Áo choàng nhớt - ứng dụng từ loài cá mút đá Thái Bình Dương

Thứ Sáu, 17/03/2017, 10:51
Anh hùng mới của thủy quân lục chiến Mỹ có lẽ không phải là sĩ quan Mỹ với chiếc khiên huyền thoại, mà là một hiệp sĩ mang áo choàng chất nhờn. Một nhóm các nhà khoa học và kỹ sư của Hải quân Mỹ đã lấy cảm hứng từ thế giới tự nhiên để phát triển một công cụ phòng vệ mới.


Các nhà khoa học đang dùng nhớt của loài cá mút đá sống ở tầng đáy để tạo ra một chất liệu tổng hợp mới có thể có vai trò như lớp bảo vệ cho các tàu chiến. Loài cá mút đá Thái Bình Dương, hay còn biết đến với cái tên “lươn nhớt”, tiết ra chất nhờn bảo vệ để làm tắc nghẽn mang của các loài ăn thịt, khiến chúng không thở được.

Chất nhờn của loài cá này được so sánh với tơ nhện. Cả hai đều là những vật liệu tự nhiên, có thể tái tạo. Một ngày nào đó có thể thay thế các loại vật liệu tổng hợp sản xuất từ các sản phẩm dầu mỏ.

Đặc tính của chất nhờn của loài cá mút đá này được so sánh với Kevlar, một loại cao su tổng hợp dùng trong các thiết bị bảo vệ như mũ trận và áo vest chống đạn, theo Josh Kogot, một nhà sinh hóa của Hải quân Mỹ.

Hải quân Mỹ đang tìm cách tái tạo loại chất nhờn của loài cá mút đá để ứng dụng trong các lĩnh vực quân sự.

"Lớp nhờn của loài cá mút đá này có thể được dùng để chống đạn, cứu hỏa, chống va chạm, bảo vệ thợ lặn hoặc chế tạo thành chất phun chống cá mập” -  Kogot khẳng định trong một thông cáo của Hải quân - “Khả năng ứng dụng của nó là vô tận. Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một hợp chất có thể đóng vai trò bảo vệ sinh mạng nhưng không cản trở hoạt động trong các cuộc chiến”.

Chất nhờn bao gồm 2 thành phần chính: những sợi chỉ và dịch nhầy. Những sợi chỉ sẽ bung ra nhanh chóng khi tiếp xúc với nước, trong khi dịch nhầy kết hợp với nước để tăng kích cỡ, theo Ryan Kincer, kỹ sư vật liệu của Hải quân. Khi những sợi chỉ và dịch nhầy tiếp xúc với nước, chúng tạo ra một chiếc lưới nhờn 3 chiều. Krincer cho biết chiếc lưới này có thể tăng kích thước gấp 10.000 lần kích thước ban đầu.

Trong thử nghiệm mới nhất của Hải quân Mỹ, đội nghiên cứu đã tái tạo các protein của loài cá mút đá. Sau đó, họ sẽ tinh lọc chất nhờn của loài này để sản xuất hàng loạt. “Các nhà khoa học gọi chất nhờn của loài cá mút đá này là chất liệu sinh học độc đáo nhất được biết đến từ trước tới nay. Chắc chắn nó sẽ mang lại những ứng dụng to lớn cho Hải quân”, Kincer nói.

Anh Khoa (Theo Live Science)
.
.
.