Ngày hội đổi SIM dưới chân nhà Vương

Thứ Ba, 18/04/2017, 15:24
Vường Mí Chá tít mắt khoe chiếc SIM 4G mới đổi, bảo rằng không phải đua theo mốt mà để tìm được nhiều cơ hội bán được nhiều hàng tốt, hàng rẻ cho bà con người Mông trong các phiên chợ Đồng Văn...

Tôi nhìn thấy Chá lần đầu tiên ở dưới chân nhà Vương, ngay trong ngày phiên của chợ lùi Sà Phìn. Chá đứng giữa đám thanh niên người Mông, tay cầm chiếc điện thoại Samsung, tay chỉ chữ 4G khoe truy cập nhanh cực, tìm thông tin gì cũng có. Thấy tôi tò mò ghé vào, Chá nói tiếng Kinh lơ lớ: đổi SIM ngoài kia kìa, chỗ có loa đài đông đông ấy, mất chỉ hai phút thôi…

 Theo lời Chá chỉ, tôi đi ra cổng chợ, nhìn thấy hàng chục người Mông như Chá đang xúm vào mua điện thoại, đổi SIM mới, trên nền tiếng khèn Mông dìu dặt. 

Vường Mí Chá tại phiên chợ lùi Sà Phìn.

Ở huyện biên giới trập trùng đồi núi này, đến giờ đã có tới hơn 1.800 người đổi SIM 4G mới như Chá – một con số mơ ước của bất kỳ nhà mạng nào, thế nhưng vẫn còn “thua” huyện Mèo Vạc gần đó khi ở huyện này có tới hơn 3.000 SIM được đổi. Toàn tỉnh Hà Giang, Viettel đã đổi được 31.000 SIM 4G, trong đó huyện Vị Xuyên có số lượng SIM 4G nhiều nhất – 6.500 SIM, vượt xa đơn vị đứng thứ hai là tp. Hà Giang có 5.000 SIM...

Phiên chợ hôm nay, Chá cùng nhiều bạn bè người Mông khác của anh cũng đem hàng hóa xuống chợ, vừa bán buôn, vừa gặp gỡ giao lưu với nhau. Trước, Chá cũng chỉ đem con lợn con gà, cắp dưới nách tung tăng đi chơi. Nhưng từ hồi có sóng 3G ở Đồng Văn (Hà Giang) mấy năm trước, từ chỗ tò mò truy cập xem có gì hay, Chá phát hiện ra rằng, có cách để bán lợn tên lửa gà thả đồi đắt hơn và mua đồ dùng đẹp về bán cho bà con trong phiên chợ.  

 Tôi, cũng như Chá, đương nhiên có lựa chọn, vì hàng chục trạm BTS 4G đang được dựng lên nhanh chóng mỗi ngày trên khắp các huyện của tỉnh Hà Giang. Dù 40% số hộ ở Hà Giang vẫn là hộ nghèo, nhưng việc tiếp cận thông tin, kiến thức mới qua công nghệ thông tin – viễn thông đang góp phần làm thay đổi dần đời sống của người dân nơi đây. Có vốn chính sách do nhà nước đầu tư, có bò do Viettel tặng, thì sử dụng vốn thế nào cho hiệu quả, nuôi trồng ra sao để cây con phát triển tốt... lại có phần đóng góp không nhỏ của chiếc... điện thoại, với cả một kho kiến thức rộng mở, “mọi lúc mọi nơi”.

“Tổng thuê bao di động của Viettel Hà Giang là hơn 400.000 thuê bao, chiếm thị phần 62%, trong đó khoảng 1/3 thuê bao sử dụng 3G” – ông Lại Như Hòa, Giám đốc Viettel Hà Giang, cho biết – “Chúng tôi đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm Viettel Hà Giang có khoảng 140.000 thuê bao sử dụng 4G, tức là tăng 12% so với thuê bao sử dụng 3G hiện nay.  Viettel sẽ phối hợp với chính quyền địa phương đưa các thiết bị hỗ trợ 4G với giá ưu đãi để kích thích sử dụng 4G, hỗ trợ chính quyền đưa công nghệ thông tin vào điều hành trong các hoạt động chính quyền”.

Theo kế hoạch, toàn tỉnh Hà Giang sẽ có 367 trạm BTS 4G, nhiều hơn số trạm 2G (350 trạm), 3G (355 trạm) trên diện tích 8000 Km2. Ngay dưới chân trạm BTS 047 Lũng Cú, anh Lưu Văn Tuyên, Đội trưởng Đội Kỹ thuật thuộc Trung tâm Kỹ thuật Viettel Hà Giang (Công ty Cổ phần Công trình Viettel) – người trực tiếp quản lý 35 trạm BTS tại Đồng Văn, cho hay, nếu thời tiết ủng hộ, cứ trung bình 2 ngày đội hoàn thành lắp đặt 1 trạm, bao gồm cả quá trình vận chuyển và lắp đặt tại trạm. Ở nơi địa hình khó khăn, nhằm hôm thời tiết xấu, cũng có trạm bị kéo dài thời gian lắp đặt, nhưng anh em không lãng phí giờ nào, chuyển ngay sang lắp trạm khác. “Vì thế tiến độ lắp trạm đảm bảo kế hoạch đề ra, dự kiến ngày 18-4 lắp đủ 35 trạm” – Tuyên nói.

Đầu tư vùng phủ rộng khắp, với diện tích lớn ở nông thôn, miền núi, Viettel đặt mục tiêu giúp 90 triệu người dân Việt Nam có cơ hội tiếp cận Internet ngang nhau. “4G phủ sóng tới 100% quận huyện, có nghĩa là các ca mổ, hội chẩn có thể hướng dẫn trực tiếp từ bệnh viện tuyến Trung ương, mở ra cơ hội sống cho hàng ngàn người dân. 4G phủ sóng tới 100% quận huyện mở ra cơ hội cho rất rất nhiều học sinh, sinh viên vùng sâu vùng xa được học hành như học sinh thành thị. 4G cũng sẽ giúp cải cách hành chính, chính quyền sẽ gần với dân hơn.

Với doanh nghiệp, 4G sẽ là nền tảng tạo ra vô số các dịch vụ mới, sản phẩm mới mà trước đây công nghệ cũ chưa cho phép triển khai. Với Viettel, 4G là mảnh ghép hoàn hảo cho hệ sinh thái các dịch vụ mà Viettel đang cung cấp như các ứng dụng trong y tế, giáo dục, Thành phố thông minh, Chính quyền điện tử…” – ông Tào Đức Thắng nói.

Còn Vường Mí Chá thì nghĩ đơn giản như những người dân tộc Mông vẫn còn nhiều bẽn lẽn khác trên cao nguyên đá Hà Giang, Chá nói: “Chá không biết nhiều về sự phát triển công nghệ, nhưng Chá thấy, 3G trước đây, 4G bây giờ, thông qua một chiếc điện thoại chỉ khoảng 1 – 2 triệu, đang giúp Chá và bà con người Mông thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giữa người giàu và người nghèo. Điện thoại không còn chỉ để gọi và nhắn tin nữa, nó là cả thế giới rộng lớn ở ngay nơi đây”...


An An
.
.
.