Bí mật của thuốc lắc

Thứ Tư, 08/11/2006, 07:58
Thuốc lắc, với những tên gọi mỹ miều như “viên nữ hoàng”, “ngọc điên”... là các loại ma túy tổng hợp rất độc hại.

Mới đây, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 2 vụ sử dụng thuốc lắc gây xôn xao dư luận: Vụ 4 đối tượng bị bắt rạng sáng 14/10 khi đang lắc điên cuồng trong phòng nghỉ, trong đó có một cô gái 18 tuổi với cái thai 7 tháng; vụ 3h sáng ngày 16/10, 9 đối tượng đang sử dụng thuốc lắc trên 2 xe ôtô Matiz.

Đa số các đối tượng trong 2 vụ này đều còn rất trẻ. Qua đây cho thấy bên cạnh vấn đề quản lý, chấn chỉnh hoạt động của các quán bar, vũ trường, nhà nghỉ cũng như triệt phá các đường dây cung cấp thuốc lắc; biện pháp phòng ngừa tốt nhất là cần tuyên truyền rộng rãi cho lớp trẻ hiểu biết kỹ thuốc lắc là gì để họ tránh xa nó.

Thuốc lắc là tiếng lóng dùng để chỉ một loại ma túy mà khi đưa vào cơ thể con người nó kích thích sự nhảy múa điên cuồng. Dân chơi còn gọi thuốc lắc bằng các tên khác nhau như “hồng phiến”, “viên nữ hoàng”, “ngọc điên”, “yaba”...

Theo Thượng tá, Tiến sĩ dược Đặng Ngọc Hùng, Trưởng phòng Theo dõi các hoạt động thi hành pháp luật về phòng chống ma túy, Văn phòng Thường trực Phòng chống ma túy, Bộ Công an, thuốc lắc là ma túy được điều chế bằng phương pháp tổng hợp hóa học toàn phần từ các hóa chất ban đầu (còn gọi là tiền chất), để phân biệt với nhóm ma túy có nguồn gốc tự nhiên (thuốc phiện, cần sa...) hay nhóm ma túy bán tổng hợp (cho phản ứng giữa ma túy tự nhiên với hóa chất để được loại ma túy mạnh hơn, ví dụ hêrôin là sản phẩm được tạo thành giữa morphine và hóa chất).

Nhiều người lầm tưởng ma túy tổng hợp cũng có nguồn gốc từ thuốc phiện như hêrôin và cho rằng vì hêrôin có màu trắng nên gọi là “bạch phiến”. Ma túy tổng hợp ban đầu phát hiện ở nước ta thường có màu hồng nên được gọi là “hồng phiến”.

Thực ra, các loại ma túy này ở dạng muối đều là những chất kết tinh không màu hoặc bột kết tinh màu trắng. Các viên có màu hồng và các màu sắc khác như tím, vàng, nâu, xanh... thu được trên thị trường là do bọn tội phạm sản xuất pha thêm phẩm màu để tạo đặc điểm thương hiệu và nhằm đánh lạc hướng các cơ quan thi hành pháp luật. Ngoài dạng viên nén, viên nhộng có kích thước, màu sắc và các ký hiệu khác nhau (thường dập các chữ và số M, WY, 99, hình trái tim, hình con bướm... ở viên nén) các loại ma túy này còn tồn tại ở dạng ống tiêm, bột tinh khiết, tinh thể, tuyết...

Tiến sĩ Hùng cho biết, theo thuật ngữ khoa học, thuốc lắc là các loại ma túy tổng hợp thuộc nhóm ATS (amphetamine type Stimulants), nhóm chất có gốc cơ bản là amphetamine. Trên thị trường hiện nay chủ yếu gồm 3 loại chính: amphetamine, methamphetamine, ecstasy. Các chất ma túy này theo quy định của Công ước Kiểm soát ma túy của Liên Hiệp Quốc và Nghị định số 67/2001 của Chính phủ Việt Nam đều là các chất ma túy rất độc, tuyệt đối cấm sử dụng hoặc việc sử dụng phải theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền.

