí dung kháng sinh tại chỗ... cũng khiến người bệnh chấm dứt triệu chứng khó chịu, nhưng không đạt hiệu quả lâu dài.

Dễ gây sẹo họng

ĐHH rất dễ gây ra sẹo ở họng cho bệnh nhân, nhất là những người đốt đi đốt lại nhiều lần. Khi đã hình thành sẹo họng thì cực kỳ khó chữa. Nhiều bệnh nhân phải chấp chận cảm giác khó chịu do sẹo họng kéo dài suốt đời. Có cả nhiều trường hợp đốt họng hạt xong thì thường bị nghẹn, cảm giác nuốt vướng ở họng tới mức phải vào bệnh viện khám vì tưởng mình bị… ung thư thực quản.

Có trường hợp đã đi nội soi, khám bệnh nhiều lần và khẳng định không có khối u trong họng, nhưng do không được bác sỹ giải thích kỹ càng về hậu quả của sẹo họng, nên bệnh nhân vẫn băn khoăn và tiếp tục đi khám, gây tốn kém chi phí.

Gây nhiễm trùng tại chỗ

ĐHH có nguy cơ gây nhiễm trùng tại chỗ, do vị trí viêm họng bị tổn thương khi đốt, nhất là những trường hợp đốt họng hạt quá sâu. Các trường hợp nhiễm trùng do ĐHH sâu đều rất nặng, điều trị khó khăn và tốn kém.   Đã có nhiều bệnh nhân không được phát hiện sớm và chính xác nhiễm trùng nặng do ĐHH, nên tốn thêm nhiều công sức điều trị mà bệnh ngày càng trầm trọng.

Dễ tái phát

Do ĐHH chỉ tạm giải quyết triệu chứng, nên nhiều bệnh nhân vẫn bị ho lại hoặc tiếp tục mọc các hạt mới sau khi được đốt họng. Kể cả bệnh nhân đốt tới 2, 3 lần vẫn bị tái phát bệnh. Việc ĐHH nhiều lần còn khiến bệnh nhân bị thêm nhiều vết sẹo họng, cảm giác ngứa họng, nuốt vướng, nghẹn khiến bệnh nhân càng thêm khó chịu và lại đi đốt họng.

Cần tìm đúng căn nguyên

Ths - bác sỹ Hoàng Đình Ngọc phân tích, họng xuất hiện các hạt là do tình trạng viêm đi viêm lại vùng họng, do viêm nhiễm nhiều lần vì bị trào ngược dạ dày thực phẩm… Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng viêm họng hạt. Do đó, điều quan trọng nhất trong điều trị viêm họng hạt là phải tìm và triệt tiêu được căn nguyên gây bệnh.

Nếu nguyên nhân viêm họng hạt là do trào ngược dạ dày thực quản, thì phải điều trị dứt điểm tình trạng trào ngược, dẫn đến hạn chế viêm nhiễm vùng họng, chứ không phải điều trị triệu chứng ho, ngứa họng… Sau khi giải quyết các nguyên nhân gây viêm nhiễm vùng họng, bác sỹ mới ra chỉ định ĐHH nếu thật sự cần thiết

Trần Tân Hương (thực hiện)
.
.
.