10 di tích thế giới đang kêu cứu

Thứ Sáu, 01/02/2008, 13:35
Không thể phủ nhận sự thật là nhiều di tích cảnh quan thiên nhiên quý giá trên thế giới đang gặp nguy cơ biến mất hẳn. Do rất nhiều lý do: môi trường, khai thác du lịch lan tràn, xung đột trong khu vực... Để cứu vãn những di tích cảnh quan đó, thế giới cần có giải pháp bảo tồn thích đáng ngay từ bây giờ khi chưa quá muộn. Dưới đây là 10 thắng tích đang gặp nguy cơ.

Băng đảo (Greenland)

Các dải băng bao phủ gần 81% Băng đảo. Nếu băng tan chảy, khu vực sẽ bị chia tách ra thành quần đảo và những con sông băng nổi tiếng sẽ không còn thu hút du khách nữa.

Nhưng nguy hiểm nhất là giống gấu Bắc Cực mất đi nơi sinh sống, và băng tan chảy sẽ gây ngập lụt khủng khiếp trong một số vùng ở Mỹ, trong đó có Los Angeles. Thế giới đang kêu gọi hành động giảm bớt khí thải độc hại để cứu lấy những con sông băng đang cạn kiệt.

Vùng Tam giác San hô

Tọa lạc trong vùng biển giữa các nước Indonesia, Malaysia và Philippines, Tam giác San hô có đời sống động thực vật và dải san hô ngầm phong phú nhất thế giới, với trên 450 loài san hô được tìm thấy tại nơi đây.

Du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ dồn về đây để bơi lặn và chiêm ngưỡng cảnh quan dưới nước.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất của Đại học John Hopskin tiết lộ, gần 70% dải san hô ngầm trong vùng biển Đông Nam Á đang có nguy cơ biến mất.

Thủ phạm gây tai họa chính là sự săn bắt bằng chất nổ (cyanide và dynamite), quá trình lắng đọng trầm tích, ô nhiễm v.v... MPA (khu vực biển được bảo vệ) là dự án được thực hiện để bảo vệ vùng Tam giác San hô này.

Mục đích của MPA là thành lập công viên tự nhiên để bảo vệ và chăm sóc đời sống động thực vật và dải san hô dưới biển.

Thủ phủ Leh Old Town

Leh Old Town , thủ phủ của Vương quốc cổ Ladakh là một thành phố Trung cổ hiếm hoi còn nguyên vẹn ở dãy Himalaya.

Thành phố thu hút du khách thế giới nhờ các tu viện, cũng như đời sống hoang dã phong phú bao gồm nhiều loài thú quý hiếm đang gặp nguy cơ tuyệt chủng như bão tuyết.

Khí hậu thay đổi đã gây ra những trận mưa dữ dội phá hoại dần mòn Leh Old Town, vốn được xây dựng không phải để chịu đựng điều kiện như thế.

Tổ chức Bảo tồn tượng đài thế giới (WMF) đã đưa ra một loạt các biện pháp nhằm bảo vệ thành phố cổ này.

Babylon, Iraq

Cách Baghdad 80km về phía nam, Babylon nguyên là thành phố của Mesopotamia (vùng Tây Á, giữa hai con sông Tigre và Euphrate), một trong những cái nôi của nền văn minh.

Từ năm 2.300 trước CN, người ta coi Babylon là thành phố thánh. Di tích cổ này chắc chắn có ý nghĩa đáng kể đối với lịch sử nhân loại và điều không may là nơi này đang bị tàn phá do chiến tranh.

Thành phố Damascus Cổ, Syria

Là một trong những thành phố cổ nhất thế giới và liệu con người vẫn sinh sống tại đây. Damascus cổ đang bị phá hủy bởi sự xây dựng hiện đại.

Damascus cổ có 8 cổng và nhiều khu vực cổ được đề cập đến trong các sách kinh Thiên Chúa và Hồi giáo.

Mới đây, Bab Tuma (Cổng Thánh Thomas), dẫn đến khu Thiên Chúa cổ của Damascus cổ, đã được cảnh báo là địa điểm bị đe dọa phá hủy bởi những công trình hiện đại.

