An toàn vệ sinh thực phẩm: Sức khỏe của dân tộc

Chủ Nhật, 02/01/2011, 14:52
Càng gần Tết Nguyên dán, tiếng chuông ATVSTP càng dóng lên róng riết và hối hả hơn bao giờ hết, bởi các vụ vi phạm ATVSTP liên tiếp bị các cơ quan chức năng phát hiện trong một thời gian ngắn với quy mô cũng như tần suất ngày càng khủng khiếp.

Nhập rau quả: Câu chuyện buồn năm cũ

Tới nay, khi đất nước đã trải qua mùa xuân thứ 10 của thiên niên kỷ mới, ATVSTP của chúng ta vẫn phải đối đầu với 4 trên 5 thách thức do nhân tạo. Đó là: 1- Thực phẩm không đảm bảo ATVSTP tràn lan trên thị trường; 2 - Thực phẩm nhập lậu qua biên giới ngày một tăng; 3 - Chế biến thực phẩm - 100% không đạt yêu cầu về ATVSTP; 4- Số người tiêu dùng (NTD) trở thành nạn nhân của thực phẩm bẩn ngày một lớn. Như vậy, kiểm điểm theo 10 nguyên tắc vàng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về ATVSTP hay theo chiến lược của nước bạn Thái Lan có tên gọi "Từ đồng ruộng tới bàn ăn"- chúng ta đều thấy ngay ở từng khâu cho tới cả quy trình.

Việt Nam (VN) - xứ nhiệt đới và thiên đường cho các đặc sản cây trái nổi tiếng như dứa, xoài, nhãn, vải, dưa hấu… Thế nhưng, hiện nay rau củ có xuất xứ từ Trung Quốc (TQ) tràn ngập và lấn át thị trường VN. Nếu như trước đây hàng nhập vào VN chủ yếu bằng đường bộ thì nay còn có cả đường biển với khối lượng và chủng loại không hạn chế và nhất là giá cả vô cùng rẻ, đặc biệt, có loại giá nhập khẩu chỉ bằng 1/10 giá bán lẻ thị trường.

Như vậy, có thể hình dung ra, nước ta là một nước nông nghiệp với 80% dân số làm nghề nông nhưng có hàng chục triệu NTD lại phải tiêu thụ sản phẩm rau quả ngoại theo mùa trong suốt cả năm và hằng năm đất nước bị mất tới hàng chục ngàn tỷ đồng chỉ để mua từ củ hành, củ tỏi, củ gừng… những thứ hàng khô vô cùng dung dị để bữa ăn có được mùi vị VN. Đó là chưa thể thống kê được bao nhiêu phần trăm hàng hóa nông sản nhập theo đường chính ngạch đảm bảo chỉ tiêu ATVSTP, bởi không tại một cửa khẩu nào trên bộ cũng như trên biển của nước ta có khả năng xác định tức thì hàm lượng tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản… lẫn các vius gây bệnh dịch có trong nó.

Còn hàng nhập lậu lại càng nguy hiểm biết nhường nào cho nòi giống và như vậy trong khi cơ quan an ninh săn lùng từng viên đạn, khẩu súng đưa vào nước ta một cách bất hợp pháp thì quả bom sinh - hóa học khổng lồ lại đàng hoàng đi qua biên giới và tự do "ẩn nấp" trong cơ thể của gần 90 triệu NTD VN chờ ngày phát nổ.

Rau, quả Trung Quốc "phủ sóng" rộng lớn.

