Những kỷ niệm nhỏ về một tờ báo lớn

Thứ Hai, 31/10/2016, 16:29
Con người là có quy luật Sinh-Lão-Bệnh-Tử, báo chí cũng thế thôi. Có lúc khỏe, lúc yếu, có lúc thăng hoa rực rỡ và có lúc khó khăn. Báo An ninh Thế giới cũng không thoát khỏi quy luật đó. Bây giờ thì số lượng phát hành của báo không bằng thời những năm từ 1998 đến 2008, nhưng cũng vẫn thuộc vào hạng “có máu mặt” trong làng báo.

Thấm thoắt thế mà tờ An ninh Thế giới (ANTG) tuần đã có 20 năm tuổi.

Có lẽ, trong lịch sử báo chí cận đại Việt Nam, hiếm có tờ báo nào lại có lắm cái “nhất” như tờ ANTG. Đây là tờ báo “bị” thay đổi vị trí nhiều nhất. Lúc đầu là “Phụ san của Tạp chí Văn nghệ Công an”; sau là “Báo An ninh Thế giới” rồi đến năm 2004, lại là “Chuyên đề của Báo Công an nhân dân”.

Đây là tờ báo in đen trắng bằng thứ giấy… xấu nhất, trình bày đơn giản nhất, có “co” chữ nhỏ nhất. Và ANTG (tuần) là tờ báo từng có số lượng phát hành cao nhất – 720.000 bản/kỳ. 

Nhưng cũng như con người là có quy luật Sinh-Lão-Bệnh-Tử, báo chí cũng thế thôi. Có lúc khỏe, lúc yếu, có lúc thăng hoa rực rỡ và có lúc khó khăn. Báo ANTG cũng không thoát khỏi quy luật đó. Bây giờ thì số lượng phát hành của báo không bằng thời những năm từ 1998 đến 2008, nhưng cũng vẫn thuộc vào hạng “có máu mặt” trong làng báo.

Nhà báo Nguyễn Như Phong (bìa trái) trong một chuyến công tác tại Điện Biên năm 2005. Ảnh: Trang Dũng.

Nhưng nói về ANTG mà không nhắc đến Tạp chí Văn hóa – Văn nghệ Công an (VH-VN CA), người mẹ đẻ, thì thật là thiếu sót.

Ý định xuất bản Tạp chí VH-VN CA được nhà văn Hữu Ước nghĩ đến từ cuối năm 1994. Tuy nhiên, lúc này, chưa có mấy ai ủng hộ ý tưởng đó, nếu như không nói là bị phản đối. Song trước sự nhiệt tình của anh Hữu Ước và cũng nhận thấy một điều là: 

Muốn có đội ngũ sáng tác văn học trong lực lượng Công an, thì phải có “đất” để các cây bút trẻ trong lực lượng Công an đăng tải tác phẩm. Vì vậy, rất cần phải có một tạp chí văn học. Tạp chí này, ngoài nhiệm vụ rất lớn là đào tạo người viết cho lực lượng Công an, còn là “cây cầu nối” giữa các nhà văn bên ngoài với Công an. Từ đó, làm cho người dân hiểu và thông cảm với Công an, đồng thời tạo nên một mảng văn học về đề tài an ninh trật tự.

Vì thế lãnh đạo Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND (nay là Tổng cục Chính trị CAND) mà trực tiếp là đồng chí Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tính (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an) và đồng chí Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Dần đã quyết tâm cho xuất bản thử nghiệm. Trong việc này, vị lãnh đạo Bộ Công an đương thời tích cực ủng hộ nhất là đồng chí Thứ trưởng Thường trực  Nguyễn Tấn Dũng (sau này là Thủ tướng Chính phủ).

Khi bắt tay vào xuất bản thử nghiệm số báo đầu tiên, tôi được lãnh đạo Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND điều chuyển từ Báo CAND sang giúp việc anh Hữu Ước tổ chức bài vở và làm công tác Thư ký tòa soạn.

Tạp chí VH-VN CA ngay từ số đầu tiên đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ hết sức nhiệt tình của anh Hà Phi Long, Tổng Biên tập Báo Công an TP Hồ Chí Minh và anh Nguyễn Thanh Hải, Chánh Văn phòng Báo Công an TP Hồ Chí Minh (sau này, anh Hải chuyển công tác về Báo CAND và hiện là Trưởng Cơ quan đại diện Báo CAND tại TP Hồ Chí Minh). 