Chùa Dhangkar Gompa, Himachal Pradesh, Ấn Độ

Là một phần trong khu phức hợp Dhangkar và là 1 trong 5 trung tâm Phật giáo chính, ngôi chùa cổ nằm trên ngọn đồi này (được xây dựng cách đây vài ngàn năm) tọa lạc trong một khu vực hẻo lánh ở biên giới giữa Ấn Độ và Tây Tạng.

Ngôi chùa hiện đang có nguy cơ biến mất do ngọn đồi bị thời gian xói mòn.

Hiện, Ấn Độ đang tìm kiếm nguồn tài trợ chuẩn bị cho kế hoạch bảo tồn để cứu lấy ngôi chùa.

Ngoài ra, sự phát triển của du lịch cũng là một nguyên nhân làm cho ngôi chùa ngày càng xuống cấp trầm trọng.

Kênh Panama, thành phố Panama, sông Chagres

Là một trong những kỳ công kiến tạo ấn tượng nhất của lịch sử hiện đại, kênh đào Panama luôn hữu ích cho cộng đồng tàu thuyền quốc tế. Mỗi ngày có trên 40 tàu thuyền chạy qua con kênh này. Tuy vậy, với nhu cầu sử dụng con kênh ngày càng tăng trong khi mực nước hồ Gatun đang giảm dần, con đường thủy quan trọng nhất thế giới phải đối mặt với sự hủy diệt.

Nguyên nhân lớn nhất là nạn phá rừng và sự gia tăng khối bùn dưới đáy hồ Gatun.

Năm 2006, Chính phủ Panama đã phê chuẩn kế hoạch mở rộng và nâng cấp con kênh. Dự án quy mô này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015.

Thánh đường Hồi giáo Chinguetti, Mauritania, Tây Phi

Là 1 trong 7 thành phố thánh của Hồi giáo, thánh đường Chinguetti ở Mauritania (Tây Phi) được xây dựng vào thế kỷ XIII và được sử dụng làm điểm nghỉ chân cho những thương nhân vận chuyển hàng hóa có giá trị cao như vàng và ngà voi băng qua sa mạc Sahara.

Được Unesco đánh giá là di sản thế giới, nhưng thánh đường đang xuống cấp trầm trọng do con người bỏ rơi hay do sự tàn phá của thiên nhiên: lũ lụt, nhiệt độ cao và hiện tượng xói mòn. Để cứu lấy di tích cổ, biện pháp cần thiết là ổn định sự thay đổi khí hậu trong khu vực để ngăn ngừa thánh đường biến mất vĩnh viễn.

Thành phố Sonargaon-Panam, Bangladesh

Trong thành phố cổ này, người ta có thể tìm thấy những kiến trúc từ thời Vương quốc Hồi giáo, Mông Cổ và giai đoạn thuộc địa của Bangladesh từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX. Nhiều tượng đài của người Mông Cổ và thực dân có mặt trong thành phố này.

Hiện nay, thành phố bị tàn phá nhiều do lũ lụt, mực nước biển tăng, động đất, xây dựng loạn xạ và một phần do con người phá hoại.

Vì sự sinh tồn của thành phố cổ, chính quyền địa phương đã đề ra một số dự án khôi phục những tượng đài có giá trị lịch sử và văn hóa.

Tác phẩm nghệ thuật trên đá Dampier, Murujuga, Australia

Tác phẩm nghệ thuật trên đá lớn nhất thế giới của thổ dân miền Tây Bắc Australia sáng tạo từ thời cách đây 10.000 năm.

Tuy nhiên, sự phát triển công nghiệp đã phá hủy đến 24,4% tác phẩm nghệ này. Thêm vào đó, sự phát hiện mỏ khí tự nhiên lớn mới đây trong khu vực càng góp phần phá hủy nó.

Mặc dù vậy, hiện thời Chính phủ Australia vẫn chưa quyết định xem có nên can thiệp vào việc bảo tồn Murujuga hay không trước sự phát triển công nghiệp dầu khí trong tương lai ở khu vực này. Trước mắt, Hiệp hội Australia nghiên cứu nghệ thuật trên đá cùng với các tổ chức khác đang đề nghị chính phủ cho di dời công trình dầu khí sang nơi khác

Thục Miên (tổng hợp)
.
.
.