Vĩnh biệt Đại tướng Mai Chí Thọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an

Thứ Tư, 30/05/2007, 07:59

Đại tướng Mai Chí Thọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an từ năm 1987 tới năm 1991, đã từ trần vào lúc 8h sáng 28/5 tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108, Hà Nội. Đây là tin buồn không chỉ riêng đối với lực lượng CAND mà với cả toàn Đảng, toàn dân ta.

Trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Mai Chí Thọ đã luôn phấn đấu không ngừng cho mục tiêu, như chính đồng chí có lần đã tự viết, "chứng minh cho lý tưởng cộng sản và sự tất thắng của chủ nghĩa xã hội. Lấy những kết quả thực tế để chứng minh cho sự đúng đắn của Đảng ta…".

Đại tướng Mai Chí Thọ đã được trao tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng cùng nhiều Huân chương cao quý khác. Mới đây nhất, Chủ tịch nước đã trao tặng Đại tướng Mai Chí Thọ Huân chương Sao Vàng cao quý nhất của Nhà nước ta.

Đại tướng Mai Chí Thọ tên thật là Phan Đình Đống, sinh năm 1922 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, quê ở xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, nay là khu phố Địch Lễ, phường Nam Vân thuộc thành phố Nam Định. Đồng chí là em ruột của đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Đinh Đức Thiện, những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong một bài viết của mình, Đại tướng Mai Chí Thọ nhớ lại: "Tôi tham gia cách mạng năm 1936, khi tôi 14 tuổi. Hoàn cảnh gia đình và xã hội lúc đó hướng tôi theo con đường cách mạng giải phóng dân tộc, thực hiện công bằng xã hội. Đối với tôi, đây là con đường định mệnh không thể nào khác được.

Năm 1928, tôi mồ côi cha lúc 6 tuổi. Năm 1929, một trận bão lụt khủng khiếp tàn phá đồng bằng Bắc Bộ, quê hương tôi, làm sập đổ 99% nhà cửa, cuốn trôi sạch mùa màng, cây trái. Năm 1930, cuộc tổng khủng hoảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản lại tiếp tục giáng một đòn trí mạng vào nền kinh tế ọp ẹp của nước ta.

Nỗi thống khổ đến cùng cực trong đời sống dân tộc, nỗi nhục nhã, ê chề của người dân mất nước đã đến mức hết chịu nổi. Đình công, bãi công, đòi dân sinh, dân chủ, độc lập dân tộc diễn ra khắp nơi. Đế quốc Pháp đã đàn áp dã man phong trào cách mạng của quần chúng. Ba người anh ruột của tôi cũng bị bắt bỏ tù về tội làm cộng sản trong thời gian này.

Đế quốc Pháp càng  bắt bớ, tù đày, bắn giết thì những gương anh hùng cách mạng càng tỏa sáng trong nhân dân. Những anh hùng đó càng trở nên những thần tượng cách mạng được lớp thanh thiếu niên chúng tôi ngưỡng mộ và quyết noi theo. Chính vì thế tôi thường tìm tòi, góp nhặt những tin tức, hình ảnh về những con người vô cùng đáng kính đó…".

Noi theo tấm gương sáng ngời tinh thần ái quốc, thương dân của những người đi trước, đồng chí Mai Chí Thọ đã phấn đấu không ngừng nghỉ trên con đường cách mạng.  Tháng 9/1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đang năng nổ hoạt động cách mạng như cánh chim gặp bầu trời cao rộng, năm 1940, đồng chí đã bị thực dân Pháp bắt và giam giữ tại hàng loạt các nhà giam khắc nghiệt trên đất liền và cuối cùng đã bị đày ra nhà tù Côn Đảo.

