Kênh đào Suez mới – giấc mơ vĩ đại của người Ai Cập

Thứ Tư, 02/12/2015, 11:24
Kênh đào Suez mới được xem là “giấc mơ vĩ đại của người Ai Cập”, với kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho đất nước. 


Công trình khổng lồ của xứ sở kim tự tháp huyền thoại vừa mới được hoàn thành trong thời gian kỷ lục chưa đầy một năm, với đa số vốn do người dân đóng góp. Chính quyền Cairo hi vọng kênh đào đi vào hoạt động sẽ nối lại với tăng trưởng kinh tế, và nhất là lấy lại niềm tin của dân chúng, sau những năm tháng biến động.

Để làm được điều này, Cairo sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về an ninh, tham nhũng và cả sự trì trệ của hoạt động thương mại toàn cầu để biến tuyến kênh đào mới, từ “một cơ may”, thực sự trở thành “một hiện thực” thay đổi hoàn toàn Ai Cập.

Dự án… lấy lòng dân

Mở cửa từ năm 1869, kênh đào Suez (cũ) dài gần 193km, sâu 26m, nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ, kết nối châu Âu, châu Á và khu vực châu Phi - Trung Đông. Đây được xem là một trong những nguồn thu ngoại tệ hàng đầu của Ai Cập khi khoảng 20% hàng hóa giao dịch trên thế giới đi qua kênh đào này hàng năm. Nhận thấy tầm quan trọng của Suez, từ tháng 8- 2014, Ai Cập quyết định xây dựng kênh đào Suez mới với vốn đầu tư 9 tỷ USD, dự kiến được hoàn thành trong 3 năm. Kênh mới dài tổng cộng 72km, trong đó gồm 35km mới chạy song song với kênh đào Suez (cũ), và 37km đào mới, mở rộng và nạo vét lòng kênh cũ.

Tuyến kênh mới, với độ sâu vào khoảng hơn 20m, sẽ cho phép tàu thuyền đi hai chiều. Theo tính toán, kênh đào mới sẽ rút ngắn thời gian di chuyển của tàu bè từ 11 giờ xuống còn 3 giờ, tăng gấp 4 lần lưu lượng vận chuyển. Các tàu khổng lồ với tải trọng lớn cũng có thể đi qua khu vực này, khuyến khích nhiều hơn nữa các tàu thuyền sử dụng tuyến kênh Suez. Cải thiện khả năng lưu thông tàu thuyền, Cairo hy vọng tăng thêm nguồn thu cho ngân khố cạn kiệt của Ai Cập sau sự sụt giảm nghiêm trọng của ngành du lịch.

Dự án mở rộng kênh đào Suez lấy kinh phí từ nguồn xã hội hóa. Cách nay một năm, chỉ trong vòng 8 ngày, người dân Ai Cập đã ào ạt mua tổng cộng hơn 8 tỷ USD trái phiếu do ngân hàng trung ương phát hành để góp vốn cho công trình. Đây thực sự là một niềm tự hào khi người dân Ai Cập có thể bằng chính năng lực của mình thực hiện được một công trình lớn lao như vậy.

Khi Chính phủ Ai Cập tuyên bố xây dựng kênh đào Suez mới, truyền thông quốc tế cho rằng không thể làm được nếu thiếu đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, việc huy động vốn đã được thực hiện hết sức nhanh chóng, hoàn toàn do người Ai Cập đóng góp. Quân đội Ai Cập đã được điều động hỗ trợ xây dựng, và đã hoàn thành công trình trong thời hạn kỷ lục: xấp xỉ một năm - ngắn hơn rất nhiều con số 5 năm mà truyền thông đưa ra.

Kênh đào Suez mới đi vào hoạt động đã khẳng định khả năng tự lực phát triển của Cairo với những phương tiện “không phải đi vay mượn”.

Kênh đào Suez mới đi vào hoạt động đã khẳng định khả năng tự lực phát triển của Cairo với những phương tiện “không phải đi vay mượn”. Một số công ty nước ngoài đã tham gia vào công trình này, nhưng tất cả các phương tiện họ cung cấp đều chịu sự điều khiển của doanh nghiệp Ai Cập. Có nghĩa là họ nhận làm thầu cho các doanh nghiệp Ai Cập, hoàn toàn trái với thực tế bấy lâu nay khi các doanh nghiệp Ai Cập luôn luôn đứng ở vai nhận thầu.

Ở một chừng mực nhất định, “công trình tầm cỡ” Suez mới đã tái khẳng định lại vị thế của Cairo trong khu vực, bởi truyền thông chỉ hay nhắc tới vùng Vịnh, Qatar hay Dubai mà bỏ qua Ai Cập vì cho rằng quốc gia này vẫn còn quá non yếu.

Ai Cập đã thực sự tiến một bước rất xa với kênh đào Suez mới. Công trình khổng lồ trở thành biểu tượng cho một nhà nước hiện đại, hứa hẹn nhiều dự án phát triển và có khả năng tạo ra hàng triệu cơ hội việc làm trong hơn 10 năm tới. Hành lang kênh đào Suez đang đứng trước nhiều cơ hội đầu tư trị giá hàng tỷ USD, trong đó phải kể đến các dự án hậu cần và dịch vụ, xây dựng nhà máy phát điện sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió, phát triển công nghiệp hóa dầu, khai khoáng, cũng như các dự án cơ sở hạ tầng như xây dựng các đường hầm và hệ thống đường sắt mới để nối liền Suez và Ismailia với bán đảo Sinai (vùng lãnh thổ phía tây kênh đào).

