Xã hội hóa y tế trong Công an để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Chủ Nhật, 28/05/2017, 17:10
Sau 6 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế trong CAND, 10 đề án xã hội hóa y tế tại các Bệnh viện (BV) đã được lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt, tạo sự thay đổi mạnh mẽ cả về chất và lượng của y tế Công an.


BV 19-8 là đơn vị thực hiện xã hội hóa sớm và mạnh nhất trong các đơn vị y tế CAND. Đề án xã hội hóa đầu tiên được triển khai là “Liên doanh, liên kết lắp đặt, sử dụng hệ thống chụp cắt lớp vi tính 2 lát" với TRAMATCO có tổng số vốn 5,25 tỷ đồn. Đề án này đã góp phần quan trọng giảm tải cho việc chụp cắt lớp tại BV, nâng cao hiệu quả chẩn đoán. 5 năm qua, việc thực hiện đề án vẫn rất hiệu quả,.

BV 19-8 còn mạnh dạn huy động nguồn vốn nội lực để xã hội hóa. Để triển khai đề án “Lắp đặt máy khảo sát vữa xơ động mạch ngoại biên không xâm lấn”, BV đã liên doanh, liên kết với chính Khoa Nội tiết của BV, góp phần phục vụ công tác khám sức khỏe cho cán bộ cao cấp những năm qua. 

Thành công này là cơ sở để BV tiếp tục huy động nguồn vốn 1,2 tỷ đồng từ Trung tâm Ung bướu của BV để thực hiện đề án “Lắp đặt máy điều trị ung thư bằng sóng VIBA”, tiếp đó là đề án “Lắp đặt máy nội soi qua đường mũi” với Khoa Nội tiêu hóa có số vốn 800 triệu đồng. 

Từ kết quả trên, năm 2016, BV tiếp tục triển khai đề án “Lắp đặt, khai thác máy chạy thận và máy pha dịch thận” với số vốn lên tới 18.578 tỷ.

Xã hội hóa y tế trong lực lượng Công an giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh 

BV 30-4 cũng nhanh chóng triển khai 2 đề án xã hội hóa: thành lập "Đơn vị mắt kỹ thuật cao” với số vốn tới 54 tỷ đồng và đề án “Phát triển khu liên kết với BV Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh” gồm 50 giường điều trị nội trú có tổng vốn 40 tỷ đồng, hiện vẫn hoạt động hiệu quả.

Đề án “Khu liên kết Y khoa Quốc tế Việt Xuân" có số vốn 9,5 tỷ đồng của BV Y học cổ truyền –Bộ Công an đã “đánh thức” nhiều bài thuốc hay nhờ sử dụng các lương y gia truyền giỏi bốc thuốc, bấm huyệt, châm cứu, vật lý trị liệu để chữa bệnh nan y. Sau 2 năm hoạt động, khi đối tác rút vốn, BV đã liên doanh liên kết với CBCS trong đơn vị để tiếp tục hoạt động tốt cho đến nay.

Việc triển khai xã hội hóa y tế tại các BV CAND có ý nghĩa quan trọng để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), mang lại nguồn thu lớn khi năm 2016, chỉ 4 BV thuộc Tổng cục IV đã có số thu 61.9 tỷ đồng.

Từ kết quả xã hội hóa của các BV tuyến trên, năm 2016 BV Công an tỉnh Phú Thọ cũng triển khai đề án “Hợp tác phát triển phòng tiêm POTEC 55” với số vốn 1,430 tỷ đồng và BV Công an tỉnh Tuyên Quang cũng triển khai đề án “Liên doanh, liên kết khai thác hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính” có số đầu tư gần 5 tỷ.  

BV 198 đã có máy móc hiện đại trong điều trị ung thư

Hoạt động xã hội hóa y tế còn được các đơn vị triển khai với nhiều hình thức: KCB bảo hiểm y tế (BHYT), KCB cho nhân dân theo diện thu một phần viện phí, dịch vụ KCB tại nhà; khám sức khỏe định kỳ cho các đơn vị; khám sức khỏe lái xe, tư vấn sức khỏe; hoặc hợp tác với BV quân, dân y để thành lập khu liên kết điều trị, mời chuyên gia y tế, thầy thuốc giỏi đến KCB. 

Một số BV còn hợp đồng hỗ trợ chuyên môn với các BV trên địa bàn, hoặc bố trí một buồng bệnh theo yêu cầu, phẫu thuật theo yêu cầu và đều đạt hiệu quả. Một số BV khá tổ chức cung ứng thuốc, vật tư thiết bị y tế cho các bệnh nhân dịch vụ đến KCB; liên kết với hình thức chủ yếu là sử dụng cơ sở vật chất là trang thiết bị, nhà cửa, cơ sở hạ tầng để hoạt động dịch vụ y tế, cung ứng dịch vụ y tế; đối tác lắp đặt trang thiết bị tại cơ sở y tế CAND để hoạt động dịch vụ y tế; liên doanh liên kết triển khai kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng KCB.

Tuy nhiên, theo Đại tá Phạm Tự Do –Phó Cục trưởng Cục Y tế (Bộ Công an), quá trình triển khai xã hội hóa y tế vẫn còn gặp nhiều vướng mắc: Quy định vốn do phía Công an đóng góp chiếm 51% nên khó thu hút được nguồn vốn; tỷ lệ phân chia lợi nhuận theo Thông tư 06/2010/TT-BCA và Thông tư 14/2011/TT-BCA chưa hợp lý, quỹ trích cho CBCS tham gia xã hội hóa còn thấp nên chưa khuyến khích việc tham gia vào xã hội hóa. Nhiều đơn vị chưa chủ động sáng tạo trong công tác xã hội hóa. Nhiều cơ sở y tế nằm trong khuôn viên Công an tỉnh, hoặc nằm xa trung tâm nên rất khó xã hội hóa, liên doanh, liên kết…

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, tạo điều kiện cho y tế Công an ngày càng phát triển, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo sửa đổi bổ sung Thông tư số 14 theo hướng điều chỉnh tỷ lệ góp vốn và tỷ lệ phân phối kết quả hoạt động. Tổng cục Hậu cần –Kỹ thuật cũng chỉ đạo các đơn vị y tế chủ động rà soát điều kiện hoạt động theo Luật KCB và Luật BHYT; chủ động tìm đối tác liên danh, liên kết xã hội hóa y tế để đủ điều kiện cấp phép, chuẩn bị trước cho việc đăng ký KCB BHYT; rà soát các danh mục kỹ thuật đã được phê duyệt và bổ sung các danh mục kỹ thuật mới thông qua hình thức xã hội hóa y tế, để sớm hình thành các tuyến điều trị liên tục, giúp CBCS Công an thuận tiện khi chuyển tuyến điều trị.

Có một thực tế không thể phủ nhận là nhờ chủ trương xã hội hóa mà các đơn vị y tế trong lực lượng Công an đã có được cơ sở vật chất và hệ thống trang thiết bị máy móc y tế hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng KCB, đáp ứng yêu cầu của CBCS và nhân dân, đồng thời, nâng cao trình độ, năng lực của các thầy thuốc. Những năm gần đây, y tế CAND đã thực hiện được nhiều kỹ thuật cao, như ghép thận, ghép tủy, mổ tim hở, điều trị bệnh ung thư vv… 


Thanh Hằng
.
.