Các tổ chức trung gian – những cây “cầu nối” góp phần phát triển thị trường KH&CN ở Việt Nam

Thứ Năm, 05/11/2020, 10:06
Những năm gần đây, số lượng các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN ngày càng phát triển, đóng góp đáng kể vào vào việc kết nối, hình thành và phát triển thị trường KH&CN.

Cầu nối chủ lực

Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị là tổ chức trung gian chủ lực do hiện diện ở nhiều tỉnh, thành phố với chức năng, nhiệm vụ bao trùm nhiều lĩnh vực gồm nghiên cứu, cung cấp thông tin công nghệ, dịch vụ tư vấn, môi giới, kết nối chuyển giao công nghệ, đấu giá công nghệ, tài sản trí tuệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức các sự kiện xúc tiến chuyển giao công nghệ, kết nối đầu tư, v.v.

Các sàn triển khai theo cả phương thức sàn thực và sàn ảo, tập trung vào trưng bày, giới thiệu các thiết bị công nghệ, sản phẩm công nghệ của các công ty trong và ngoài nước. Sàn ảo chủ yếu giới thiệu các thiết bị công nghệ được trưng bày tại các kỳ Techmart, Techdemo, gần đây là Techfest và các triển lãm chuyên ngành như công nghệ thông tin, truyền thông, nông nghiệp, v.v..

Hiện nay, các sàn đều mở rộng hoạt động cung cấp các dịch vụ liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tập trung vào việc tổ chức các khóa đào tạo, các phiên kết nối đầu tư, các dịch vụ tư vấn về kêu gọi, huy động vốn, khai thác tài sản trí tuệ, v.v… Nhiều sàn giao dịch đã hoạt động rất tốt trong những năm gần đây như Sàn giao dịch công nghệ Hải Phòng tính đến năm 2019 đã tổ chức kết nối được trên 1.100 cuộc cho các doanh nghiệp gặp gỡ, thương thảo hợp đồng, trong đó, hơn 400 hợp đồng được ký kết thành công với tổng giá trị trên 620 tỷ đồng.

Các hoạt động kết nối cung - cầu nhằm phát triển thị trường công nghệ được tiến hành trên cả môi trường online và offline, trong nước và quốc tế, doanh nghiệp với các viện, trường, cơ quan nghiên cứu; tổ chức thành công 3 phiên bán đấu giá công nghệ, v.v..

Sàn giao dịch vùng duyên hải Bắc bộ hoạt động tại địa chỉ https://connect5.vn/ kết nối 5 sàn trong khu vực gồm Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Ninh, đang từng bước mở rộng thêm mạng lưới khi kết nối thành công với sàn giao dịch công nghệ Bà Rịa- Vũng Tàu, tạo tiền đề kết nối với các sàn khu vực miền trung và miền nam. Tính đến tháng 6/2020, đã có 35 triệu lượt truy cập, gần 30.000 sản phẩm chào bán của hơn 5.600 gian hàng, với hơn 3.400 nhu cầu cần mua và hơn 3.800 giao dịch đã diễn ra. Nhiều hoạt động hợp tác giữa các sàn giao dịch đã diễn ra như: Tư vấn, đào tạo nâng cao kỹ năng quản lý vận hành sàn, chia sẻ/ nhận dữ liệu thông tin công nghệ của hệ thống, phối hợp triển khai các hoạt động kết nối cung cầu công nghệ, tạo sự gắn kết trong cả hệ thống. Bước đầu, hệ thống liên kết đã giúp các thành viên nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, tăng cường sự hợp tác.

5 năm qua, các sàn giao dịch công nghệ đã tư vấn kết nối thành công gần 800 dự án giao dịch công nghệ, sản phẩm công nghệ; ký kết khoảng 700 biên bản ghi nhớ chuyển giao công nghệ; tư vấn, kết nối hơn 5.000 cuộc cho các tổ chức, doanh nghiệp gặp gỡ, thương thảo ký kết hợp đồng; tư vấn, hỗ trợ 960 đơn vị trong việc tiếp cận nguồn vốn nghiên cứu, phát triển KH&CN. Các Sàn giao dịch còn tư vấn cho 52 doanh nghiệp đăng ký trở thành doanh nghiệp KH&CN (12 đơn vị được cấp giấy chứng nhận).  Tỷ lệ gia tăng số lượng công nghệ, sản phẩm công nghệ chào bán trên các sàn trung bình 14%.

Các Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN thuộc Sở KH&CN trong 5 năm gần đây đã có những bước phát triển lớn, khi làm chủ gần 400 công nghệ, 50% Trung tâm đã tạo ra doanh thu trung bình trên 60 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 10 tỷ đồng/năm. Giai đoạn 2015-2019, số lượng hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ đạt trung bình 3.020 hợp đồng/năm, tăng trưởng 10%/năm; giá trị hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ trung bình 61,2 tỷ đồng/năm, có mức tăng trưởng 10%/năm.

