Cấm Thủy điện Sông Tranh 2 tích nước, nếu không xử lý được sự cố

Thứ Năm, 19/04/2012, 08:49
"Nếu trước mùa mưa bão năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không xử lý được hiện tượng thấm nước qua thân đập, tỉnh sẽ đề nghị Chính phủ không cho tích nước trong hồ chứa nữa" - ông Lê Phước Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã tuyên bố quyết liệt với BQL dự án Thủy điện 3 - Chủ đầu tư dự án Thủy điện Sông Tranh 2 tại cuộc họp ngày 18/4.
>>Đập Thủy điện Sông Tranh 2 vẫn thấm mạnh, chưa có phương án khắc phục sự cố

Ngày 18/4, lãnh đạo Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã thực hiện chuyến thị sát tại đập Thủy điện Sông Tranh 2 để kiểm tra hiện tượng rò nước và công tác khắc phục. Suốt gần 1 giờ, những cán bộ lãnh đạo cao nhất của tỉnh đã đi suốt đường hầm trong đập chính và kiểm tra tỷ mỉ bề mặt thân đập.

Tại cuộc họp với sự tham gia của chính quyền địa phương cùng các sở, ban ngành và BQL Dự án Thủy điện 3, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nói ngay: "Mực nước hồ chứa giảm xuống 20m (so với đầu tháng 3 - PV) nhưng trong thân đập nước vẫn còn thấm mạnh".

Theo báo cáo của ông Trần Văn Hải- Trưởng BQL dự án Thủy điện 3, từ ngày 22/3 đến 31/3, đơn vị thi công khắc phục sự cố đã tiến hành thu gom nước thấm vào các hành lang trong thân đập bằng cách khoan 9 lỗ khoan phi 100mm tại các khe nhiệt trong các hành lang. Đến ngày 31/3, lượng nước thấm ra bề mặt bê tông hạ lưu đập tại các khe nhiệt được thu về các hành lang gom nước trên 95%.

Hiện chỉ còn một vài khe nhiệt rỉ nước với lưu lượng rất nhỏ, ở các khe nhiệt khác, lượng nước thấm chỉ còn làm ẩm bề mặt bê tông. Rồi cũng chính ông Hải thừa nhận: Hiện lượng nước rò rỉ qua các khe nhiệt đạt mức 75l/s. So với những ngày đầu thì đến nay lượng nước rò rỉ qua thân đập vẫn không giảm nhưng đã được xử lý bằng cách thu gom đưa về các đường ống và cho về hạ lưu.

Theo quan sát của chúng tôi, phía hạ lưu thân đập vẫn còn nhiều vòi nước chảy về hạ lưu, tuy áp lực không mạnh nhưng cũng tạo thành dòng, dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường. Để xử lý sự cố, Tổng Công ty Xây dựng Thủy lợi 4 - đơn vị thi công thân đập đã và đang tiếp tục tiến hành bịt kín các điểm rò rỉ trên thân đập.

Sau khi xử lý bằng cách mở rộng và khoét sâu vào vết nứt để bơm hoá chất hoặc trám lại bằng xi măng không đạt được kết quả như mong đợi, ông Trần Văn Hải cho biết sẽ thực hiện giải pháp khoan và phụt chất keo chống thấm Poluyrethan (PU) vào các khe nhiệt sao cho keo bịt kín được mặt rò rỉ.

Sau khi khoan phụt xong tiến hành dán kín bằng vật liệu SR lên bề mặt khe nhiệt ở bề mặt đập phía thượng lưu và đợi đến khi các vật liệu này ổn định là hoàn tất. Theo ông Hải, đây là phương án chống thấm mới chưa từng áp dụng ở Việt Nam mà chủ yếu là ở nước ngoài.

Và cũng vì thế, đối với các khe thấm trên mặt nước thì sẽ thuê chuyên gia trong nước, còn dưới nước thì thuê chuyên gia của nước ngoài xử lý vì công nghệ xử lý dưới nước Việt Nam chưa làm được. Kinh phí cho việc thuê các chuyên gia, mua vật liệu xử lý đập được EVN đầu tư và sẽ cố gắng hoàn thành trước ngày 31/8.

Ông Hải cũng khẳng định: Đây là giải pháp đã được Bộ Công Thương, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, EVN, Cơ quan tư vấn thiết kế, Ban Quản lý dự án thủy điện 3, tổng thầu thống nhất cao. Hiện nay công tác chuẩn bị đang được chuẩn bị để triển khai thực hiện, đảm bảo mục tiêu xử lý hoàn thành sự cố trước mùa mưa lũ năm nay".

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khảo sát đập Sông Tranh 2.

Nếu như trước đây, EVN cho rằng các trận động đất kích thích do thuỷ điện tích nước không ảnh hưởng đến thân đập thì lần này, ông Trần Văn Hải lại cho rằng, các trận động đất xảy ra ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến Thủy điện Sông Tranh 2. Vì vậy thân đập có bị chuyển dịch nhưng nằm trong giới hạn cho phép. Trong 30 khe nhiệt, có đến 10 khe nhiệt bị nở ra tương đối lớn với bề rộng 6mm, hơn 78% lượng nước thấm qua đập bằng các khe này và tràn về phía hạ lưu, gây lo lắng cho các nhà khoa học và hàng vạn người dân sống phía hạ lưu thủy điện.

Trả lời chất vấn của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về chất lượng con đập, ông Trần Văn Hải cho rằng, độ ổn định của thân đập thì không có vấn đề gì, nhưng việc rò rỉ và thấm qua thân đập sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình. Nhưng nhận định chủ quan của ông Hải đã bị nhiều cán bộ tỉnh bẻ lại: Trước đây nước chảy ào ào nhưng chủ đầu tư nói là 30l/s. Nay nhìn bằng mắt thì thấy nước ít thấm hơn nhiều nhưng BQL lại công bố 75l/s thì làm sao dân tin.

Theo thiết kế, lượng nước cho phép thấm qua là bao nhiêu để nói cho dân biết? Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và các nhà chuyên môn đã đưa ra nhiều câu hỏi khác và yêu cầu công khai minh bạch chất lượng công trình, giải pháp, lộ trình khắc phục sự cố. Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư Thuỷ điện Sông Tranh 2 đã trả lời vẫn còn vòng vo và còn cho rằng vấn đề an toàn thân đập về lâu dài EVN không cho phép nói ra ở cuộc họp này?  

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Lê Phước Thanh nhấn mạnh: Sự cố đập Thủy điện Sông Tranh 2 là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của nhân dân Quảng Nam vùng hạ lưu. Yêu cầu phải xác định lại chất lượng công trình có đảm bảo hay không để an dân. Trước mùa mưa bão năm nay, nếu EVN không xử lý được, chính quyền tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội, không cho tích nước trong hồ chứa nữa. Công tác đảm bảo an toàn cho người dân phải đặt lên trên hết.

Thân Lai
.
.
.