Bệnh "nghiện làm việc"

Chủ Nhật, 31/01/2010, 16:32
Biểu hiện bệnh dễ nhận thấy là các bệnh cảnh do stress gây ra, trong đó thường gặp nhất là hội chứng kiệt sức, suy nhược, mệt mỏi, giảm năng suất lao động, dễ cáu gắt, nhầm lẫn, hay quên.

Công việc bề bộn, nhu cầu thăng tiến và mong ước kiếm được nhiều tiền… đã khiến rất nhiều người bị sa lầy vào công việc dẫn đến stress nghiêm trọng, thậm chí mắc các bệnh tâm thần phải nhập viện. Tuy nhiên, điều này lại chưa được những người trong cuộc quan tâm đúng mức và điều chỉnh để tránh những hậu quả tai hại từ bệnh "nghiện làm việc".

Chuyện của hai giám đốc nhập viện vì "nghiện việc"

Anh Nguyễn Văn Tú, 45 tuổi, vốn là Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản và vật liệu xây dựng. Anh trở thành doanh nhân nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn ký được nhiều hợp đồng qua Mỹ, Australia, châu Âu… Nhưng rồi anh không vượt qua nổi những áp lực thị trường. Giá nhà đất giảm sút, làm ăn với nước ngoài hàng bị lỗi nên công ty phải chấp nhận phạt tiền tỷ. Rồi hàng ế…! Vợ tiếc của, tối ngày đay nghiến chồng, Tú sinh stress.

Biểu hiện ban đầu của anh là thường la mắng mọi người trong nhà, bắt thợ làm những công việc rất phi lý, rồi chơi bời, đập phá… Sợ mất bạn hàng, cả gia đình cố giấu biệt bệnh tình của Tú cho đến khi Tú đập phá, đòi giết cả nhà... thì gia đình buộc phải đưa anh vào bệnh viện.

Bệnh nhân Nguyễn Thành Nam là Giám đốc của một công ty có tiếng ở Hà Nội. Để đạt được thành quả này, anh đã phải vượt qua bao khó khăn, thăng trầm từ một doanh nghiệp nhà nước ra hạch toán kinh doanh. Biết bao sai sót, vấp váp trong cạnh tranh, thương trường… nhưng anh Nam đều cố gắng vượt qua. Sức lực mà anh bỏ ra thật khó tính được: Tham dự vài ba cuộc họp mỗi ngày, điện thoại réo liên tục chừng gần 300 cuộc trong vòng 24 giờ, ký những hợp đồng kinh tế hàng trăm tỷ đồng, rồi nhậu nhẹt cùng đối tác...

Áp lực phải chiến thắng, phải thành công hơn nữa luôn khiến vị giám đốc căng ra như dây đàn để đối phó với mọi diễn biến. Bỏ qua những cơn đau đầu thoáng qua, nhịp sống của anh luôn bận rộn, căng thẳng với phương châm tự anh đặt ra “sai một ly đi một tỷ”. Công ty đã phát triển và đi vào ổn định, nhưng anh Nam đã quen với nhịp độ cuộc sống căng thẳng chưa điều chỉnh được.

Rồi biến cố xảy ra, khi mẹ anh mất, người vợ chưa ly hôn, đã lâu không gặp mặt bỗng từ Mỹ trở về đối đầu với người phụ nữ đang sống với anh Nam như vợ chồng để tranh giành quyền làm con dâu trưởng. Không khí gia đình nặng nề, áp lực công việc luôn đè nặng tâm trí khiến anh Nam mất ngủ 10 đêm liền, uống rượu triền miên. Kết quả là anh Nam bị loạn thần nhưng không chịu uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Đỉnh điểm của bệnh loạn thần là anh Nam  uống thuốc ngủ tự tử nhưng may mắn được người nhà phát hiện nên thoát chết. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân này bị chứng bệnh nghiện làm việc khiến cơ thể kiệt sức, tâm thần rối loạn.