Trước sức ép của hàng hóa ngoại rẻ gấp nhiều lần giá hàng hóa trong nước, người sản xuất (NSX) VN để mưu sinh phải "đắc tội với trời". Họ lùng kiếm các thần dược để rút ngắn thời gian thu hoạch từ 10 ngày xuống còn 2 ngày, để vỗ béo và xuất chuồng nhanh những lứa gà, đàn lợn siêu nạc. NSX vì tiền thuê đất canh tác, phân bón, thuốc trừ sâu, phí mướn nhân công càng ngày càng cao trong bối cảnh thời tiết biến đổi thất thường đành phải sản xuất theo lối "chộp giựt" đã đành, còn thương nhân thì sao? Phải khẳng định rằng rất nhiều trong số họ là "tội phạm có tổ chức" trong việc phân phối, sử dụng hóa chất công nghiệp để biến các loại thực phẩm bị phân hủy dùng làm phân bón thành "thực phẩm tái sinh", khiến cho cả lợn chết, cá thối, mực bốc mùi, da bì mốc xanh, mỡ vón cục… tất tần tật "rác thải" từ lò mổ cho tới chợ chiều thành hàng hóa hiện diện trong mâm cơm gia đình cho tới bữa ăn của cháu bé tại nhà trẻ.

Để hốt tiền nhiều hơn, dễ dàng hơn, gian thương còn dùng đủ mọi thủ đoạn để gian lận từ "nội địa hóa hàng ngoại" tới buôn "mực cao xu", trứng nhân tạo bằng hóa chất độc hại, ruốc chế từ phế liệu làm bột sắn dây, rong biển bằng chất dẻo cho tới độn thạch vào tôm tươi khiến cho tính mạng của NTD VN còn "rẻ" hơn cả sa tế Tứ Xuyên được pha chế từ các hóa chất độc hại có thể gây ra nhiều chứng bệnh trong đó có ung thư.

NTD thường hướng sự chú ý của mình vào những sản phẩm "đáng đồng tiền" như thịt, sữa... mà bỏ quên những món nho nhỏ như hành phi, sả bào, măng ngâm... Thành ra ai nấy ngã ngửa khi phát giác: bắp chuối thái ngoài chợ ngâm hàn the vừa giòn vừa dai; sả bào và sả xay đều pha thuốc tẩy, thuốc màu cho xanh mướt, cho trắng trẻo, nếu không thì nhựa ứa đen sì ai mà mua; măng cũng thế, muốn trắng ngâm thuốc tẩy, muốn vàng ngâm phẩm màu, muốn giòn ngâm hàn the... Hàn the - hóa chất cực độc gây ung thư đã bị Bộ Y tế cấm từ lâu - trong thời hoành hành của thực phẩm bẩn bỗng trở thành "vị đa năng" có mặt trong giò, chả, bò viên, rau củ, nem chua, bánh phở, bún, miến, bánh ngọt... để tăng sự giòn, dai cũng như thời gian sử dụng lâu hơn.

Hàng quán ngoài đường trông mà khiếp vì một xô nước rửa cho "tỷ" chiếc bát, đôi đũa. Còn nội dung bên trong sản phẩm thì dù có NTD khỏe tim mà nhìn cũng phải ngất. Nhiều loại như chè, cháo, sữa đậu nành… cho tới thực phẩm dinh dưỡng ăn liền dù có bán ế ẩm và để lâu đến hai ba ngày vẫn không chua, không thiu, dù gạo ít mấy vẫn đặc sóng sánh, thơm ngát, dù vài miếng thịt, miếng bí vẫn nổi bật quyến rũ bởi những thứ hóa chất có chức năng như: bột nhừ bỏ vào nồi chè đậu hay nồi sườn mềm ngay khỏi tốn tiền củi hầm kỹ; bột béo thay thế nước dừa; đường hóa học thay đường mía; bột chống mốc bỏ vào để cho tới cả tuần cũng không bị meo mốc đóng váng; phẩm màu công nghiệp khiến càng để lâu càng lên màu; hương tổng hợp từ hóa chất khiến cho rau củ, trái cây, cà phê, bánh, kẹo, nước giả khát… trên đời này có mùi gì, thì dậy ra mùi đó. Nhật Bản - nơi sản xuất ra bột ngọt - nhưng để bán mà không ăn, còn dân mình không sản xuất ra mà nấu thứ gì để bán cũng phải “tương” mỳ chính cho thật nhiều để… câu khách.      