Chỉ tới khi Cách mạng Tháng Tám Mùa thu năm 1945 thành công, đồng chí mới được trở lại với đất liền và liên tục được giao những nhiệm vụ quan trọng: Trưởng Ty công an, Phó Bí thư Tỉnh ủy ở Cần Thơ rồi ở Mỹ Tho…

Từ năm 1950 tới năm 1952, đồng chí là Phó Giám đốc Sở Công an Nam Bộ, Phó Bí thư, Bí thư Liên chi chính quyền Nam Bộ… Đây là giai đoạn mà đồng chí được công tác gần với đồng chí Lê Duẩn, khi đó còn là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Nhớ lại giai đoạn này, đồng chí Mai Chí Thọ đã đúc kết những bài học từ phong cách làm việc của đồng chí Lê Duẩn:

"Trên cương vị lãnh đạo, Anh đã thể hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách sáng tạo, phát huy được tinh thần yêu nước, trình độ học vấn cao của đội ngũ trí thức Nam Bộ, vì thế, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đảng viên chỉ có vài người mà lại không giữ vai trò chủ chốt, nhiều nhân sĩ, trí thức, chẳng hạn, như lãnh đạo Sở Công an Nam Bộ là luật sư Diệp Ba, còn đồng chí Phạm Hùng, Xứ ủy viên, cũng chỉ giữ vai trò Phó Giám đốc. Những nhân sĩ này đã tự giác đi theo cách mạng, theo Đảng, phát huy tốt năng lực chuyên môn của mình.

Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy mà đứng đầu là Anh Lê Duẩn, chính sách cải cách ruộng đất ở miền Nam lúc đó tiến hành rất hợp tình, hợp lý, chỉ tịch thu ruộng đất của bọn Việt gian để chia cho nông dân, ruộng đất của địa chủ vắng mặt thì tạm giao cho dân canh tác chứ không tịch thu.

Khi các địa chủ đó trở về, nếu xét thấy họ không cộng tác với Pháp thì sẽ trả lại ruộng đất. Đối với địa chủ tham gia kháng chiến thì vận động họ hiến điền một cách tự nguyện. Chính sách này được nhân dân đồng tình ủng hộ mà tầng lớp địa chủ cũng thấy thỏa đáng. Do đó, cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ đã thể hiện được chính nghĩa và phát huy được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc…".

Trong giai đoạn từ năm 1955 tới năm 1960, đồng chí Mai Chí Thọ là Phó ban rồi Trưởng ban Địch tình Xứ ủy Nam Bộ, Xứ ủy viên dự khuyết (1958-1960)… Trong giai đoạn từ năm 1960 tới năm 1964, đồng chí là Bí thư Khu ủy Miền Đông Nam Bộ, Chính ủy Quân khu Miền Đông Nam Bộ.

Từ năm 1965 tới năm 1975, đồng chí là Ủy viên Thường vụ, Phó Bí thư rồi Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, Chính ủy Quân khu Sài Gòn - Gia Định.

Từ năm 1976 tới năm 1986, đồng chí đã giữ các chức vụ: Giám đốc Sở Công an TP Hồ Chí Minh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh và Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Lê Hồng Anh, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Khánh Toàn, Thứ trưởng Trương Hòa Bình và lãnh đạo các Tổng cục của Bộ Công an đến chúc Tết đồng chí Mai Chí Thọ (xuân Đinh Hợi 2007). Ảnh: Phương Nam.

Là một trong những lãnh đạo chủ chốt ở thành phố mang tên Bác trong giai đoạn phát triển không đơn giản và dễ dàng đó, đồng chí Mai Chí Thọ đã tỏ rõ bản lĩnh của một nhà cách mạng, cùng các đồng chí Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt kiên quyết và nhất quán ủng hộ tư duy Đổi mới của Đảng ta. Có lẽ cũng chính vì thế nên đồng chí Mai Chí Thọ đặc biệt ấn tượng với những việc Đảng ta đã làm được với Nghị quyết Đại hội VI.

"Tôi cho rằng: Nghị quyết Đổi mới của Đại hội VI do đồng chí Trường Chinh dự thảo là chiến lược lâu dài của Đảng ta sau chiến tranh. Nó phải là tài liệu gối đầu giường của mỗi cán bộ, đảng viên. Chúng ta phải đọc đi đọc lại để thấm nhuần và thực hiện cho được những tư tưởng cơ bản trong đó.