Gia tăng bệnh nhân

PGS.TS Lê Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cho biết, gần đây bệnh viện liên tục tiếp nhận các bệnh nhân đe dọa tự tử, trầm cảm, rối loạn lo âu, stress vì "nghiện công việc" hay sức ép công việc quá căng thẳng. Số người nhập viện ngày càng có xu hướng tăng do áp lực cạnh tranh trong công việc, nhiều người quá coi trọng công việc, không quan tâm tới sức khỏe bản thân, mê làm việc hơn mọi sở thích khác…

Đối tượng gặp nhiều nhất là: những vận động viên thể thao, người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, công nhân làm trong các công ty liên doanh, sinh viên… Nguyên nhân có thể là do họ đã quá tham công tiếc việc, không thỏa mãn với những thành công hiện tại, bị cuốn hút vào công việc đến nỗi quên cả bản thân hay cố làm việc quá mức với mong muốn khẳng định chỗ đứng của mình trong tập thể, trong xã hội.

Việc trở thành một người luôn bận rộn nơi công sở không phải lúc nào cũng mang lại cho những người này những thành công mà họ mong muốn. Khi quyền lực càng cao thì áp lực công việc cũng gia tăng, công việc dồn dập hơn. Nhiều người đã vô tình rơi vào bẫy của sự tự mãn trong công việc dẫn đến mắc phải chứng bệnh "nghiện công việc" mà không thể thoát ra. Những người này lúc nào cũng quá bận rộn với hàng đống công việc không thực sự được hoàn thành.

Hậu quả lâu dài

TS Lê Thanh Hồi cho biết, say mê làm việc cũng có hai mặt, tốt và xấu. Bên cạnh việc đóng góp trí tuệ, công sức cho xã hội thì say mê làm việc có mặt tiêu cực là làm tiêu hao sức khỏe nếu chế độ nghỉ ngơi không hợp lý sẽ gây căng thẳng, tạo áp lực và gánh nặng về thể chất và tinh thần cho bản thân.

Làm việc quá sức khiến cơ thể mắc các chứng bệnh tâm thần như stress (căng thẳng) hoặc các bệnh liên quan đến stress như lo âu, suy nhược, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ kéo dài. Dấu hiệu của một người nghiện làm việc ban đầu là lo âu khiến cơ thể mệt mỏi, đau đầu, mất thăng bằng nội tiết, đau bụng, đau lưng… Quá trình làm việc quá sức lặp đi lặp lại cộng thêm những biến động bất lợi trong cuộc sống như sốc tâm lý có thể khiến một người đổ bệnh.

Có nhiều trường hợp bệnh nhân say sưa với công việc, bỏ quên những sở thích vốn có trước đó, bất ngờ gặp một phản ứng sốc tâm lý, xung đột, va chạm trong công việc gây ra những thiệt hại kinh tế khiến cơ thể suy sụp cả thể chất lẫn tinh thần và là tiền đề cho các bệnh khác phát triển như tăng huyết áp, đau loét dạ dày hoành tá tràng, tim mạch… Nhiều bệnh nhân cảm thấy đau tim nhưng khi đi khám và uống các loại thuốc điều trị tim mạch bệnh không hề thuyên giảm mà có dấu hiệu nặng lên.

TS Hồi cho biết đó là do hậu quả của chứng nghiện làm việc khiến cơ thể sinh bệnh. Khi đó cần phải điều trị bằng liệu pháp tâm lý và thuốc đặc trị về thần kinh chứ không thể chữa bệnh bằng phác đồ dành cho bệnh nhân tim...

Đi tìm giải pháp

ThS Đinh Đoàn, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý Nhật Minh cho biết, hiện nay có một số người bị cuốn vào công việc tới mức trở thành người "nghiện công việc". Ban đầu, do thúc ép của công việc, nên những người đó phải gồng mình lên, dẹp bỏ những nhu cầu khác, lao vào hoàn thành công việc được giao. Do phải gồng lên quá lâu, về sau trở thành "cái máy".

Khi "mắc bệnh", họ dần kiệt sức, chán ăn, mệt mỏi, mất ngủ... Cuộc sống trở nên đơn điệu, nhàm chán, ít quan tâm tới đời sống xã hội xung quanh, bó hẹp giao tiếp. Khi ngừng làm việc, có cảm giác trống rỗng. Nhiều người tự hỏi: "Cuộc đời là cái gì, tại sao mình khổ thế nhỉ? Có gì vui thú đâu".