Một số đại gia trong và ngoài nước có lắm tiền thì đua nhau mở siêu thị với tên nội hoặc mác ngoại đủ hết. Tuy vậy, chất lượng sản phẩm bán tại đây lại không tuân theo quy chế nhà nước mà phụ thuộc vào… lương tâm ông chủ. Cho đến nay, thực phẩm kém chất lượng có tại siêu thị là chuyện thường tình bởi chúng xuất hiện ngay trong cả trung tâm danh giá bậc nhất như Metro, Big C cho đến hệ thống siêu thị cấp 2 - 3. Tại đây, nếu không kiểm tra thì "nghe thật là hay" đến khi chứng kiến - cứ "sờ" tới đâu - là "tan nát cõi lòng tới đó" khiến cho NTD hoang mang, còn bản thân thành viên trong Ban kiểm tra chỉ biết lắc đầu - "À ra thế"!          

Cần chiến lược bảo vệ sức dân - tương lai dân tộc

Bảo vệ NTD là chiến lược an ninh của từng quốc gia, vì vậy trong hiến pháp của bất cứ nhà nước nào đều có các chương, các điều và luật bổ sung nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của NTD và trong cấu trúc của một chính phủ nào đều có các ban, ngành chức năng thực thi luật định. Ví dụ: 1,3 tỷ NTD TQ được Cơ quan Quản lý dược - thực phẩm quốc gia (SFDA) bảo vệ bởi hơn 3.000 mặt hàng thực phẩm chế biến và gần 4.000 mặt hàng nông sản đều nằm trong tầm kiểm soát gắt gao về VSATTP và bất cứ sai phạm nào được phát hiện đều bị truy tố trước pháp luật.

Nhãn tiền của sự "vô tâm" của chúng ta trong hàng thập kỷ qua không chỉ vô hình trung "rải thảm đỏ" cho hàng ngoại bóp chết hàng hóa VN và buộc NTD trong nước phải sử dụng các sản phẩm nội lẫn ngoại chứa đầy các hóa chất vô cùng nguy hiểm từ thuốc trừ sâu, hormone tăng trưởng, hóa chất bảo quản sau thu hoạch… đã bị thế giới và Nhà nước ta nghiêm cấm sử dụng và cuối cùng dẫn dân tộc ta tới một thảm họa - biến người Việt Nam thành con tin cho "quả bom hóa học" có định giờ.

Hiện nay, vấn đề ngộ độc thực phẩm không chỉ xảy ra cho một cá nhân, một gia đình mà ngộ độc tập thể nghiêm trọng đã xuất hiện như cơm bữa tại các bếp ăn tập thể từ nhà máy, trường học đến nhà trẻ mầm non. Những bữa ăn "oan nghiệt" bằng thực phẩm thứ cấp được tái sinh từ thịt thối, trứng ôi, gà bệnh, lợn chết cho đến nước mắm, nước tương có hàm lượng đạm cao ngất ngưởng do hóa chất gây ung thư là 3 - MCPD với rau dưa, hoa quả "tẩm" đầy hóa chất công nghiệp từ chất độc da cam, hóa chất thuộc da, phẩm nhuộm quần áo, thuốc tẩy rửa… đã khiến cho nước ta trong một năm có hàng triệu NTD phải nhập viện, trong đó không ít người đã rời bỏ cuộc sống còn thênh thang ở phía trước, vĩnh viễn ra đi ở tuổi còn xanh và thậm chí rất xanh.

Phải khẳng định rằng trong thế giới mở, việc thông thương xuyên quốc gia là việc bình thường. Nhưng một nước thuộc vào "cường quốc" xuất khẩu gạo như nước ta phải đi nhập từng củ gừng (không loại trừ những củ gừng đó bị cơ quan quản lý TQ bắt phải tiêu hủy do nồng độ chất độc SO2 quá cao khi bảo quản sản phẩm bằng cách sấy lưu huỳnh) hoặc hàng hóa nông sản tuôn ào ạt vào thị trường mà không bị kiểm tra chất lượng ATVSTP là một điều hoàn toàn không bình thường.

