Về nơi thắp sáng lửa tình người

Thứ Năm, 20/08/2015, 08:08
Nắng chiều nhàn nhạt, con đường trải nhựa với hai hàng cây cao vút tuyệt đẹp, xuyên qua những cánh rừng trồng và những khu đất trồng hoa màu xanh tốt dẫn vào trụ sở Trại giam Thủ Đức (Z30D) thuộc Tổng cục VIII - Bộ Công an, đóng tại địa bàn xã Tân Minh, huyện Hàm Tân (Bình Thuận) khiến tôi mê mẩn.

Trong sân phân trại 2, hơn 100 phạm nhân mới nhập trại đang được các cán bộ hướng dẫn, giáo dục bài học cơ bản và quan trọng nhất về nội quy phạm nhân do Đội giáo dục và hồ sơ (GDHS) của Trại phụ trách.

Trung úy Đỗ Văn Diện cán bộ Đội GDHS đang đứng giữa sân huấn thị phạm nhân đưa tay quệt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán cho biết: Phạm nhân nhiều loại án khác nhau, trình độ chênh lệch rất xa nhau, đa số quen sống buông thả, vô tổ chức và bất chấp pháp luật, văn hóa thấp, nên phải uốn nắn ngay từ đầu bằng nội quy nghiêm khắc. Phải bắt đầu với họ từ cách xưng hô, quy tắc ứng xử, giờ giấc, kỷ luật, sinh hoạt nam, nữ khu biệt, các quy định khác về chế độ thăm nuôi, những việc không được phép làm, các kỹ năng mang tính cộng đồng…

Ngay cả khi phạm nhân đã chấp hành xong án phạt tù, Ban giám thị Trại còn tổ chức học tập 15 ngày về pháp luật, đạo đức, kỹ năng… nhằm trang bị cho các phạm nhân sau khi mãn hạn tù trở về địa phương biết cách tuân thủ pháp luật và sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập với cộng đồng xã hội. Xác định phạm nhân mù chữ là những đối tượng có nguy cơ tái phạm cao, nên ngay từ khi còn trong trại Ban giám thị đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hàm Tân tổ chức mở gần 10 lớp xóa mù chữ cho họ.

Với phạm nhân là người chưa thành niên, Trại Z30D cũng đặc biệt quan tâm có chế độ giáo dục chuyên biệt, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý hướng vào các chủ đề như: gia đình, nhà trường, tình bạn, tình yêu, tác hại của ma túy, cách phòng ngừa chống lây nhiễm HIV/AIDS, sức khỏe sinh sản, nhận thức về xã hội, pháp luật…

Nữ phạm nhân có con nhỏ theo mẹ vào trại cũng được tổ chức giáo dục bằng chương trình riêng liên quan đến quyền phụ nữ. Họ được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao theo các chủ đề về phụ nữ, quê hương, Tổ quốc, truyền thống… Trại có nhà trẻ dành riêng cho con cái phạm nhân với đầy đủ các thiết chế, trang thiết bị, dụng cụ học tập, vui chơi dành cho trẻ.

Thư viện phân trại 2 tập trung khá nhiều đầu sách báo liên quan đến pháp luật, rèn luyện đức tính, kỹ năng, kỹ thuật và kiến thức văn hóa, xã hội. Nữ phạm nhân Lý Gia Yến phụ trách thư viện nhớ rất kỹ từng loại sách, tên sách trên các kệ. Yến có dáng dấp một trí thức ẩn sau đôi kính cận dày cộm.

Yến đang cười rất vui vì được nằm trong danh sách được xét đặc xá lần này, nhưng xin không chụp ảnh. Gần 10 phạm nhân cả nữ lẫn nam đang đọc sách, báo nhìn chúng tôi và cán bộ trại chào thưa rồi cặm cụi đọc. Toàn Trại Z30D có 7 thư viện, trên 20.600 đầu sách các loại. Trung bình mỗi tháng có hơn 10.000 lượt phạm nhân mượn sách đọc. Riêng phân trại 7 đã đưa tủ sách về tận buồng giam để cho phạm nhân thuận tiện đọc hơn.

Sắp đến ngày công bố và trao quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn nên nhiều phạm nhân bồn chồn, hồi hộp mong đến ngày được ra tù…

Phạm nhân đọc sách tại thư viện phân trại 2.

Tại Trại Z30D, đợt đặc xá năm 2015 sẽ tha tù trước thời hạn cho 856 hồ sơ đã thẩm định, trong đó có 159 phạm nhân nữ, 11 phạm nhân là người mang quốc tịch nước ngoài. Đáng chú ý có 30% phạm nhân thuộc diện tái phạm và tái phạm nguy hiểm. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Trại Z30D có 3.408 phạm nhân giảm án và 525 phạm nhân được tha trước thời hạn.

