Vượt núi vào thôn, bản cấp chứng minh nhân dân cho đồng bào

Chủ Nhật, 14/05/2017, 08:00
Với mong muốn phục vụ nhu cầu của người dân được tốt nhất, giảm thời gian đi lại, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vừa qua, Công an tỉnh Hà Giang đã liên tục tổ chức các tổ công tác về thôn, bản để đổi, cấp mới chứng minh nhân dân (CMND), sổ hộ khẩu… cho đồng bào các dân tộc, người già yếu, bệnh tật. 


Những việc làm của cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Giang đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bà con vùng cao, góp phần xây dựng hình ảnh lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Hà Giang cho biết, từ tháng 11-2016 đến tháng 4-2017, trong tổng số 17.682 CMND trả cho công dân, đơn vị đã cấp mới 9.071, cấp đổi 4.130, cấp lại là 4.481 CMND. Để có được những con số ấn tượng như trên trong một thời gian ngắn, đơn vị đã phối hợp nhịp nhàng với Công an các huyện thường xuyên lập kế hoạch đi từng xã.

Một trong những điển hình, tích cực phải kể đến Công an huyện Quản Bạ. Từ đầu năm đến tháng 5-2017, Đội QLHC về TTXH của Công an huyện đã tiến hành làm CMND cho người dân đạt 74,8%, ưu tiên các xã biên giới xa xôi, heo hút như:  Cao Mã Pờ, Tùng Vải, Tả Ván, Bát Đại Sơn, Nghĩa Thuận…

Cán bộ Công an tỉnh Hà Giang làm CMND cho bà con tại địa bàn vùng cao, vùng xa.

Theo Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó trưởng Công an huyện Quản Bạ phụ trách lĩnh vực QLHC về TTXH, trên địa bàn huyện có 22 dân tộc anh em, trong đó phần lớn là người dân tộc Mông. Trong năm 2017, đơn vị được giao chỉ tiêu làm 2000 CMND cho bà con, tổ công tác của Đội QLHC  cứ 1 tháng đi 2 xã. 

Không kể ngày mưa hay nắng, các anh trong tổ công tác đã đi xe máy vượt hàng trăm cây số để đến UBND xã, sau đó đi bộ gần 10km để đến các thôn Chín Chú Lìn và Giàng Chá Pìn, thuộc xã Cao Mã Pờ và thôn Sủa, xã Cán Tỷ, để làm CMND cho bà con.

 Thiếu úy Nguyễn Tiến Dũng, cán bộ của Đội QLHC về TTXH Công an huyện trực tiếp xuống các thôn, bản làm thủ tục cấp giấy CMND kể lại: Có hôm anh và một cán bộ nữa đi xe máy nhưng giữa đường thủng săm, xung quanh chỉ là núi. Các anh phải dắt xe máy một quãng đường dài mới đến thôn. Thấy cán bộ làm CMND vất vả, người dân đã giúp đi xuống xã mua săm để mang về thay.

Hay có lần, đúng đợt lũ về, nước sông Đông Hà (thuộc xã Đông Hà) cuồn cuộn chảy nhưng vì đã lên lịch hẹn với bà con đến làm CMND, Thiếu úy Dũng và đồng đội vẫn quyết định ngồi trên mảng để qua sông. “Chỉ cần nhìn thấy bà con kéo đông đến thôn làm CMND là mọi vất vả của anh em dường như tan biến”- Thiếu úy Dũng chia sẻ.

Trước đây, có những hộ gia đình cả nhà không ai có bất cứ loại giấy tờ tùy thân nào. Họ sống biệt lập, hầu như không có sự giao lưu với bên ngoài nên chưa nhận thấy sự cần thiết của các loại giấy tờ tùy thân.

“Việc người dân không hề có giấy tờ tùy thân đã gây ảnh hưởng không nhỏ trong công tác quản lý hộ khẩu, hộ tịch... Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc khó kiểm soát ANTT trên địa bàn, gây khó khăn trong công tác quản lý, phòng chống tội phạm. Vì thế Công an tỉnh Hà Giang đã có kế hoạch tăng cường cán bộ Công an xuống cơ sở, tại địa bàn giáp ranh, trọng điểm, phức tạp về ANTT giúp người dân không phải đi lại nhiều để làm cấp đổi giấy CMND, sổ hộ khẩu đã hết hạn sử dụng và rách nát…” - Thượng tá Ngô Thanh Bình cho biết.

Ông Sùng Seo Lềnh (85 tuổi), trú tại thôn Chín Chu Lìn, xã Cao Mã Pờ tâm sự: “Đã nhiều lần ông định xuống Công an huyện để đổi CMND nhưng do đường sá xa xôi, bản thân lại có tuổi, không đi được xe máy. Nay các anh Công an về tận thôn để đổi, cấp mới cho bà con, không chỉ riêng tôi đâu, mọi người phấn khởi lắm…”.

Nở nụ cười tươi sau khi đón nhận CMND cấp mới, em Vàng Thị Dính (14 tuổi), người trẻ tuổi nhất trú tại thôn Sủa Cán Tỷ vui mừng chia sẻ: “Có CMND sẽ giúp ích cho em khi ra thành phố học”.

 Bà Vàng Thị Hoa (86 tuổi), trú tại thôn Vàng Chá Phìn, xã Cai Mã Pờ cho biết: “Có CMND, tôi có thể đi vay vốn lấy tiền sửa nhà, mua tấm tôn lợp mái, mua con lợn giống… Đặc biệt là đi khám chữa bệnh được hưởng chế độ.”

Theo Thượng tá Ngô Thanh Bình, để giải quyết các thủ tục cho nhân dân được nhanh gọn, hiệu quả, tổ công tác cấp phát CMND của Đội QLHC Công an huyện đã phối hợp với Công an xã lên kế hoạch cụ thể cho từng thôn, bản để thông báo cho mọi người. Mỗi tháng, đơn vị còn thường xuyên liên hệ với bệnh viện, Phòng Lao động-Thương binh & Xã hội để tổ chức cấp phát CMND ngay tại giường bệnh cho các bệnh nhân vùng sâu, vùng xa đang chữa trị tại bệnh viện.

Công việc gặp không ít khó khăn như: Do trình độ dân trí của đồng bào còn thấp, một số người dân không thể tự viết bản khai thông tin cá nhân, người dân không biết nói tiếng phổ thông, cách phát âm họ tên cũng khó nghe, gây khó khăn cho việc ghi thông tin, cấp giấy CAND…

Mỗi cán bộ, chiến sĩ của Đội CMND, hộ khẩu đã luôn tự ý thức, tập trung rèn về kỷ luật, kỷ cương, lề lối làm việc, thái độ, tác phong, tinh thần phục vụ nhân dân. Trong quá trình tiếp xúc với nhân dân, họ luôn luôn có thái độ niềm nở, lễ phép, kính trọng nhân dân, tận tụy, trách nhiệm với công việc…

Từ đầu năm đến nay, Công an huyện Quản Bạ đã cấp tổng số 1.496 hồ sơ CMND, cấp mới 897, cấp đổi 352, cấp lại 247. Trong số này, tổng số công dân thuộc địa bàn biên giới trong đợt cấp lưu động là 391 người.

M.Hiền – X.Trường
.
.