Tại sao hàng hóa xuất qua biên giới đều bị các cơ quan chức năng nước sở tại "soi mói" đến từng chỉ tiêu theo quy định quốc tế. Nếu chúng ta cũng có trách nhiệm như vậy thì liệu rau quả ngoại có ào ạt tuôn vào VN như "gió qua nhà trống" để lấn át rau quả nội như thế không? Chỉ một hành động cứng rắn của một người cán bộ nhà nước ta cũng đã có khả năng không chỉ bảo vệ sức khỏe cho triệu NTD mà còn thúc đẩy sức sản xuất của người nông dân lẫn ngăn chặn việc phung phí ngoại tệ cho những mặt hàng đặc trưng cho nền nông nghiệp VN.

Cho dù cạnh tranh thương mại trên thế giới có khốc liệt đến mấy, thì hiện nay, chúng ta cũng có quyền tự hào hàng hóa nông sản và thực phẩm mang thương hiệu VN đã thâm nhập tới 160 nước ở vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường với quy chế bảo hộ và kiểm tra về ATVSTP khắt khe như Mỹ, Nhật Bản, EU... và chỉ một năm như năm 2008, chúng ta đã thu hơn 11 tỷ USD. Điều đó khẳng định rằng: Xuất khẩu khó là vậy mà chúng ta còn làm ngon lành từ A (quản lý chặt từ khâu sản xuất) đến Z (lưu thông, phân phối) thì không có lý gì ATVSTP trong nước lại bỏ ngỏ cho "NTD thông thái" xoay xở. Ngạn ngữ phương Tây có câu: Đã muốn là nhất quyết thành công, vì vậy chúng ta hy vọng rằng, cho dù phải đối đầu với bao khó khăn, thiếu thốn, thậm chí phải trả bằng mồ hôi và máu, chúng ta đều có đầy đủ bản lĩnh để an ninh dinh dưỡng cho NTD VN nằm trong "vòng kim cô" và như vậy đất nước này sẽ mãi mãi trường tồn, nòi giống này sẽ ngày một huệ minh.

"Dinh dưỡng như thế nào, sức dân như thế" đối với một quốc gia không chỉ là chiến lược đặc biệt nhằm đảm bảo nguồn lao động sống, là động lực quyết định hết thảy sự trường tồn của một quốc gia và thăng hoa của một dân tộc mình mà còn là "vũ khí mềm" để xóa sổ một chủng tộc được cho là kình địch. Trong lịch sử đã có không ít các ví dụ như thế từ mức độ vi mô - thử nghiệm trên tù binh - cho tới vĩ mô - xóa sổ cả bộ tộc bản địa… Ngày nay, trong thời đại kỹ thuật số, cuộc chiến tranh như vậy có thể vẫn đang diễn ra nhưng với tốc độ "mưa lâu thấm dần" chứ không suồng sã như trước kia.

Theo số liệu của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I, giá cà rốt nhập khẩu vào VN (đã gồm cước vận chuyển) đi bằng đường chính ngạch chỉ có 3.900 đồng/kg, hành khô 2.400 đồng/kg và tỏi 3.400 đồng/kg, khoai tây 2.300 đồng/kg, táo 6.200 đồng/kg, nấm các loại 26.400 đồng/kg, cam 5.700 đồng/kg… Như vậy, nếu so sánh thì giá hành khô nhập khẩu chỉ bằng 8%, tỏi bằng 8%, nấm bằng 26%, táo bằng 16,7% giá bán lẻ trên thị trường. Giá nhập các loại khoai tây, cà rốt, cam… cũng ở mức siêu rẻ, vì thế rau củ quả ngoại nhập luôn chiếm 30-40% tổng lượng hàng. Mặc dù giá nhập ở mức rất thấp, nhưng theo Bộ Công thương, từ đầu năm 2010 đến nay kim ngạch nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản tăng chóng mặt, đặc biệt hai tháng đầu năm 2010 kim ngạch tăng 56%. Riêng với mặt hàng rau quả, theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2010 đạt 99 triệu USD, tăng khoảng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, TQ chiếm trên 40% tổng kim ngạch.

PGS - TS Nguyễn Thanh Bình
.
.
.