Báo Công an TP Hồ Chí Minh đã giúp Tạp chí VH-VN CA toàn bộ khâu kỹ thuật như trình bày, dàn trang, sửa lỗi, biên tập và  in ấn. Báo Công an TP Hồ Chí Minh đã bỏ tiền ra mua hầu hết các số thời kỳ đầu của Tạp chí VH-VN CA để phát cho Công an các đơn vị. Có thể khẳng định rằng: Nếu không có sự giúp đỡ ban đầu chí tình, chí nghĩa ấy thì Tạp chí VH-VN CA khó mà có thể phát triển được.

Sau khi ra được 4 số thử nghiệm thì Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND tổ chức họp rút kinh nghiệm và xin ý kiến cho chính thức ra đời Tạp chí VH-VN CA. Tại cuộc họp này, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (lúc đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin) khẳng định: Các số thử nghiệm đã có chất lượng tốt và hé mở ra một hướng mới cho đề tài an ninh trật tự, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng “Bộ Công an sẽ có một tạp chí văn học sang trọng, bề thế”. Sau cuộc họp này, Bộ Văn hóa – Thông tin chính thức cấp phép cho Tạp chí VH-VN CA.

Sang gần giữa năm 1996, khi Tạp chí VH-VN CA ra đời được vài tháng, anh Hữu Ước trăn trở cần phải có một tờ phụ, hay một tờ chuyên đề và nhiệm vụ của tờ này là “Làm ra tiền để nuôi tờ chính” – Mà trong đầu anh Hữu Ước, mảng đề tài về “an ninh thế giới” chưa có báo nào khai thác; nếu có thì cũng chỉ là vụn vặt, không ra “mảng miếng”. Anh Hữu Ước nói ý tưởng này với không ít người. Vì vậy sau này đã có nhà báo khoe rằng: “Tôi nghĩ ra tờ An ninh Thế giới”. 

Vào dịp 19-8-1996, số Chuyên đề ANTG đầu tiên được ra mắt, 10 ngày 1 số. Lúc đầu, Chuyên đề ANTG ra khổ to như các báo bình thường. Nhưng với sự nhạy bén thị trường, cộng với sự góp ý của ông Nguyễn Hồng Lạc, một người phát hành có kinh nghiệm ở các tỉnh phía Nam nên anh Hữu Ước đã quyết định xuất bản khổ nhỏ (A4) và Chuyên đề ANTG tuần giữ nguyên khổ đó cho tới ngày hôm nay.

Cũng lại phải nói rằng từ những ngày đầu, Chuyên đề ANTG đã được Ban Biên tập Báo Công an TP Hồ Chí Minh giúp đỡ nhiệt tình. Họa sĩ trình bày Báo Công an TP Hồ Chí Minh là anh Nguyễn Văn Sĩ được mời trình bày Chuyên đề ANTG. Báo Công an TP Hồ Chí Minh giúp Chuyên đề ANTG toàn bộ khâu dàn trang, sửa lỗi và in ấn. 

Ngày đó, Chuyên đề ANTG được xuất bản theo quy trình rất thủ công: Bài vở chuẩn bị từ Hà Nội. Tôi ôm bài vào và anh Nguyễn Văn Sĩ trình bày, bộ phận kỹ thuật của Ban TKTS Báo Công an TP Hồ Chí Minh giúp sửa lỗi, biên tập (việc biên tập chủ yếu do nhà văn Phan Tường Niệm và Nguyễn Ngọc Mộc đảm nhiệm). Sau khi dàn trang, in ở TP Hồ Chí Minh xong, tôi  lại ôm bản in mang ra Hà Nội để in tiếp.

Tháng nào cũng kẽo kẹt 6 chuyến bay. Hình ảnh tôi ôm ống nhựa đựng phim đã quá quen thuộc với nhân viên hàng không ở hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Tòa soạn lúc này mới chỉ hơn chục người, cho nên từ quan đến lính phải làm tất, từ viết bài, biên tập, đi nhà in, rồi bốc vác báo…Trụ sở phía Nam thì chưa có, tất cả phải ăn nhờ, ở nhờ Báo Công an TP Hồ Chí Minh.