Chẳng có thời gian cho bản thân, không còn tâm trí lo cho gia đình, con cái, chăm lo các mối quan hệ xã hội, dần dần thành cô đơn. Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh chán đời, trái tim lạnh, thậm chí có lúc nghĩ đến buông xuôi, mặc kệ đời. Khi quá ngưỡng chịu đựng, có người đã buông thả thái quá như một sự bù đắp, khoả lấp trống trải. Ma tuý, rượu, và sex là cái được tìm đến để … có cảm hứng, nạp thêm sinh lực. Như vậy, giống như người khát nước, giải khát bằng nước muối hay rượu mạnh, kết quả hứng khởi chỉ là tạm thời, căn nguyên chán nản, mệt mỏi vẫn còn nguyên…

Do đó, Ths Đoàn khuyên, cuộc sống con người không chỉ có làm việc. Bản thân con người cũng không phải là cái máy vĩnh cửu, vì vậy rất cần điều hoà hợp lý giữa làm việc, nghỉ ngơi, học tập, vui chơi giải trí, chăm lo cuộc sống gia đình và thoả mãn các nhu cầu cá nhân khác. Đặc biệt, cần xác định lại giá trị cuộc sống, nhận diện đâu là hạnh phúc, mục tiêu cuộc đời mình là gì… từ đó có những điều chỉnh hài hoà giữa công việc và đời sống tinh thần.

Trong quá trình điều trị, cần sự hỗ trợ của người thân tâm sự, chia sẻ để những người nghiện làm việc có những thay đổi cho phù hợp. Làm việc là niềm vui, là nơi để thăng hoa, giải toả tâm lý và mang lại hiệu quả. Chất lượng công việc và hiệu quả công việc mới quan trọng, chứ không phải dành nhiều thời gian làm việc, lúc nào cũng "đâm đầu đổ đuôi" chưa chắc đã hiệu quả bằng người làm việc có phương pháp. Dành thời gian vui chơi giải trí lành mạnh và đừng ngại đến các nhà chuyên môn hỗ trợ tinh thần khi đã tới mức không làm chủ được bản thân.

Theo TS Hồi, biểu hiện bệnh dễ nhận thấy là các bệnh cảnh do stress gây ra, trong đó thường gặp nhất là hội chứng kiệt sức, suy nhược, mệt mỏi, giảm năng suất lao động, dễ cáu gắt, nhầm lẫn, hay quên. Những bệnh nhân nghiện làm việc thường được điều trị bằng liệu pháp tinh thần kết hợp với thuốc. Nhưng quan trọng nhất là bệnh nhân cần áp dụng chế độ nghỉ ngơi, dưỡng bệnh hợp lý. Thông thường, bác sĩ sẽ chia sẻ với người bệnh cách tự biết chăm sóc sức khỏe, nếu có dấu hiệu mất ngủ phải đến bệnh viện để điều trị dự phòng, đề phòng bệnh tái phát. Quan trọng nhất trong quá trình điều trị, theo TS Hồi là hướng dẫn bệnh nhân cách đối phó và vượt qua sức ép tâm lý.

Các dấu hiệu ban đầu của bệnh tâm thần

Các dấu hiệu ban đầu của bệnh tâm thần gồm rối loạn giấc ngủ, đau tức ngực, khó thở, đau mỏi người. Trong trường hợp này, bệnh nhân thường đi khám nhiều nơi mà không xác định được nguyên nhân. Nếu thấy người thân có những biểu hiện rối loạn hành vi, tác phong và xúc cảm, thay đổi khác lạ trong cách ăn nói, rối loạn giấc ngủ, người nhà nên đưa người thân đến các cơ sở khám chữa bệnh tâm thần để được điều trị bằng nhiều phương pháp như dùng thuốc, tâm lý và vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, thể dục thể thao, vui chơi giải trí...

Theo Tổ chức Y tế thế giới, có 0,3% dân số thế giới bị bệnh tâm thần phân liệt. Riêng Việt Nam tỷ lệ này hiện là 0,3-0,5%. Những loại bệnh trầm cảm, lo âu… phần lớn rơi vào những người hoạt động trí não nhiều. Các chuyên gia ngành thần kinh cho rằng, xã hội càng phát triển, loại bệnh này càng gia tăng.

Hà Tường
.
.
.