Trong sân thư viện phân trại 2, chúng tôi đã gặp phạm nhân Trần Huy Liên, 51 tuổi, quê ở Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Nhận thông báo được xét đặc xá trong dịp Quốc khánh 2-9, Liên vui mừng hiện rõ trên mặt. Từng là một sinh viên tốt nghiệp Khoa Trồng trọt (Nông học) Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh năm 1990, kỹ sư Liên vào đời với nghề buôn bán. Trong một lần đi thu nợ tiền hàng, bị đối phương tấn công, Liên bọc sẵn con dao trong người rút ra đâm đối phương…

Tội danh “cố ý gây thương tích” với mức án 6 năm tù, đền bù 65 triệu đồng từ năm 2012 đến nay, đã quá đủ thời gian cho một trí thức như Liên trải qua biết bao nhiêu vui buồn và hối hận về những gì đã gây ra. Lặng đi một lúc, Liên nói: “Đây là những ngày tôi sống trong trạng thái như đang mộng du, vui mừng vô cùng. Nghĩ lại, tôi khuyên các bạn trẻ đừng bao giờ nông nổi trong hành động và tự giải quyết khi gặp phải sự cố”.

Nguyễn Thị Kim Nguyệt, 50 tuổi, biểu lộ trạng thái lâng lâng vui sướng khi biết mình có trong danh sách đặc xá lần này. Bao nhiêu năm nay cô đã chờ đời ngày này. Cô từng sống trong con hẻm nhỏ trên đường Tôn Đản, quận 4 là “thánh địa giang hồ”. Cuộc sống nghèo khó, môi trường sống phức tạp đầy cám dỗ…

Tiền công của người chồng làm nghề sửa chữa điện lạnh không đủ để nuôi hai con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Ngày 18/1/2008, cô bị Công an bắt quả tang đang giao ma túy tại con hẻm trên đường Bến Vân Đồn. Là một phụ nữ năng động, tháo vát, lỡ phạm tội, Kim Nguyệt ý thức rất sâu sắc về hành vi phạm tội của mình nên quyết tâm cải tạo, quyết chí làm lại cuộc đời.

Được cán bộ Trại giao làm Đội trưởng Đội số 21, toàn phạm nhân nữ có nhiều án tích xã hội, hình sự, cô luôn làm tốt vai trò “thủ lĩnh”, hướng các hoạt động nữ phạm vào hướng thiện, giáo dục pháp luật, tình cảm, đạo đức trong quá trình cải tạo để mong sớm được tha tù trở về đoàn tụ gia đình, làm lại cuộc đời. Kim Nguyệt là nữ phạm duy nhất của Đội 21 được xét đặc xá lần này.

Khi cánh cửa trại giam khép lại, cuộc sống thật sự của cán bộ, chiến sỹ Công an Trại giam Thủ Đức mới bắt đầu. Một ngày đưa phạm nhân đi lao động thì cũng là một ngày chiến sỹ trại giam có mặt để quản giáo phạm. Một ngày phạm nhân học tập pháp luật, học kỹ năng, nội quy… thì cũng là một ngày cán bộ, chiến sỹ Trại giam phải đứng lớp giảng dạy, truyền đạt.

…Ngồi trong phòng Đội GDHS của Trung tá Vũ Hồng Kiên, tôi luôn có cảm giác bị choáng ngợp với hàng chồng hồ sơ nhập trại, ra trại, đặc xá của trên 800 phạm nhân. Theo Trung tá Kiên, lo cho phạm nhân hoàn thành cải tạo tuy rất khó, rất vất vả trong đó khâu tổ chức, chuẩn bị mọi thứ vật chất, con người, hồ sơ… cũng vô cùng quan trọng.

Trong những ngày này, cán bộ, chiến sỹ trại giam hoạt động hết công suất. Trung úy Diện đứng lớp phổ biến nội quy cho phạm nhân mới nhập trại đến gần 10h đêm mới hết việc. Vậy mà anh vẫn nói, chưa ăn thua gì so với các lãnh đạo… Dịp đặc xá phạm nhân theo chủ trương của Đảng, Nhà nước tại một trại giam lớn, công việc càng phải chu đáo, thận trọng và đảm bảo tốt nhất, tạo điều kiện cho người được tha tù trước thời hạn trở về địa phương nhanh chóng ổn định cuộc sống, tái hòa nhập xã hội

Hoàng Châu
.
.