Chuyên đề ANTG ngay từ đầu đã tạo được tiếng vang và số lượng phát hành từ hơn 10 ngàn tăng lên 15 rồi 20 ngàn bản/kỳ. Bài vở thời kỳ đầu chủ yếu là bài dịch từ báo chí nước ngoài. Tuy nhiên, sau khoảng hơn hai chục số báo thì lượng phát hành của ANTG chững lại và có xu hướng giảm dần… 

Sau khi điều tra tại các đại lý là “tại sao báo giảm”, Tổng Biên tập Nguyễn Hữu Ước được phản ánh là “vì báo toàn nói chuyện đâu đâu”. Do vậy, anh Hữu Ước quyết định chuyển một phần hướng đề tài là: Phản ánh chiến công của lực lượng Công an trong cuộc  đấu tranh với các loại tội phạm hình sự, thông qua các vụ án lớn. Và phải có một cách viết mới, không giống với thể loại “Tường thuật vụ án” hoặc “Chuyện cảnh giác” như trước đây.

Và tôi được giao nhiệm vụ đi viết vụ án Công an Hà Nội triệt phá đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia Xiêng Phênh -Vũ Xuân Trường. Với nguồn tư liệu dồi dào, tiếp cận được các trinh sát, cán bộ điều tra và gặp được một số đối tượng trong vụ án tôi đã có phóng sự nóng hổi về đường dây ma túy này. Ngay lập tức, loạt bài về vụ án đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của dư luận và số lượng phát hành tăng nhanh chóng. Khi vụ án được đưa ra xét xử, số lượng phát hành của ANTG đã tăng lên đến gần 300 ngàn bản.

Và cũng từ đây, Chuyên đề ANTG đã cho ra đời một cách viết mới về vụ án, đó là: “Dùng thể loại phóng sự để chuyển tải thông tin về vụ án”. Đây là sự sáng tạo của Tổng Biên tập Nguyễn Hữu Ước; và chính thể loại này đã tạo cho ANTG có một diện mạo mới mà không báo nào bắt chước được trong một thời gian dài. Có thể nói cách viết này đã tạo nên “bản sắc riêng” của ANTG. Những phóng viên thực hiện xuất sắc “cách viết” này là Nguyễn Hồng Lam, Đặng Huyền, Vũ Cao… 

Chuyên đề ANTG bùng nổ về số lượng khi có các loạt bài viết về cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan do tôi  và  nhà văn Nguyễn Quang Thiều thực hiện vào cuối tháng 10 năm 2001. Có số, lượng phát hành lên đến 720 ngàn bản. Tuy nhiên, chỉ có 1 số báo có lượng phát hành này - đây là kỷ lục về số lượng phát hành ở Việt Nam - trước đó, và sau này, chưa có tờ báo nào có lượng phát hành lớn như vậy. Suốt một thời gian dài, ANTG giữ kỷ lục về lượng phát hành từ 400 đến gần 500 ngàn bản.

Do ảnh hưởng của Chuyên đề ANTG với xã hội là quá lớn nên lãnh đạo Bộ Công an quyết định thay đổi tổ chức: Nâng Chuyên đề An ninh Thế giới của Tạp chí VH-VN CA thành Báo ANTG và Tạp chí VH-VN CA chuyển thành “Phụ trương của Báo ANTG”. Rồi khi sáp nhập ANTG vào Báo CAND thì lại là “Chuyên đề của Báo CAND”, xuất bản tuần 2 kỳ vào thứ tư và thứ bảy.

Có câu chuyện vui thế này. Vào năm 1999, khi báo có trụ sở mới ở 100 Yết Kiêu. Anh Hữu Ước bảo tôi rằng: “Nghe nói mày biết lập quẻ Dịch. Mày xem ANTG phát triển được bao nhiêu năm”. Tôi bấm quẻ xong và nói: “Được rực rỡ khoảng 15 năm. Nhưng sau đó, có lẽ em là người rời báo trước”. Anh Ước cười lớn và bảo: “Tao chỉ mơ được 10 năm”. Và thật kỳ lạ, đến năm 2010 – khi Tạp chí VH-VN CA được 15 năm và ANTG được 14 năm, thì tôi rời khỏi báo, sang làm một tờ báo khác mà chẳng liên quan gì đến lĩnh vực an ninh trật tự.

Nguyễn Như Phong
.
.