Vì một mái ấm bình yên

Thứ Tư, 03/01/2018, 10:33
Bằng sự chung sức, đồng lòng của lực lượng Công an và Hội Liên hiệp Phụ nữ, những mô hình tự quản về an ninh trật tự với nhiều cách thức hoạt động hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm ngay từ cơ sở.


Đó là chương trình giao lưu với những câu chuyện giúp đỡ tình người, xúc động vừa diễn ra tại Trường quay S1 Truyền hình ANTV. Bằng sự chung sức, đồng lòng của lực lượng Công an và Hội Liên hiệp Phụ nữ (HLHPN), những mô hình tự quản về an ninh trật tự (ANTT) với nhiều cách thức hoạt động hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm ngay từ cơ sở. Các gia đình, dòng họ và từng người dân đã chủ động tuyên truyền, giáo dục con em mình tránh xa các tệ nạn xã hội, góp phần quan trọng cùng cả hệ thống chính trị mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

Mở đầu buổi giao lưu là 3 mô hình tại tỉnh Quảng Trị, Hà Nam và Bến Tre với những cách làm sáng tạo, hiệu quả. Thượng tá Lê Văn Đệ, Phó trưởng Công an huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre chia sẻ, ngay khi có Nghị quyết liên tịch 01, với sự quan tâm chỉ đạo các cấp ủy Đảng ở địa phương, đó là yếu tố quyết định cho sự thành công trong công tác phối hợp giữa hai ngành Công an và HLHPN. Người dân nhận thức được rằng công tác đảm bảo ANTT không phải riêng của lực lượng Công an mà còn của cả hệ thống chính trị, trong đó quần chúng nhân dân đóng vai trò đặc biệt quan trọng khi tham gia công tác đảm bảo ANTT tại địa phương.

Các đại biểu giao lưu tại chương trình.

Cũng theo chị Nguyễn Thị Thanh Hoan, Phó Chủ tịch HĐND phường Thanh Châu, thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam: HLHPN Thanh Châu đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như ký cam kết chương trình thực hiện tuyên truyền giáo dục pháp luật. Thời gian qua, công tác này đã nâng cao nhận thức cho người dân trong việc thực thi pháp luật của địa phương, góp vào thành tích chung trong công tác đẩy lùi những tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Tại trường quay, các đại biểu được nghe những câu chuyện, kỷ niệm xúc động của các vị khách mời khi giúp đỡ nhiều hoàn cảnh vươn lên trong cuộc sống. 

Thượng tá Lê Văn Đệ bồi hồi nhớ lại, trường hợp một phụ nữ sau khi thụ án phạt tù trở về địa phương. Khi đó, các chiến sĩ Công an đã phối hợp với Hội phụ nữ tại địa phương trực tiếp đến gặp. Bước đầu, người phụ nữ tìm mọi cách tránh né, ngại không muốn tiếp xúc với ai. Hiểu được tâm tư của người sau khi thụ án trở về địa phương, chúng tôi đã thường xuyên tiếp cận, động viên, thuyết phục… 

“Từ những tiếp xúc gần gũi, chúng tôi đã nắm bắt được tâm tư nguyện vọng. Sau đó, Hội Phụ nữ đã giúp đỡ cho vay vốn để tổ chức làm ăn. Giờ đây, trường hợp đó kinh tế rất là khá và là một thành viên phối hợp tích cực với Công an trong công tác tuyên truyền đẩy lùi các tệ nạn xã hội trên địa bàn…”,  Thượng tá Lê Văn Đệ vui mừng chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Đế, Chi hội trưởng Hội Nàng dâu, đại diện dòng họ Nguyễn Bảo Quang chia sẻ về quá trình hình thành “Hội Nàng dâu tự quản dòng họ Nguyễn Bảo Quang”. 

Chị Đế cho biết: “Xuất phát từ một lần tôi đến nhà người quen trong họ, thấy chị (một phụ nữ làm dâu dòng họ Nguyễn Bảo Quang) rất khổ sở vì bị chồng đánh đập. Tôi có hỏi sao chị lại khóc, chị chia sẻ là đã rất nhiều lần bị chồng đánh mỗi lúc uống rượu say về… Sau nhiều ngày trăn trở, tôi đã gặp gỡ lấy ý kiến một số chị em và hôm họp họ có phát biểu xin ý kiến bác trưởng họ cho thành lập “Hội Nàng dâu tự quản”. Mục đích nhằm để chị em nàng dâu có nhiều điều kiện gặp gỡ, chia sẻ, giúp đỡ nhau nuôi dạy con cái tốt hơn”… 

Dòng họ có 34 hộ, 169 khẩu, 72 nàng dâu, đa số dân tộc thiểu số. Chính vì điều đó nên ban đầu khi tổ chức sinh hoạt có nhiều khó khăn vì các nàng dâu thuộc các dân tộc nên văn hóa, tập tục khác nhau. Nhưng với quyết tâm cùng sự ủng hộ, quan tâm, giúp đỡ rất lớn từ địa phương và những người đàn ông trong họ nên “Hội Nàng dâu tự quản” đã dần đi vào hoạt động hiệu quả, có nhiều điều kiện để tham gia các công tác xã hội, tăng gia sản xuất và chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy tốt con cái…

M.Hiền – X.Trường
.
.