Nhiều chuyên gia nhận định, dự án kênh đào Suez mới còn mang tính chính trị. Chính quyền Tổng thống Abdel al-Sissi cần đến một sự kiện quy mô lớn để ổn định tình hình, và thể hiện rằng chế độ này đóng vai trò chấn hưng nền kinh tế đất nước, cho phép Ai Cập thoát khỏi tình trạng trì trệ kéo dài nhiều năm nay. Cairo đã tiến hành một chương trình tuyên truyền lớn cho dự án kênh đào này, khẳng định đây là “một món quà lớn” của Ai Cập cho thế giới.

Bên cạnh đó, chính quyền muốn thể hiện quyết tâm rằng, Ai Cập ngày nay có thể tiếp nối được với những thời điểm vinh quang trong lịch sử. Sự ra đời của kênh đào Suez (cũ) đã đem lại cho Ai Cập một vị thế chiến lược trên trường quốc tế. Vị thế này vẫn còn cho đến ngày nay, bất chấp vai trò chính trị của Ai Cập trong khu vực đã suy giảm. Thế nên, hoàn toàn có cơ sở để chính quyền Cairo tiến hành cải tạo, mở rộng và cải thiện hoạt động kênh đào Suez.

Vẫn còn nhiều bất trắc

Bất chấp sự quảng bá rầm rộ của chính quyền, nhiều chuyên gia lo ngại hiệu quả kinh tế tương lai của công trình kênh đào Suez mở rộng. Nếu như việc cải thiện khả năng lưu thông phương tiện là một thực tế hiển nhiên, không có nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu sử dụng tuyến đường này sẽ tăng vọt (như dự kiến của chính quyền).

Dự án Suez được thực hiện đúng vào lúc niềm tin trong ngành hàng hải thế giới đang xuống rất thấp. Ai Cập có vẻ như đang chạy theo một vinh quang suy tàn khi tỷ trọng tàu thuyền qua Suez có xu hướng sụt giảm liên tục từ một thập niên nay. Chỉ riêng trong năm 2013, số lượng tàu đã giảm tới 16% do kinh tế châu Âu đình trệ và tình trạng mất an ninh trong khu vực. Ngoài ra, vận tải hàng hải đang bất ổn trong nửa đầu năm 2015 khi chỉ số giá cước vận chuyển hàng khô BDI sụt gần 30% - mức thấp nhất kể từ 1986.

Kênh đào Suez cũ (trái) và sau khi được mở rộng (phải) được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Ai Cập.

Bên cạnh đó, mục tiêu mà Cairo đề ra nhằm thúc đẩy kinh tế thông qua phát triển và đầu tư ở hành lang kênh đào mới đang đối mặt với nhiều thách thức như duy trì ổn định và sức cạnh tranh, và nhất là các quan ngại về an ninh. Những đe dọa bạo lực và khủng bố từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) trên bán đảo Sinai cũng không phải là vấn đề dễ dàng với chính quyền Abdel al-Sissi.

Chưa hết, tham nhũng vẫn là vấn đề lớn tại Ai Cập, đặc biệt khi quốc gia Bắc Phi này chưa có quốc hội sau nhiều lần trì hoãn bầu cử. Điều này tạo nên rào cản lớn khiến cho chính quyền Abdel al-Sissi khó có thể thuyết phục nhà đầu tư bỏ ra hàng triệu hoặc hàng tỷ USD để đầu tư, hay thu hút giao thương trên tuyến kênh đào mới.

Trong khi đó, tác động sinh thái của tuyến kênh đào mới dường như bị bỏ qua. Nhiều nhà môi trường cảnh báo tình trạng ảnh hưởng tiêu cực gia tăng của kênh đào mới đe dọa các cân bằng tại Địa Trung Hải, với làn sóng di cư ồ ạt của hàng trăm loài sinh vật biển từ Ấn Độ Dương. Trong đó, có nhiều loài gây nguy hiểm cho con người và hoạt động ngư nghiệp, cùng các tác động tiêu cực từ tình trạng gia tăng độ mặn. Cho dù cơ quan môi trường Ai Cập tuyên bố tuân thủ các chuẩn mực quốc tế cao nhất trong lĩnh vực này, nhưng hiện tại chưa có nghiên cứu cụ thể nào được thực hiện để chứng minh sự an toàn của các hoạt động hàng hải qua kênh Suez mới.  

Công trình mở rộng kênh đào Suez và các dự án kèm theo, được đặt dưới sự điều hành chủ yếu của quân đội Ai Cập, với toàn bộ vốn đầu tư trong nước, mang lại nhiều hy vọng cho dân chúng, sau những năm tháng khủng hoảng triền miên. Chính quyền Abdel al-Sissi kỳ vọng tuyến kênh này dự kiến mang về cho Ai Cập 13,23 tỷ USD vào năm 2023, so với 5 tỷ USD năm 2014. Tuy nhiên, viễn cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới đang tiếp tục có chiều hướng trì trệ là một dấu hiệu không vui đối với những người đặt hy vọng kênh Suez đầy ắp thuyền bè.

Nhiều ý kiến chất vấn những kế hoạch của chính phủ, và bày tỏ sự bi quan trong bối cảnh Ai Cập phải trông cậy rất nhiều vào tài trợ quốc tế. Số ít cá nhân cho rằng, Ai Cập nên đầu tư vào các dự án công nghệ viễn thông, điều này sẽ có lợi hơn là những hứa hẹn của chính phủ về một khu vực kinh tế mới ven kênh đào. Một giải pháp như vậy mới cho phép Ai Cập hội nhập với giai đoạn dịch vụ công nghệ mới của thế giới đương đại…

Nam Hồng
.
.
.