Văn hóa giao thông với bình yên sông nước

Thứ Năm, 03/09/2015, 08:28
Theo Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh kiêm Phó Ban ATGT Đồng Nai, qua 5 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” trên địa bàn, số vụ TNGT và thiệt hại về người và của xảy ra trên các tuyến đường thủy nội địa giảm mạnh. So với giai đoạn trước đó, tỉnh Đồng Nai đã kéo giảm hơn 75% về số vụ và giảm được 15 người chết.
Với đặc thù là địa bàn có mạng lưới sông ngòi dày đặc, chảy qua Đồng Nai có 9 tuyến sông, tổng chiều dài 152km cùng 15 cảng biển, 5 cảng sông, 89 bến thủy nội địa, 18 bến đò khách ngang sông và 32.000ha mặt nước hồ Trị An. Hoạt động giao thông thủy nội địa tại Đồng Nai khá nhộn nhịp với khoảng 2.000 phương tiện thủy.

Do đó, để xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông vì bình yên sông nước”, Ban ATGT Đồng Nai đã áp dụng các mô hình cụ thể như “Văn hóa giao thông đường thủy” tại làng bè hồ Trị An; mô hình “Người tham gia giao thông đường thủy văn minh, lịch sự, chấp hành pháp luật về giao thông thủy” tại một số bến đò ngang; mô hình “Bến văn hóa - an toàn” tại các bến đò ngang đông người qua lại; mô hình “Tuyến sông văn hóa - an toàn” với những tuyến thủy nội địa trọng điểm và mô hình “Đoàn tàu văn hóa - an toàn” với DN vận tải thủy…

Phương tiện thủy lưu thông trên tuyến sông Đồng Nai.

Cùng với việc triển khai các mô hình trên, công tác tuần tra, xử phạt trong lĩnh vực trật tự ATGT đường thủy cũng được Công an Đồng Nai phối hợp với Thanh tra giao thông đường thủy và các lực lượng khác đẩy mạnh. Qua 5 năm thực hiện đã có 14.450 trường hợp vi phạm trật tự ANGT đường thủy bị phát hiện, xử lý; đã bắt giữ 114 vụ khai thác cát trái phép, tạm giữ 107 phương tiện thủy và giải quyết 18 vụ phạm pháp hình sự trên các tuyến đường thủy, bắt 16 đối tượng vi phạm pháp luật. 

Dù vậy, do điều kiện sống khó khăn và tập quán sinh hoạt trên sông nước, kết quả đợt kiểm tra tại làng cá bè ở hồ Trị An, các lực lượng phối hợp vẫn phát hiện chỉ có một nửa số bè được kiểm tra có trang bị áo phao hoặc phao cứu sinh. Các bè cá đều sử dụng phương tiện thủy có công suất nhỏ nhất cũng ở mức 5,5CV, nhưng hầu như đều không có đăng ký, đăng kiểm. Người dân sinh sống trên các bè cá cũng hầu hết không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn về lái phương tiện thủy và các bè cá đều chưa được lắp đặt báo hiệu.

Còn theo Ban ATGT huyện Vĩnh Cửu, thì một bộ phận hành khách vẫn còn thói quen không mặc áo phao khi đi đò; lái đò chưa quan tâm nhắc nhở hành khách mặc áo phao và hành khách không chờ đò tại nhà chờ mà chen lấn, chạy xuống sát mép sông để lên đò cho nhanh. Tình trạng xây dựng trái phép, trồng cây, đổ đất cát san lấp lấn chiếm hành lang bờ sông và chưa tự giác phòng ngừa tai nạn sông nước vẫn tồn tại ở nhiều khu vực… nên vẫn cần các địa phương sâu sát trong quá trình triển khai các mô hình trên.

Đ.Thắng
.
.