Vì sao vậy?

Báo cáo Chính trị và Nghị quyết Đại hội VI là đỉnh cao của thái độ thực sự cầu thị, dám nhìn thẳng vào sự thật và nói rõ sự thật, dũng cảm phê bình và tự phê bình một cách nghiêm túc, giải phóng được sức mạnh của dân tộc,  sự thông minh, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, của cán bộ, đảng viên chúng ta, chắp cánh cho chúng ta vươn đến những thắng lợi vĩ đại. Đúng như trong Điều lệ Đảng đã nói: Phê bình và tự phê bình là quy luật phát triển của Đảng ta, chỉ có thực sự vì dân, vì nước, vì lý tưởng cách mạng mới có thái độ dũng cảm phê bình, tự phê bình như thế. Không loại bỏ được quan liêu, tham nhũng thì không thể nào đạt được trình độ phê bình và tự phê bình như thế. Đó là một bài học lịch sử vô cùng quý hiếm của Đảng ta.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI đã nhắc lại cho chúng ta những vấn đề rất cơ bản như:

- Lấy dân làm gốc.

- Tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan.

- Phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

- Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là công tác tư tưởng, tổ chức và cán bộ.

Nghị quyết cũng đã chỉ rõ, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới".

Năm 1986, đồng chí Mai Chí Thọ nhận nhiệm vụ làm Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) rồi trở thành Bộ trưởng (1987) cho tới năm 1991. Đồng chí cũng là Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI của Đảng ta.

Với những trọng trách đó, đồng chí đã luôn thể hiện mình là một người đảng viên tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản. Có lần, đồng chí tự nhận xét: "Tôi là người thường nói thẳng, nói thật, nhiều khi đến mức khó nghe…".

Trong bất luận hoàn cảnh nào, ngay cả khi đã không còn đảm nhận các trọng trách chính thức nữa, Đại tướng Mai Chí Thọ vẫn giữ nguyên tâm nguyện: "Về phần tôi, mặc dầu đã nghỉ hưu, không còn quyền hành trong tay, tôi vẫn phải làm những công việc cụ thể tại thành phố này, nơi tôi có nhiều mối quan hệ gắn bó để chứng minh cho lý tưởng cộng sản và sự tất thắng của chủ nghĩa xã hội. Lấy những kết quả thực tế để chứng minh cho sự đúng đắn của Đảng ta để góp ý với lãnh đạo…".

Cho tới phút cuối cùng của cuộc đời mình, Đại tướng Mai Chí Thọ vẫn canh cánh những suy tư về việc dân, việc nước.

Với Báo CAND - Chuyên đề ANTG và VNCA, Đại tướng Mai Chí Thọ từ lâu đã là một tác giả, một độc giả quen thuộc, đầy thiện chí và trách nhiệm.

Gần một năm trước, nhân kỷ niệm 10 năm Chuyên đề ANTG ra số đầu tiên, Đại tướng Mai Chí Thọ trong bài trả lời phỏng vấn đã ân cần nhắc nhở: "Phải có thêm những bài mang tính chiến lược, tính dự báo. Mong muốn của tôi đối với báo chí của lực lượng Công an nói chung và ANTG nói riêng, là cần phát huy sự phối hợp giữa tờ báo và mọi thành phần trong xã hội, để đạt được điều mà các đồng chí đã đề ra: Đó là nhân văn, tin cậy, kịp thời…".

Trước mất mát to lớn này, tập thể cán bộ, phóng viên của Báo CAND - Chuyên đề ANTG và VNCA xin được gửi lời chia buồn sâu sắc và chân thành nhất tới gia đình Đại tướng Mai Chí Thọ. Xin vĩnh biệt người chiến sĩ cách mạng, nhà lãnh đạo Công an đã trọn đời vì nước, vì dân, vì sự phát triển tích cực và mạnh mẽ của lực lượng CAND xã hội chủ nghĩa

.
.