Vì sao tai nạn giao thông vẫn tăng?

Thứ Tư, 25/04/2007, 09:35
Công tác phối hợp giữa các ngành, lực lượng trong công tác bảo đảm TTATGT chưa đồng bộ, hiệu quả thấp. Lực lượng CSGT ở các địa phương còn thiếu, đặc biệt ở cấp huyện, do vậy nhiều tuyến đường địa phương không có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ TTKS.

Mặc cho tình hình giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) đang được Cục CSGT và các ban, ngành chức năng liên quan tăng cường các biện pháp, phối hợp chặt chẽ và được siết chặt ở các tuyến phố, tuyến đường trọng điểm trên toàn quốc, thực trạng TNGT dường như vẫn diễn ra tỷ lệ nghịch với những nỗ lực của các cơ quan chức năng.

Quý 1 của năm 2007 xảy ra 3.882 vụ TNGT đường bộ, làm chết 3.503 người, bị thương 3.126 người. So với cùng kỳ năm ngoái tăng 117 vụ TNGT (3,1%), tăng 251 người chết (7,7%), tăng 100 người bị thương (3,3%). Trong đó TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 50 vụ, làm chết 145 người, 138 người bị thương. So với cùng kỳ năm ngoái tăng 13 vụ ( 35,14%), tăng 33 người chết (29,5%) tăng 28 người bị thương (25,5%).

Những địa bàn xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng là Bình Thuận 8 vụ, Đắk Lắk 4 vụ, Quảng Trị, Quảng Ninh, Đồng Nai mỗi nơi 3 vụ. TNGT đường sắt cũng tăng cao, xảy ra 76 vụ, chết 55 người, bị thương 70 người, tăng so với quý 1 năm 2006 1,33%, tăng 17 người chết… trong đó đặc biệt nghiêm trọng là vụ ở Khánh Hoà, tàu đâm ôtô khách làm chết 14 người, bị thương 26 người.

Trong những ngày cuối tháng 4 này, tình hình TNGT dường như tăng đột biến. Đặc biệt tuần thứ 3 của tháng 4 cả nước xảy ra 279 vụ TNGT làm chết 242 người, bị thương 220 người tăng so với tuần thứ 2 của tháng tới 22 vụ, tăng 29 người chết và 30 người bị thương.

Nguyên nhân của tình trạng TNGT tăng cao đột biến vào những tháng đầu tiên của năm 2007 do nhu cầu đi lại giữa các vùng, miền trong dịp Tết, lễ hội. Số phương tiện tham gia giao thông cũng tăng cao.

Bên cạnh đó cần phải thừa nhận rằng sự chỉ đạo của UBND các tỉnh, thành phố về việc giảm thiểu TNGT chưa thật quyết liệt, phong trào toàn dân tham gia giữ gìn TTATGT ở các địa phương kém hiệu quả.

Công tác phối hợp giữa các ngành, lực lượng trong công tác bảo đảm TTATGT chưa đồng bộ, hiệu quả thấp. Lực lượng CSGT ở các địa phương còn thiếu, đặc biệt ở cấp huyện, do vậy nhiều tuyến đường địa phương không có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ TTKS.

Về mặt quản lý Nhà nước về TTATGT cũng còn nhiều bất cập, thiếu biện pháp cụ thể.

Về mặt chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an chỉ đạo quyết liệt nhưng Ban ATGT các cấp, các ngành của địa phương chưa thật sự quyết liệt.

Một nguyên nhân chính dẫn đến TNGT ngày một tăng cao là do ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông rất thấp. Qua phân tích số liệu TNGT xảy ra trong quý 1-2007 cho thấy có tới 80,3% số vụ TNGT nguyên nhân do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông...

Giải pháp trọng tâm thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT của lực lượng CSGT trong thời gian tới, đặc biệt hưởng ứng Tuần lễ an toàn giao thông toàn cầu diễn ra từ ngày 23 đến 29/4, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo lực lượng CSGT thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo TTATGT.

Tập trung lực lượng tăng cường TTKS, xử lý vi phạm trên tuyến QL1 và các tuyến quốc lộ trọng điểm. Đảm bảo TTATGT dịp bầu cử Quốc hội khoá XII, phấn đấu kiềm chế, giảm TNGT, đạt mục tiêu Chính phủ đề ra. Nhân dịp này,

Cục CSGT đã triển khai kế hoạch, siết chặt công tác kiểm tra kiểm soát giao thông ở các địa bàn trọng điểm của các địa phương. Tăng cường lực lượng cán bộ đi thực tế xuống cơ sở, tăng cường phương tiện, trang bị máy móc hỗ trợ đo tốc độ... Tập trung toàn lực lượng vào việc xử lý những nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Đồng thời chỉ đạo CSGT các địa phương tích cực tham gia tuyên truyền triển lãm ảnh về an toàn TNGT ở các địa bàn trọng điểm như ga Hà Nội - Bến xe phía Nam.

Mong rằng trong thời gian tới, với sự nỗ lực của Cục CSGT và các ban, ngành chức năng, tình hình TNGT sẽ được giảm thiểu một cách khả quan

Thuần Nguyên
.
.