Cũng theo Tiến sĩ Hùng, ATS khi đưa vào cơ thể người sẽ kích thích nhất thời hệ thần kinh trung ương, hệ hô hấp và tim mạch, làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim, kích động người ta múa máy tay chân và nói nhiều. Các chất này còn kích thích hệ thần kinh giao cảm, tác động trên các cơ trơn gây giãn cơ phế quản và làm co thắt các cơ vòng của đường tiết niệu, ức chế hoạt động của dạ dày và ruột, gây chán ăn. Tác dụng kích thích hệ thống thần kinh trung ương tạo nên cảm giác ảo là sảng khoái, nhìn mọi thứ xung quanh đều thấy rạng rỡ. Vì cảm giác đó nên đối tượng đã thèm muốn sử dụng hết lần này đến lần khác và dẫn đến nghiện. Khi chất ma túy hết hiệu lực sẽ để lại cảm giác mệt mỏi, trầm uất, rã rời.

Cũng như sử dụng các loại ma túy khác, dùng ATS sẽ bị quen thuốc, do đó người dùng phải tăng liều dần mới đạt được khoái cảm mong muốn. Dùng liều cao thường xuyên có thể gây ra chứng loạn tinh thần, hoang tưởng, dễ bị kích động, hành động không lý trí, rất dễ quậy phá và hành hung người khác. Chính vì vậy, các chất này được gọi là “ma túy điên” hay “ma túy bạo lực”.

Khi dừng sử dụng thuốc, người sẽ bị mệt mỏi, kém ăn, suy yếu kéo dài, ngủ chập chờn, cáu kỉnh, lo âu, thèm ma túy ghê gớm. Để trở lại cân bằng, người sử dụng thường tăng liều. Các trường hợp nghiện lâu đã tăng từ 20 đến 30 lần so với liều dùng ban đầu, có khi hàng trăm lần. Người dùng liều tăng cao đột ngột sẽ bị ngộ độc cấp tính, có thể dẫn đến tử vong.

Người nghiện các chất ATS bị lệ thuộc về tâm thần sẽ gây ra các triệu chứng ngộ độc mãn tính. Người nghiện rơi vào một trạng thái tâm thần hỗn hợp, dẫn tới tình trạng lú lẫn và cuối cùng là rối loạn hành vi, cơ thể bị suy sụp hoàn toàn cả về thể lực và trí lực.

Kể từ khi được tổng hợp vào năm 1887, tình trạng lạm dụng ATS trở nên trầm trọng ở các nước Tây Âu, Nhật Bản vào sau Thế chiến II. Một số nước đã phải ban hành đạo luật nghiêm khắc để kiểm soát tình hình. Sau một thời gian tạm lắng xuống, đến cuối những năm 60 của thế kỷ XX, tình hình sản xuất, vận chuyển, buôn bán và sử dụng trái phép ATS lại bùng lên.

Trước tình hình đó, Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy năm 1971 ra đời, là công cụ pháp lý quốc tế để các nước kiểm soát, ngăn chặn tình hình gia tăng của các chất ATS. Tuy nhiên, cho đến nay, bất chấp sự nỗ lực của cộng đồng thế giới, làn sóng dùng ATS vẫn gia tăng mạnh mẽ, dịch chuyển dần từ các nước Tây Âu sang khu vực Đông Á và Đông Nam Á. ATS xuất hiện ở Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây, song đến nay nó đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước, diễn biến rất phức tạp, số vụ buôn bán, vận chuyển ATS cũng ngày một tăng.

Trong 5 năm qua, số ATS thu được hơn 700 nghìn viên, tăng gần gấp đôi so với thời kỳ trước. Xã hội đang lên án gay gắt hiện tượng một bộ phận thanh thiếu niên ăn chơi trác táng, sử dụng ATS, lắc điên cuồng trong các quán bar, vũ trường, nhà nghỉ, ôtô...

Các bạn trẻ cần biết rằng thuốc lắc, với những tên gọi mỹ miều như “viên nữ hoàng”, “ngọc điên”... là các loại ma túy tổng hợp rất độc hại, khi nghiện rất khó cai. Người dùng nó không phải là người “sành điệu”, “hợp mốt” mà có thể bị đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc hoặc bị xử về tội sử dụng trái phép chất ma túy theo Điều 199 Bộ Luật Hình sự năm 1999

Lê Minh Sơn
.
.
.