Sàn giao dịch Công nghệ và Thiết bị Hải Phòng (HATEX) phát huy vai trò cầu nối trung gian giới thiệu các công nghệ đến với doanh nghiệp.

Các đơn vị kết nối hữu hiệu

Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, dịch vụ chủ yếu là xác lập và thực thi quyền sở hữu công nghiệp cho sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và các hoạt động thực thi liên quan đến các đối tượng này; các dịch vụ về chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp tập trung chủ yếu nhãn hiệu chiếm 95%, sáng chế và kiểu dáng công nghiệp chiếm 5% đối tượng chuyển nhượng.

Thị phần cung cấp dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp thuộc về các công ty lớn như Phạm và Liên danh, Invenco, Investip, VCCI-IP, Ban Mai,v.v. Thực tế hiện nay, thời gian thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động tư vấn, cam kết với khách hàng và ảnh hưởng đến việc khai thác các đối tượng sở hữu công nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp định giá, dịch vụ chủ yếu vẫn là thẩm định giá đối với bất động sản, và động sản (dây chuyền, máy móc, thiết bị). Việc định giá tài sản vô hình tập trung nhiều vào định giá doanh nghiệp phục vụ cổ phần hóa, mua bán sáp nhập, bảo đảm nợ vay ngân hàng, thế chấp vay vốn ngân hàng, đấu thầu mua sắm tài sản, v.v., trong đó có việc xác định giá trị tài sản vô hình, chủ yếu là nhãn hiêu.

Hoạt động định giá công nghệ, sáng chế chưa thực sự phổ biến do nhiều rào cản về thông tin, dữ liệu, tính phức tạp của công nghệ và nhu cầu. Theo pháp luật về chuyển giao công nghệ, điều kiện để tổ chức thực hiện hoạt động thẩm định giá ngoài điều kiện phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá đối với doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ đối với tổ chức KH&CN, thì phải có ít nhất 2 thẩm định viên về giá hành nghề đã hoàn thành chương trình cập nhật kiến thức về định giá công nghệ, định giá tài sản trí tuệ do Bộ KH&CN tổ chức hoặc công nhận (Điều 32 Nghị định 76/2018/ND-CP). Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào quy định đơn vị nào thuộc Bộ KH&CN thực hiện việc cập nhật kiến thức cho các tổ chức thẩm định giá, vì vậy việc cung cấp dịch vụ này đang bị nghẽn về cơ chế.

Tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA) và không gian làm việc chung (co-working space) là các tổ chức trung gian kiểu mới, ưu tiên đem đến những hỗ trợ toàn diện và tập trung cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Các tổ chức thúc đẩy kinh doanh, đặc biệt trong khu vực tư nhân những năm gần đây mang đến làn sóng mới cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam. Loại hình không gian làm việc chung được hình thành chủ yếu ở khu vực tư nhân là mô hình khá mới, đã có những đóng góp vào việc thúc đẩy hiệu quả kết nối trong cộng đồng khởi nghiệp, không chỉ cung cấp không gian làm việc cho các doanh nhân trẻ, các nhóm khởi nghiệp mà còn là một môi trường tích cực thúc đẩy sự hợp tác, tương tác, kết nối mạng lưới các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng hệ sinh thái khởi nghiệp.

Theo Bộ KH&CN, hiện có 20 hệ thống sàn giao dịch công nghệ tại các tỉnh, tăng 9 sàn so với năm 2017. Ngoài ra còn có 63 trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN; 186 tổ chức cung cấp dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; 1 tổ chức giám định sở hữu công nghiệp; khoảng 240 tổ chức thẩm định giá, 47 cơ sở ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp công nghệ; 23 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (tăng 16 tổ chức so với năm 2017); 170 không gian làm việc chung (tăng 150 so với 2017).

Bên cạnh đó, còn có 1 sàn giao dịch công nghệ vùng Duyên hải Bắc Bộ kết nối 5 sàn giao dịch trong khu vực gồm Quảng Ninh, Hải phòng Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, 1 sàn giao dịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến kết nối các sàn giao dịch công nghệ trong khu vực như Cần Thơ, Tiền Giang, An Giang đang trong giai đoạn thành lập cùng với các hiệp hội, doanh nghiệp đăng ký chức năng KH&CN, lực lượng tổ chức trung gian mạnh về số lượng và đang có những đóng góp nhất định vào việc phát triển thị trường KH&CN.

Khánh Ngọc
.
.
.